Bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ CAND hỏi cung, lấy lời khai, ghi âm, ghi hình

Thứ Bảy, 19/03/2022 15:31

|

(CAO) Từ 16 đến 20-3, Cục Đào tạo Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Cơ quan CSĐT; Cục pháp chế và cải cách hành chính tư pháp; Học viện Cảnh sát nhân dân và các đơn vị chức năng của Bộ Công an tổ chức lớp “Bồi dưỡng kỹ năng, tác phong, thái độ cho cán bộ hỏi cung, lấy lời khai khi thực hiện nhiệm vụ có ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh".

Trong những năm gần đây, vấn đề phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Với sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc phòng, chống oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 trong đó đã quy định thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại, người làm chứng, người bị hại.

Có thể thấy, quy định ghi âm, ghi hình có âm thanh thể hiện bước tiến lớn của tố tụng hình sự nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo yêu cầu của Hiến pháp, đồng thời tạo ra những thuận lợi nhất định đối với quá trình điều tra vụ án hình sự, như: góp phần minh bạch hóa hoạt động điều tra, bảo vệ điều tra viên tránh bị vu cáo; hạn chế và giải quyết được khiếu nại, tố cáo liên quan đến bức cung dùng nhục hình trong điều tra vụ án hình sự; giúp Viện kiểm sát, tòa án đánh giá chứng cứ khách quan, toàn diện hơn, chống tình trạng phản cung tại phiên tòa.

Đối với điều tra vụ án xâm phạm an ninh quốc gia thường gặp sự can thiệp, chống phá của các thế lực thù địch, thì việc thực hiện quy định ghi âm, ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra vụ án, nhất là trong bắt, khám xét, hỏi cung bị can còn có ý nghĩa lớn, phục vụ đấu tranh ngoại giao, tuyên truyền phản bác lại luận điệu vu khống, xuyên tạc, bịa đặt.

Việc sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật để ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can, lấy lời khai là việc áp dụng tiến bộ khoa học tiên tiến, là quy định mới so với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.

Quang cảnh khóa học

Do đó, việc thống nhất từ nhận thức đến hành động, thống nhất về trình tự, thủ tục ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhằm đảm bảo hiệu quả công tác xử lý các vụ án là rất cần thiết.

Quán triệt, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, sự phân công của Chính phủ, căn cứ Quyết định số 11013/QĐ-BCA ngày 28/12/2020 của Bộ Công an về việc phê duyệt Dự án kiện toàn tổ chức, bố trí cán bộ thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong Tố tụng hình sự; Kế hoạch số 312/KH-BCA-C01 ngày 22/7/2021 của Bộ Công an về việc triển khai Dự án xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; Cục đào tạo Bộ Công an tổ chức lớp học nhằm trang bị kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tham mưu, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện cán bộ hỏi cung, lấy lời khai khi thực hiện nhiệm vụ có ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; hướng dẫn sử dụng thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh và xử lý các tình huống nghiệp vụ, sự cố kỹ thuật phát sinh trong thực tế; rèn luyện tâm lý, bản lĩnh vững vàng khi thực hiện nhiệm vụ có ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.

Bình luận (0)

Lên đầu trang