45 năm giải phóng miền Nam: Bời Lời, Lộc Thuận - những năm tháng không quên

Thứ Năm, 23/04/2020 18:07

|

(CATP) Gần 60 năm trôi qua, nhưng những năm tháng hoạt động ở căn cứ Bời Lời, Lộc Thuận (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) vẫn vẹn nguyên trong ký ức của ông Trần Vãn Dân (Hai Thắng, nguyên Trưởng nhà in B2 giai đoạn 1965 - 1969, nguyên Chánh văn phòng Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định). Nơi đây, ông Hai Thắng đã cùng với đồng chí, đồng đội kiên cường chiến đấu, vượt qua mưa bom, bão đạn... để in, đóng nhiều tài liệu, sách, báo phục vụ kịp thời yêu cều của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên chiến trường Sài Gòn - Gia Định.

TỪ HỐ BÒ, CỦ CHI ĐẾN BỜI LỜI, LỘC THUẬN

Năm 1960, Nhà in Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định được thành lập, trên cơ sở hợp nhất hai bộ phận in nông thôn và đô thị, do đồng chí Lữ Văn Tám (Tám Gân) làm Trưởng ban. Nhà in có một máy in bằng gỗ, với khoảng 100kg chữ in và một số dụng cụ vừa đủ sử dụng cho máy và chữ. Lúc đầu, nhà in đóng ở ấp Bàu Trăn, xã Nhuận Đức, sau chuyển về rừng Sến (Hố Bò), xã Phú Mỹ Hưng (H.Củ Chi).

Phong trào cách mạng càng phát triển thì nhiệm vụ nhà in càng tăng lên. Sau khi tăng cường đồng chí Nguyễn Tấn Khởi và Huỳnh Văn Gừng vào chiến khu, cuối năm 1961, Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định quyết định chia nhà in vùng giải phóng thành hai bộ phận: bộ phận in phục vụ nông thôn do đồng chí Tám Gân phụ trách, bộ phận in phục vụ đô thị do đồng chí Nguyễn Tấn Khởi (Tám Kiếng) phụ trách.

Nói về giai đoạn đầu tổ chức các căn cứ của nhà in, ông Hai Thắng cho biết: "Năm 1961, lúc chú về nhà in, căn cứ đóng ở Hố Bò, do chú Tám Gân phụ trách. Năm đó, quân ngụy càn vô Hố Bò, địa đạo chùa thông, nên hễ địch lùa thì mình lách, chạy vô rừng. Sau trận càn đó, nhà in dời qua ấp Bàu Khai, xã Long Nguyên, Bến Cát. Về Bến Cát, chỉ có tổ in giấy sáp hoạt động, do máy móc, chữ nghĩa còn kẹt ở Hố Bò. Sau đó, một bộ phận trong đó có chú Hai, theo chú Tám Kiếng đi xây dựng căn cứ nhà in ở kinh Ba Reng. Ở đây, cán bộ có rồi, chữ nghĩa cũng có rồi, nhưng địch dùng "trực thăng vận" đánh phá liên hồi, cả nhóm phải về lại Hố Bò. Lúc này, bộ phận ở Bàu Khai cũng kéo trở về Hố Bò".

Sau sự kiện đảo chính Ngô Đình Diệm ngày 1-11-1963, nhà in cử ông Hai Thắng lãnh đạo một số anh em tới xã Nhuận Đức làm tin nhanh, nhưng do tình hình ở đây không ổn nên về Bời Lời xây dựng căn cứ. Nhớ lại khoảng thời gian ở Bời Lời, ông Hai kể: "Do tách ra thành một bộ phận, máy móc thô sơ nên công việc lúc này chủ yếu là vẽ khắc gỗ, in truyền đơn, áp phích để tuyên truyền, cổ động nhân dân. Ngoài khu nhà lộ thiên, anh em còn đào một số hầm bí mật để cất giấu máy móc, vật liệu và sẵn sàng chiến đấu. Dự tính ở lâu dài, nhưng do cuối năm 1963, đụng trận càn lớn của ngụy, phải chuyển căn cứ".

Kể tới đây, giọng ông chùng hẳn xuống: "Nói cháu nghe, chú Tám Gân mất rồi, nghĩ thương chú Tám có tầm nhìn. Năm 1963, chú Tám Gân đã đề xuất xây dựng căn cứ Nhà in B2 ở Lộc Thuận. Đang ở Lộc Thuận, cuối năm 1965, nói đến việc chia đôi bên này sông, bên kia sông, mới tách một bộ phận ra xây dựng căn cứ nhà in ở Bàu Trâm, Bến Cát. Đến năm 1966, tách thêm một bộ phận lên Dương Minh Châu xây căn cứ, trang bị máy móc đầy đủ, có cả máy in báo khổ lớn, nhưng vướng mấy trận càn nên phải rút trở lại Lộc Thuận, toàn bộ máy móc để lại ở Dương Minh Châu. Nhờ sự chủ động xây dựng căn cứ, chia tách bộ phận như vậy, nên dù bất kỳ tình huống nào, hoàn cảnh nào, hoạt động của nhà in cũng được bảo đảm liên tục".

