(CAO) Khởi công từ năm 2000, đến nay dự án đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành 2.218 km/2.744 km, đạt 80,8% và khoảng 258 km tuyến nhánh. Hiện đang triển khai đầu tư 237 km, còn khoảng 289 km chưa bố trí được vốn thực hiện.
Thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội tiến độ xây dựng dự án đường Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã thông tin về từng đoạn tuyến cụ thể của dự án này.
Theo đó, ở khu vực phía Bắc, từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Chợ Bến (Hòa Bình) dài khoảng 273 km, hiện đã hoàn thành 113 km. Các dự án chưa triển khai dài 160 km, gồm đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn (30 km/TMĐT 1.651 tỷ đồng) và đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến (130 km/TMĐT 16.216 tỷ đồng). Nếu nối thông khu vực phía Bắc, theo ông Thể, cần bố trí vốn để triển khai 2 dự án thành phần (DATP) với tổng chiều dài khoảng 160 km/TMĐT 17.867 tỷ đồng.
Cần thêm 24.210 tỷ đồng để thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh
Ở khu vực miền Trung từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) có chiều dài đầu tư trước đây khoảng 1.532 km (bao gồm cả nhánh Tây dài 684 km) hiện đã hoàn thành đầu tư xây dựng 1.350 km, đang triển khai 182 km (sau khi duyệt dự án và điều chỉnh cục bộ hướng tuyến còn 175 km).
Các dự án đã hoàn thành cơ bản nối thông tuyến từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) giai đoạn 1 với chiều dài 1.350 km, chỉ còn 175 km đoạn Cam Lộ - Túy Loan hiện đang triển khai, dự kiến đến năm 2021 sẽ hoàn thành toàn bộ.
Tuy nhiên, giai đoạn sau 2021, tùy thuộc nhu cầu vận tải trên tuyến và khả năng nguồn lực sẽ nghiên cứu đầu tư hoàn chỉnh đoạn Cam Lộ - Túy Loan theo quy hoạch.
Dự án đường có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), dài 3.183 km, tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía Tây dài 684 km.
Theo phân kỳ đầu tư, đến năm 2020 sẽ hoàn thành các DATP để nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe. Sau năm 2020 nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.
Một trong những mục tiêu của dự án là hình thành trục dọc xuyên Việt thứ hai, giảm tải cho Quốc lộ 1; kết hợp với Quốc lộ 1 cùng hệ thống đường ngang từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông Bắc - Trung – Nam.
Dự án cũng nhằm bảo đảm giao thông thông suốt đi lại quanh năm (kể cả những năm có mưa lũ cao); liên kết với các vùng trọng điểm kinh tế, các cửa khẩu, các cảng biển trên toàn quốc và các nước trong khu vực, đáp ứng xu thế hội nhập của nền kinh tế đất nước.
Đối với khu vực Tây Nguyên từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước), dài khoảng 553 km, ông Thể cho biết, hiện đã hoàn thành toàn bộ, trong đó 134 km đoạn qua đô thị các tỉnh Tây Nguyên và đoạn nối Kon Tum với Pleiku được đầu tư và hoàn thành trong giai đoạn 2007 - 2013; 419 km/11 DATP được triển khai trong giai đoạn từ cuối năm 2013 đến tháng 6-2015 đã hoàn thành toàn bộ đoạn qua khu vực Tây nguyên, vượt hơn 1,5 năm so với yêu cầu của Quốc hội.
Khu vực phía Nam từ Chơn Thành (Bình Phước) đến Đất Mũi (Cà Mau) có chiều dài khoảng 386 km, hiện đã hoàn thành 202 km, đang thi công 55 km. Đoạn chưa triển khai dài 129 km, là phần khối lượng còn lại của đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) sau khi dừng, giãn theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 (dài 74 km/TMĐT 2.547 tỷ đồng).
Đoạn này dự kiến tiếp tục đầu tư bằng vốn TPCP, khởi công hoàn thành 2009 – 2016. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT chuyển đổi sang đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT với quy mô đường cao tốc 4 làn xe. Song do phương án tài chính không khả thi nên Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận không triển khai dự án theo hình thức BOT. Hiện dự án đang được triển khai công tác lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để báo cáo cấp có thẩm quyền đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Với phần còn lại của dự án Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận, dài khoảng 55 km/TMĐT 3.796 tỷ đồng, triển khai bằng nguồn TPCP, dự kiến khởi công hoàn thành 2016 – 2018 nhưng cũng do khó khăn về nguồn vốn nên chưa thực hiện. Tương tự đoạn tuyến trên, dự án đang được triển khai công tác lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để báo cáo cấp có thẩm quyền đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
“Nếu nối thông khu vực phía Nam cần bố trí vốn để triển khai 2 DATP với tổng chiều dài khoảng 129 km/TMĐT 6.343 tỷ đồng. Để hoàn thành nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh 2 làn xe cần thêm khoảng 24.210 tỷ đồng để đầu tư 289 km còn lại” - Bộ trưởng Thể thông tin.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng Dự án đường Hồ Chí Minh đảm bảo tiến độ nối thông toàn tuyến theo đúng Nghị quyết 66, Chính phủ kiến nghị Quốc hội quan tâm bổ sung nguồn vốn để triển khai các dự án Chợ Mới - Ngã ba Trung Sơn tỉnh Tuyên Quang; dự án Chơn Thành - Đức Hòa thuộc các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và phần còn lại của đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận thuộc các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu.
Do nguồn lực đầu tư hết sức hạn hẹp, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư các đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, Chơn Thành - Đức Hòa, Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận. Đối với đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến, do nhu cầu vận tải chưa cao, hiện tại có Quốc lộ 2 và Quốc lộ 21A song hành đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải trong khu vực nên sẽ xem xét đầu tư theo quy mô đường cao tốc tùy theo nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực, dự kiến trong giai đoạn sau năm 2025.