Báo cáo Quốc hội về vấn đề sách giáo khoa (SGK) năm học 2020 – 2021, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đề cập đến sách Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều gây bức xúc dư luận thời gian qua.
Theo Bộ trưởng Nhạ, đây là 1 trong số 46 quyển SGK thuộc 5 bộ sách đã được phê duyệt để các địa phương, các trường lựa chọn, đưa vào giảng dạy. Tất cả các quyển SGK phê duyệt đều được các nhà trường tổ chức cho giáo viên, tổ bộ môn nghiên cứu, đề xuất, thành lập hội đồng đánh giá và quyết định lựa chọn phù hợp với điều kiện triển khai thực hiện tại trường.
Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ
“Bộ sách Cánh Diều chiếm 32% tổng số SGK lớp 1 được các trường trong cả nước lựa chọn” – Bộ trưởng Nhạ thông tin và cho rằng, điều này cho thấy thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK, không còn sự độc quyền trong xuất bản, phát hành sách như trước đây.
Xung quanh phản phản ánh về sách Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM, do GS Nguyễn Minh Thuyết chủ biên) có một số nội dung không phù hợp, Bộ trưởng Nhạ khẳng định đã yêu cầu Hội đồng thẩm định quốc gia rà soát, kiểm tra, kết luận cụ thể các nội dung, báo cáo Bộ trưởng trước ngày 17/10/2020.
“Báo cáo đã hoàn thành, gửi Bộ theo đúng yêu cầu” – ông Nhạ thông tin, đồng thời cho biết, dựa trên kết quả báo cáo của Hội đồng, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã làm việc với Hội đồng, với nhà xuất bản và tác giả cuốn sách. Kết quả, tất cả các bên liên quan thông nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa nội dung cuốn sách cho phù hợp hơn.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Nhạ, sẽ bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài học cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài “Cua, cò và đàn cá” trang 115, bài “Hai con ngựa” trang 157, bài “Lừa, thỏ và cọp” trang 163… Việc chỉnh sửa cũng thực hiện theo hướng thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ “nhá”, “nom”, “quà quà”, “chén”… được sử dụng trong các bài học này.
Người đứng đầu ngành Giáo dục cho biết, Hội đồng thẩm định cũng đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài “đa nghĩa” mà nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng Văn học Việt Nam.
Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 tập 1 của bộ sách Cánh Diều
Cùng với đó, Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng yêu cầu nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM và tác giả khẩn trương xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính để kịp thời, thuận lợi cho giáo viên tổ chức hoạt động dạy học.
Trước mắt, Bộ hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên sử dụng các ngữ liệu được thay thế, bổ sung để thực hiện việc dạy học các bài nằm trong chương trình học kỳ I, đồng thời khẩn trương hoàn thiện việc điều chỉnh, bổ sung các nội dung trong sách theo đúng quy định, báo cáo Bộ trưởng xem xét phê duyệt trước ngày 15/11/2020.
Nhìn nhận về “sự cố” này, lãnh đạo Bộ Giáo dục – Đào tạo thừa nhận, dù việc chỉnh sửa, hiệu đính sách giáo khoa vẫn thường xuyên được thực hiện nhưng để xảy ra bức xúc trong dư luận xã hội về sách Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều có trách nhiệm của Bộ Giáo dục, Hội đồng thẩm định và tác giả.
“Bộ Giáo dục, Hội đồng thẩm định và tác giả cuốn sách trân trọng tiếp thu và cảm ơn các nhà khoa học, giáo viên và cử tri cả nước đã đóng góp nhiều ý kiến, chỉ ra những nội dung chưa phù hợp và mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý để sách giáo khoa ngày càng hoàn thiện, góp phần triển khai thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới” – ông Nhạ ghi nhận.
Tới đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cam kết, sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa lớp 1, tiếp tục chỉ đạo việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa từ lớp 2 đến lớp 12 theo đúng lộ trình quy định.
Hiện Bộ đã chỉ đạo rà soát tất cả các bộ sách lớp 1 mới, chỉ đạo các Sở Giáo dục – Đào tạo có giải pháp hỗ trợ nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh, đẩy mạnh truyền thông nhằm tạo đồng thuận xã hội trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, SGK mới.