(CAO) Ngày 14/10/2021, tại Hà Nội, Đoàn đại biểu Việt Nam do Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn, tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy (AMMD) lần thứ 7 do Campuchia đăng cai tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống tướng Ke Kim Yan, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống ma tuý (PCMT) Campuchia nêu rõ, mặc dù chịu tác động sâu sắc bởi đại dịch COVID-19, tình hình ma túy tại khu vực ASEAN tiếp tục diễn biến khó lường, tiểm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức; đặc biệt là các đối tượng tội phạm luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn trong buôn bán, vận chuyển ma túy.
Thống tướng Ke Kim Yan hy vọng trong thời gian tới các quốc gia đề xuất những hoạt động mang tính phù hợp, linh hoạt để ứng phó trong đấu tranh PCMT để ngăn chặn một cách tốt nhất các loại tội phạm sản xuất, vận chuyển ma túy và các loại tiền chất đặc biệt ở khu vực Tam giác vàng; đồng thời mong muốn các quốc gia thành viên tăng cường hơn nữa việc chia sẻ thông tin để hợp tác kịp thời trong đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như nâng cao hơn nữa năng lực cho cán bộ thực thi pháp luật trong kiểm soát ma túy và các tiền chất ma túy để có thể giảm thiểu việc sử dụng và lạm dụng ma túy trong khu vực…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Việt Nam chia sẻ lập trường chung của ASEAN về thái độ không khoan nhượng với ma túy và theo đuổi mục tiêu lâu dài hướng tới một Cộng đồng chung ASEAN không ma túy. Với trách nhiệm của một nước thành viên, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của ASEAN.
Việt Nam đã, đang đẩy mạnh các giải pháp toàn diện, cân bằng và lồng ghép việc thực hiện Kế hoạch hành động bảo vệ Cộng đồng ASEAN chống ma tuý trái phép 2016 - 2025 và Kế hoạch hợp tác ASEAN về đấu tranh chống mua bán và sản xuất ma tuý trái phép tại khu vực Tam giác vàng 2020 - 2022 với việc triển khai Chương trình PCMT quốc gia theo Kế hoạch của Chính phủ; sửa đổi, bổ sung Luật PCMT nhằm ứng phó hiệu quả với sự thay đổi của tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy; dành ưu tiên cao trong việc triển khai các giải pháp ngăn chặn hiệu quả hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy bất hợp pháp qua biên giới đường bộ, đường thủy và đường hàng không; triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa; đa dạng và xã hội hóa các mô hình điều trị cai nghiện và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy…
Bộ trưởng Tô Lâm cùng các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Để đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, thời gian tới, các quốc gia thành viên ASEAN cần tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hợp tác trong đấu tranh PCMT. Ở cấp độ khu vực, các nước ASEAN tiếp tục duy trì, củng cố quan hệ hợp tác trên cơ sở xây dựng “lòng tin chính trị” trong đấu tranh PCMT ngày càng đi vào chiều sâu, gắn kết hơn nữa theo hướng ổn định, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự tin cậy lẫn nhau…
Thúc đẩy hợp tác đa phương, khu vực và quốc tế, thông qua hoạt động phối hợp tác chiến, chia sẻ thông tin, hợp tác qua biên giới…; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế hợp tác quốc tế hiện có về kiểm soát ma túy của nội khối như: Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy, Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về vấn đề ma túy, Trung tâm thông tin hợp tác PCMT của ASEAN…
Ở cấp độ quốc gia, các Bên chủ động thiết lập kênh trao đổi thông tin, cơ chế giao ban trực tuyến; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác PCMT; triển khai các đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới; tiến hành điều tra chung đối với các vụ án liên quan đến tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Các nước ASEAN cần chủ động thích ứng trong trạng thái “bình thường mới” thông qua tổ chức các Hội thảo, tập huấn trực tuyến để chia sẻ kinh nghiệm trong PCMT.
Tăng cường phối hợp, giao lưu, hợp tác trong nội khối thông qua áp dụng hộ chiếu vaccine, thỏa thuận “làn xanh”. Đẩy mạnh hợp tác với các nước đối tác, đối thoại của ASEAN trong lĩnh vực nâng cao năng lực cho lực lượng hành pháp và hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác PCMT; tiếp tục thể hiện sự đoàn kết, thống nhất trong việc thể hiện quan điểm, lập trường đối với chính sách kiểm soát ma túy toàn cầu, đóng góp tiếng nói xây dựng vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy trên toàn cầu và hạn chế thấp nhất hậu quả mà nó để lại cho xã hội đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục thể hiện một tinh thần hợp tác, chia sẻ trách nhiệm cao hơn nữa. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp ở tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, Việt Nam tin tưởng các nỗ lực của ASEAN sẽ mang lại kết quả như mong muốn. Cùng với sự cố gắng, nỗ lực bằng nguồn nội lực của quốc gia, Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN trong đấu tranh PCMT; mong muốn các nước và tổ chức quốc tế tiếp tục dành sự quan tâm, hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công công tác PCMT. Việt Nam nhất trí cao đối với các nội dung đề ra và tin tưởng kết quả của Hội nghị AMMD lần thứ 7 sẽ thể hiện cam kết chính trị cấp cao cho ASEAN trong PCMT giai đoạn 2016 - 2025.
