Dành 470.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông

Thứ Bảy, 05/11/2022 18:46

|

(CAO) Tại phiên chất vấn chiều nay, 5/11, Thủ tướng cho biết nhiệm kỳ trước dự kiến dành 165.000 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng giao thông, nhưng huy động chỉ được 134.000 tỷ đồng. Nhiệm kỳ này dự kiến bố trí được 470.000 tỷ đồng, gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước.

Tập trung vào 3 động lực tăng trưởng

Gửi câu hỏi tới Thủ tướng, đại biểu Hoàng Văn Liên (Long An) đánh giá, kết quả tăng trưởng 9 tháng năm 2022 cho thấy nỗ lực chung rất lớn của Chính phủ và cả hệ thống chính trị, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Đại biểu Hoàng Văn Liên chất vấn Thủ tướng Phạm Minh Chính

Từ kết quả này, đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết bài học gì giúp cho phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch Covid-19, làm thế nào để tiếp tục duy trì phát triển kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo?

Trả lời đại biểu, Thủ tướng chỉ ra 3 nền tảng liên quan đến vĩ mô là tăng trưởng, chống lạm phát và việc làm.

“Vừa qua chúng ta kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn, bằng các giải pháp khác nhau chúng ta đã thực hiện được mục tiêu này” - Thủ tướng nói.

Theo ông, vì nguồn vốn có hạn nên chúng ta tập trung vào 3 động lực tăng trưởng, gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.

“Đó là những quan điểm và những giải pháp lớn để chúng ta có được thành quả như hiện nay” - Thủ tướng nhìn nhận. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, dưới tác động của tình hình thế giới hiện nay thì vấn đề còn rất phức tạp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội

Làm rõ các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là yêu cầu mà đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) đặt ra với Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Đề cập đến vấn đề ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đại biểu Nguyệt nêu tình trạng nước biển dâng khiến nhiều đô thị ven biển thường xuyên bị xâm nhập mặn, hay ngập úng bởi triều cường, mưa lớn.

Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết, quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng hạ tầng cấp thoát nước, giao thông… đã cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu như thế nào và hướng giải quyết ra sao?

Nhấn mạnh Việt Nam là một trong trong 56 nước chịu biến đổi khí hậu rất lớn, Thủ tướng cho rằng phải nhận thức và hành động cho tương xứng với những gì mà biến đổi khí hậu đang tác động đến nước ta.

“Ở Đồng bằng sông Cửu Long không những sạt lở mà còn lún nữa, rồi nước biển dâng cao...” - Thủ tướng nêu.

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt nêu câu hỏi

Từ thực tế trên, Thủ tướng cho rằng cần phải đánh giá tác động lại. “Vừa qua, tôi cũng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phải khảo sát lại toàn bộ tác động của biến đổi khí hậu tác động đến đất nước ta như thế nào, nhất là các vùng trọng điểm, ví dụ như Đồng bằng sông Cửu Long, như miền Trung hay là sạt lở đất ở các khu vực miền núi phía Bắc” – Thủ tướng thông tin.

Điểm nữa, theo Thủ tướng, cần phải xây dựng thể chế. “Như muốn chuyển đổi năng lượng cần phải có một bộ luật để cho chuyển đổi năng lượng này thế nào” - Thủ tướng lấy ví dụ.

Ông cũng cho rằng, bên cạnh huy động nguồn lực của Nhà nước, cần phải phải huy động nguồn lực theo phương thức hợp tác công tư, rồi phải chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế…

Nêu chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông, Thủ tướng thông tin, nhiệm kỳ đã dành 470.000 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng giao thông.

“So với nhiệm kỳ trước chúng ta dự kiến là 165.000 tỷ đồng nhưng huy động chỉ được 134.000 tỷ. Nhiệm kỳ này chúng ta dự kiến bố trí được 470.000 tỷ đồng, gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước.” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Công tác an sinh xã hội được đẩy mạnh

Khẳng định các chính sách an sinh xã hội được Đảng và Nhà nước rất quan tâm thực hiện, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để cải thiện, song đại biểu Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) cho rằng, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng.

Đại biểu Bùi Văn Thống (Đồng Nai) 

Chỉ ra chi phí cho giáo dục, y tế, nhà ở là một gánh nặng với người nghèo và nhất là công nhân tại các khu công nghiệp, đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết các giải pháp giải quyết vấn đề này.

Hồi âm sau đó, người đứng đầu Chính phủ cho biết, đã có rất nhiều biện pháp liên quan đến an sinh xã hội được triển khai. Như tạo công ăn việc làm, đảm bảo đời sống cho người có công, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo bảo hiểm xã hội cho các đối tượng khác nhau.

“Vừa qua, chưa bao giờ chúng ta làm về an sinh xã hội lớn như thế, cho đến giờ này chúng ta chi ra là 87.000 tỷ đồng cho gần 56 triệu người và hơn 800 người sử dụng lao động” - Thủ tướng dẫn chứng và nhận định, đây là một việc làm rất lớn của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp của các đại biểu Quốc hội.

Sắp tới, Thủ tướng nói, sẽ tiếp tục rà soát xem cần làm những gì, ví dụ như chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ cho người có thu nhập thấp, hay sẽ tăng lương, phụ cấp cho đối tượng về hưu, nhất là người về hưu trước năm 1995.

“Nay mai, để hỗ trợ cho người có công thì chúng ta lấy lương cơ bản nhân với hệ số, cộng với các chính sách được hưởng để góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho nhóm đối tượng này” – Thủ tướng thông tin.

Nhắc lại chính sách xây nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) khẳng định đây là mối quan tâm của rất nhiều cử tri.

“Rất nhiều người có nhu cầu nhưng nguồn cung thiếu và các quy định hiện hành lại có nhiều điều kiện khiến người thu nhập thấp rất khó đáp ứng” - đại biểu phản ánh và đề nghị Thủ tướng cho biết có chính sách gì để tháo gỡ.

Quang cảnh phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ

Trả lời câu hỏi của nữ đại biểu, Thủ tướng khẳng định, điểm quan trọng là nguồn lực. “Mình phải tháo gỡ cơ chế về nguồn lực, làm sao có hợp tác công tư” - Thủ tướng nhìn nhận.

Việc nữa, theo lãnh đạo Chính phủ, cần xem xét bổ sung chính sách. “Chính sách nhà ở xã hội có 3 nội dung, gồm mua, thuê và thuê mua. Thuê mua hiện nay chúng ta chưa có. Tôi nghĩ cũng phải nghiên cứu thêm về việc này để chúng ta vừa phải mua, ai có tiền thì mua ngay, ai không có tiền thì thuê mua. Quá trình thuê 10 năm, 20 năm người ta trả xong, đó gọi là thuê mua” - Thủ tướng nêu quan điểm.

Vẫn theo ông, quy hoạch thế nào cũng là một vấn đề. “Như bây giờ ta có một dự án nhà chung cư có 20% diện tích để làm nhà ở xã hội thì cũng có những bất cập về hạ tầng, về các dịch vụ khác” - Thủ tướng chỉ ra, đồng thời cho rằng cần phải cải tiến như thế nào cho phù hợp, tức là vừa đảm bảo xây dựng khu đô thị nhưng phải đảm bảo được phân diện tích 20% kia.

“Phải nghiên cứu thế nào để cho phù hợp và sát với thực tế, có tính khả thi” - Thủ tướng nói.

149 lượt chất vấn, 22 lượt tranh luận

Kết luận phiên chất vấn, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau 2,5 ngày làm việc, Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Bộ trưởng Xây dựng, Bộ trưởng TTTT, Bộ trưởng Nội vụ và Tổng thanh tra Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Cùng với các bộ trưởng, trưởng ngành chịu trách nhiệm trả lời chính, đã có các thành viên Chính phủ, trưởng ngành tham gia trả lời, giải trình, làm rõ.

Tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp đã có 345 lượt đăng ký tham gia chất vấn, trong đó có 149 lượt đã chất vấn, 22 lượt tranh luận để làm rõ hơn vấn đề.

Theo ông Mẫn, kết quả phiên chất vấn tại kỳ họp này cho thấy các đại biểu Quốc hội đã nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước, nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, bám sát vào chủ đề chất vấn, mang tính xây dựng, trách nhiệm cao.

Thủ tướng, các phó thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành với tinh thần trách nhiệm cao đã trả lời đúng trọng tâm, trực tiếp vào vấn đề được chất vấn, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu; đồng thời thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực, đưa ra được các giải pháp cho trước mắt và lâu dài.

Bình luận (0)

Lên đầu trang