Hệ thống đường vòng quanh khu di tích lịch sử căn cứ Tỉnh ủy Tây Ninh tại Bời lời Ảnh: Báo Tây Ninh

VƯỢT QUA MỌI KHÓ KHĂN, GIAN KHỔ

Cuối năm 1964, Nhà in B2 ở Lộc Thuận, Trảng Bàng được xây dựng xong. Căn cứ là một hệ thống các hầm ngầm bí mật kết nối với địa đạo dài khoảng 300m. Trên mặt đất là rừng được ngụy trang cẩn thận, đảm bảo bí mật, chống được pháo địch. Cán bộ, nhân viên nhà in về đây khoảng 30 người, có đầy đủ họa sĩ, thợ máy, thợ chữ, chị nuôi, bảo vệ..., do ông Hai Thắng quản lý.

Có được cơ ngơi bề thế dưới lòng đất như vậy, anh em nhà in phải vất vả trăm bề, ròng rã cả năm trời đào đất, xây hầm. Nhưng khó khăn, nguy hiểm hơn cả là chuyện mua máy in và vận chuyển về căn cứ. Nếu không có sự mưu trí, sáng tạo và làm tốt công tác vận động quần chúng, khi nhà in phát triển, không thể nào đưa được chiếc máy in nặng tới 300kg về nhà in được.

Ở Lộc Thuận, tuy hầm in có hai lỗ thông hơi, nhưng mỗi khi in, đèn măng-sông tỏa nhiệt ra rất nóng. Những lúc cần hoàn thành gấp tài liệu, phải in liên tục cả ngày. Dù nóng bức, ngột ngạt tới đâu, anh em vẫn cố gắng vượt qua. Những nội dung nhận được, anh em tự trình bày, lên trang, lên khuôn, tìm cách khắc phục mọi khó khăn để kịp in các loại tài liệu, nhiều khi phải in bìa sách của ngụy phát hành để ngụy trang, che mắt địch.

Khi Ban Tuyên huấn Khu ủy cung cấp tên đơn vị phát hành, in xong thì gói lại, đưa cho giao liên mang đi. Và ngay tại hầm in này, chỉ với máy in chạy bằng sức người, với những tấm lưng trần và đôi tay vừa cầm súng chiến đấu, vừa sắp chữ, biết bao truyền đơn, tài liệu tuyên truyền, sách, báo được in ra, phát hành định kỳ với số lượng lớn không chỉ ở vùng giải phóng mà còn khắp Sài Gòn, như các báo: Ngọn cờ Gia Định, Cờ Giải Phóng, Cờ khởi nghĩa, tập san Trí thức mới... Đặc biệt là in cả căn cước giả để hoạt động trong nội thành.

Năm 1965, chiến lược "chiến tranh đặc biệt" bị phá sản, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược "Chiến tranh cục bộ", trực tiếp đưa quân vào miền Nam, tăng cường đánh phá ác liệt căn cứ cách mạng "Tam giác sắt" và các vùng lân cận. Thời gian này, Nhà in B2 hoạt dộng trong điều kiện hết sức khó khăn, có lúc không thể thắp đèn vì sợ địch phát hiện. Có khi đang in thì bị Mỹ dội bom rải thảm... Nhà in B2 còn phải đối mặt với nhiều trận càn ác liệt của địch, bình quân ít nhất 3 tháng một lần anh em nhà in chạm mặt địch.

"Thời điểm năm 1967 - 1968, ra được tờ báo là cả một công trình của báo chí và nhà in, vì toàn bộ đều làm việc dưới hầm. Suốt năm 1969, Mỹ tăng cường đánh phá, quần thảo ác liệt tới năm, bảy trận càn. Anh em B2 phải gồng mình chịu trận" - đồng chí Hai Thắng nói. Tuy tình hình chiến tranh vô cùng ác liệt như vậy, nhưng "còn tài liệu thì biết chắc còn nhà in, còn cách mạng". Suốt những tháng năm ở Bời Lời, Lộc Thuận, nhà in B2 không chỉ vững vàng hoạt động, tiếp thêm sức mạnh tinh thần to lớn cho quần dân Sài Gòn - Gia Định, trong đó có đồng bào bị địch kìm kẹp trong vùng bị tạm chiếm.

Với những thành tích trên, Nhà in khu Sài Gòn - Gia Định giai đoạn 1965 - 1968 vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Bình luận (0)

Lên đầu trang