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo các nước đã tập trung thảo luận một số nội dung chính như tình hình phát triển trong khối; kết quả Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về vấn đề ma túy lần thứ 41; báo cáo đánh giá giữa kỳ về kế hoạch hành động ASEAN phấn đấu bảo vệ Cộng đồng chống tệ nạn ma túy 2016 - 2025 và Kế hoạch hợp tác ASEAN đấu tranh chống sản xuất và mua bán ma túy bất hợp pháp tại khu vực Tam giác vàng...
Tại Tuyên bố Chủ tịch được thông qua tại Hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN ghi nhận những thành tựu quan trọng đã đạt được qua 06 kỳ Hội nghị AMMD, trong đó đã tăng cường quyết tâm của ASEAN về PCMT trái phép và tái khẳng định cam kết vì mục tiêu ASEAN không ma túy. Hội nghị ghi nhận vai trò của cơ chế hợp tác cấp quan chức cấp cao ASEAN về vấn đề ma túy (ASOD) và các lĩnh vực hợp tác của ASOD, bao gồm Tổ công tác ASEAN về PCMT qua đường hàng không (AAITF), Tổ công tác ASEAN về PCMT tại cảng biển (ASITF), Trung tâm hợp tác PCMT ASEAN (ASEAN-NARCO) và Mạng lưới giám sát ma túy ASEAN (ADMN) trong việc thúc đẩy đối thoại và chia sẻ thông tin về tình hình tội phạm ma tuý trong khu vực.
Hội nghị bày tỏ sự quan ngại trước những xu hướng mới nổi của tình hình ma tuý bất hợp pháp trong khu vực trong thời kỳ đại dịch COVID-19; tái khẳng định cam kết mạnh mẽ khuyến khích các Quốc gia thành viên ASEAN trong việc tiếp tục triển khai tích cực và hiệu quả các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch hành động ASEAN về bảo vệ cộng đồng chống ma tuý trái phép 2016 - 2025 (Kế hoạch hành động ASEAN 2016 - 2025) và Kế hoạch hợp tác ASEAN về giải quyết tình hình sản xuất và mua bán ma tuý trái phép tại khu vực Tam giác vàng 2020 - 2022 (Kế hoạch hợp tác ASEAN 2020 - 2022), đặc biệt là các hoạt động nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả của cơ chế kiểm soát tiền chất và ngăn chặn hoạt động mua bán tiền chất trái phép vào mục đích sản xuất ma tuý tại khu vực Tam giác vàng. Lãnh đạo các nước ASEAN tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của khối trong việc giải quyết vấn đề ma túy trong khu vực dựa trên cách tiếp cận toàn diện; ghi nhận sự nhất trí cao với Báo cáo đánh giá giữa kỳ Kế hoạch hành động ASEAN bảo vệ cộng đồng chống ma tuý trái phép 2016 - 2025 do ASOD Indonesia chủ trì, sẽ đưa ra những định hướng nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác khu vực về PCMT...
Hội nghị tái khẳng định cam kết của ASEAN trong việc ủng hộ hợp tác khu vực trong việc hiện thực hóa mục tiêu vì một ASEAN không ma túy, thông qua cách tiếp cận không khoan nhượng với việc lạm dụng ma túy bất hợp pháp, tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp và đảm bảo quyền con người đồng thời bảo đảm đầy đủ sự tôn trọng với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia thành viên ASEAN; tái khẳng định quan điểm của ASEAN về việc kiên quyết chống hợp pháp hóa và sản xuất ma túy vào mục đích phi y tế và phi khoa học. Hội nghị cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục triển khai các quy định theo Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy; các nước thành viên ASEAN duy trì sự thống nhất và đoàn kết của ASEAN trong việc tham gia các hoạt động của Ủy ban kiểm soát ma túy Liên Hợp Quốc (CND) và các cuộc họp liên quan; ghi nhận tầm quan trọng về sự tham gia của các đối tác Đối thoại ASEAN và các đối tác bên ngoài trong việc hiện thực hoá mục tiêu vì một khu vực không có ma tuý...