ĐBQH đề nghị xem xét có nên duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu

Thứ Hai, 07/11/2022 19:24

|

(CAO) Khi giá thế giới liên tục tăng thì Quỹ bình ổn bị âm. Khi giá thế giới giảm thì trích lập lại vào Quỹ cho tới khi quỹ dương trở lại. Cuối cùng, giá xăng dầu trong nước không tiệm cận với giá thế giới, khi giảm thì giảm rất chậm.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, tại phiên thảo luận tổ chiều 7/11, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi).

Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang, so với Luật hiện hành, ở lần sửa đổi này Chính phủ đề xuất về danh mục hàng hoá bình ổn giá khác hoàn toàn.

Cụ thể, với hàng hoá Nhà nước bình ổn giá, hiện nay quy định danh mục, trong trường hợp cần điều chỉnh thì Chính phủ đề xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh. Nhưng tới dự thảo này, không quy định danh mục mà Chính phủ quy định trên cơ sở trình của Bộ Tài chính.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang

Ông Giang nhìn nhận, việc bình ổn giá là hình thức can thiệp vào thị trường. Ít nhất người dân phải biết được danh mục Nhà nước sẽ bình ổn giá. Theo quy định hiện nay là trường hợp cần thay đổi thì Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Ông Giang đề nghị vẫn nên giữ quy định về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hoá, dịch vụ bình ổn giá như hiện nay.

“Quốc hội ít nhất phải quyết định danh mục hàng hoá cơ bản mà Nhà nước cần bình ổn giá, sau đó uỷ quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và trong trường hợp cần thiết Chính phủ trình, xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ việc điều chỉnh, bổ sung danh mục này” - ông Giang nêu quan điểm.

Đề cập đến Quỹ bình ổn giá, đại biểu Giang nói, luật hiện hành quy định trường hợp cần thiết Nhà nước lập quỹ bình ổn, nhưng thực tế chỉ có Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Mà việc điều hành Quỹ này vừa qua, theo đại biểu, “rất có vấn đề”. Nguồn hình thành quỹ được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (300 đồng một lít).

“Một bà nội trợ hôm trước đi mua hàng hoá rẻ, bảo bà bán hàng “cho tôi gửi 300 đồng, mai tôi đi mua, nếu hàng đắt hơn thì bà phải bù cho tôi. Nhưng ngày mai hàng lên giá thì bà được trích ngày hôm trước bù lại, lại không đi mua, mà là người khác đi mua” – ông Giang ví dụ.

Ngoài ra, khi giá thế giới liên tục tăng như vừa qua thì Quỹ bình ổn bị âm. Khi giá thế giới giảm thì sẽ trích lập lại vào Quỹ cho tới khi quỹ dương trở lại.

“Cuối cùng, giá xăng dầu trong nước không tiệm cận với giá thế giới, khi giảm thì giảm rất chậm, các chuyên gia đã phân tích điều này” – ông Giang phản ánh. Thông tin thêm, ông chỉ ra, có thống kê cho thấy, một năm qua mặt hàng dầu đã trích lập nhiều hơn nhưng được bù ít hơn, còn xăng trích ít hơn lại được bù giá nhiều hơn từ Quỹ. Từ phân tích này, ông Giang đề nghị bỏ quỹ bình ổn xăng dầu.

Đại biểu Nguyễn Công Long 

Cũng quan tâm về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho rằng hiện chưa có đánh giá cụ thể nên giữ hay tiếp tục duy trì Quỹ này trong bối cảnh sẽ điều chỉnh chính sách liên quan đến mặt hàng xăng dầu.

“Nếu điều chỉnh chính sách về thuế thì phải xem lại việc duy trì, cách vận hành quỹ này. Trong bối cảnh hiện tại, việc duy trì quỹ là cần thiết nhưng trong tương lai gần cần xem xét” – ông Long nhìn nhận.

Theo đại biểu, khi nguồn cung không đảm bảo thì Quỹ bình ổn xăng dầu cũng không giải quyết được gì.

“Có nghĩa, chúng ta vẫn phải đương đầu với những khó khăn, khủng hoảng rất nghiêm trọng về nguồn cung. Do vậy, tác động của nó không lớn đến mức cần xem xét, duy trì bằng mọi giá” - đại biểu phân tích.

Dù có nhiều ý đề nghị bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu, để “lên - xuống theo giá thế giới”, nhưng theo đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang), quỹ là công cụ để giá “không lên cao vút, không xuống kịch sàn”.

“Để biên độ hẹp thì giá các mặt hàng khác chạy theo, chứ nếu không tác động rất lớn, nguy cơ đứt gẫy chuỗi sản xuất” – ông Lâm chỉ ra.

Ông cũng cho rằng, Quỹ là công cụ có hiệu quả, tuy nhiên lúc cao quá hay thấp quá thì phải dùng công cụ mạnh hơn là thuế và phí. “Tiếp tục duy trì là cần, hiện chưa có công cụ khác để thay thế quỹ” - đại biểu của Bắc Giang nhấn mạnh.

“Nếu chúng ta xác định quỹ bình ổn giá xăng dầu là một quỹ cần thiết phải giữ, thì phải có chế định riêng cho quỹ này, và phải có đánh giá rất kỹ” - đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nói.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai)

Khẳng định Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ nên duy trì ở một giai đoạn nhất định, còn trong dài hạn, ông An góp ý phải nghiên cứu để tiến tới bỏ đi.

“Bởi thực chất quỹ này không phản ánh tính chất bình ổn như các loại bình ổn thông thường. Có những thời điểm quỹ bị âm và khi giá tăng lại phải trích. Khi đó không có tác động đến giá xăng dầu” – ông An bình luận.

Lưu ý xăng dầu là loại hàng đặc biệt, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị, cần phải có chế định đặc biệt để quản lý nhưng không thể can thiệp bằng cách phi thị trường.

“Chúng ta có thể có sự điều tiết thông qua cơ chế thuế, phí, còn qũy này là đi thu của người tiêu dùng, giao cho doanh nghiệp quản lý. Do đó rất cần đánh giá kỹ lưỡng và không nhất thiết phải giữ trong bối cảnh đang hướng tới điều chỉnh cơ chế mang tính thống nhất, hiệu qủa, khách quan về xăng dầu” - đại biểu An giữ quan điểm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang