Bố trí công an xã bán chuyên trách vào lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở

Thứ Sáu, 11/09/2020 14:55

|

(CAO) Dự luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở (LLTGBVANTTCS) sẽ tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách, theo Bộ trưởng Tô Lâm.

Trình bày sự cần thiết xây dựng Luật LLTGBVANTTCS trong phiên họp UBTVQH sáng 11/9, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dự luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Việc ra đời dự luật, theo Bộ trưởng Tô Lâm, sẽ tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ Công an xã tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018.

Toàn cảnh phiên họp

Đáng chú ý, Luật LLTGBVANTTCS được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý minh bạch trong việc xác định, phân định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thực hiện và giới hạn, phạm vi, cách thức thực hiện, tránh việc lạm dụng, tùy tiện, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Từ sự cần thiết trên, dự thảo luật quy định các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được sắp xếp, bố trí thống nhất thành 1 lực lượng với tên gọi chung là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và được bố trí thành Tổ an ninh, trật tự ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn cấp xã.

Việc bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, theo dự luật, sẽ do ngân sách địa phương hỗ trợ, cân đối kết hợp với huy động nguồn lực trong nhân dân.

Nhất trí với sự cần thiết ban hành dự luật trên, song quá trình thẩm tra sơ bộ, trong thường trực Uỷ ban QPAN có ý kiến đề nghị cân nhắc chỉ thực hiện thí điểm trong một thời gian.

Lý do là dự thảo Luật có nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tổ chức “lực lượng”, kinh phí, ngân sách bảo đảm và nhiều vấn đề liên quan đến tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; chưa đề cập đến các tổ chức tự nguyện, tự quản trong việc tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở.

Nêu ý kiến thảo luận, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thắc mắc khi ban hành luật này với 3 lực lượng như dự kiến thì các mô hình tự quản khác có tiếp tục duy trì không?

“Nếu có thì chế độ pháp lý thế nào, mối quan hệ giữa các mô hình tự quản này với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thế nào cần tiếp tục được làm rõ” – ông Tùng yêu cầu.

Phân tích thêm vấn đề nhân sự khi triển khai thực hiện dự án luật này, ông Tùng cho biết, số nhân sự sẽ tăng lên, dẫn đến nhu cầu cần bổ sung rất lớn kinh phí về ngân sách. Vì lý do này, ông Tùng  lưu ý cần tính toán kỹ việc này.

"Vì thực tế, có địa phương tự cân đối được ngân sách, nhưng có địa phương chưa cân đối được" - ông Tùng nói.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu

Chung nỗi băn khoăn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phản ánh hiện tại đang có những mô hình, tổ chức tự quản của quần chúng hoạt động khá hiệu quả. “Những mô hình này lẽ ra phải đánh giá tổng kết để xác định sự cần thiết phải duy trì, nếu cần thì phải sắp xếp đó là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thì chúng ta lại không nhắc tới” - Chủ tịch QH nêu quan điểm.

Bàn về kinh phí, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề: “Bộ trưởng báo cáo có giảm kinh phí, tôi không biết ý kiến của Bộ Tài chính thế nào vì đó là điều kiện bảo đảm hoạt động được tham gia bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở. Khi thành lập một lực lượng nào để thực hiện nhiệm vụ thì quy định này là cần thiết. Không thể nói là làm chay được”.

Đặt thêm vấn đề về các khoản phụ cấp, BHXH, BHYT, nơi làm việc, bà Ngân nêu rõ: “Tôi đặt câu hỏi nghiên cứu hoàn thiện thêm, chứ không phải tôi phản đối việc ban hành luật này”.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phân tích lý do nhập 3 lực lượng như luật trình Quốc hội. Theo Bộ trưởng, đây là 3 lực lượng có lịch sử ra đời rất lâu, trên phạm vi toàn quốc và hiện nay đang được tồn tại. Các lực lượng này có quan hệ chặt chẽ, có cơ cấu tổ chức bộ máy và đều do UBND cấp xã thành lập, được Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động, trên thực tế đang phát huy được vai trò tích cực trong bảo vệ ANTT ở cơ sở, đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá, đủ cơ sở để quy định trong dự Luật.

Lý do không đưa thêm các lực lượng khác ở cơ sở vào dự án Luật, theo Bộ trưởng, là vì các lực lượng này chỉ tồn tại nhỏ lẻ ở các địa phương, không bao trùm, phổ biến trong toàn quốc. Chính vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện, có thể bổ sung trong Luật sau.

Liên quan đến kinh phí hoạt động, người đứng đầu ngành Công an cho biết, các điều khoản được thiết kế đã bám sát quy định của lực lượng Dân quân tự vệ.

Theo tính toán, việc kiện toàn thống nhất 3 lực lượng sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách địa phương cho các lực lượng này.

“Nếu sắp xếp thống nhất 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách thì có thể cắt giảm chi ngân sách cho khoảng gần 500.000 người, tương đương với việc cắt giảm chi 375 tỷ đồng/tháng để chi hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” - Bộ trưởng thông tin.

Bình luận (0)

Lên đầu trang