Tuy nhiên, sự cạnh tranh quyết liệt giữa báo chí truyền thống và các nền tảng xã hội - truyền thông khác cũng cần được nhận diện, đối mặt, tìm cách vượt qua nếu muốn tồn tại và phát triển trong bối cảnh cách mạng 4.0 diễn ra như vũ bão.
Kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Báo Công an TPHCM (15/6/1976 - 15/6/2021), Báo Công an TPHCM ra số đặc san
NHỮNG DẤU SON
Kể từ tháng 3-2019, đồng chí Trần Trọng Dũng thôi giữ chức Tổng biên tập theo chế độ, tháng 4-2019 Bộ trưởng Bộ Công an đã phân công thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc CATP phụ trách Báo CATP.
Nhờ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Bộ Công an và đặc biệt là của Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP, Báo CATP đã có sự tiếp nối liên tục trong việc thực hiện nhiệm vụ trên mặt trận tuyên truyền, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng, bảo vệ Ngành; tuyên truyền đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, bảo vệ nhân dân, giữ bình yên cho thành phố phát triển.
Tiếp nối truyền thống 45 năm qua các thế hệ, trong vòng 3 năm qua dưới sự chỉ đạo trực tiếp và sâu sát của đồng chí thiếu tướng Trần Đức Tài, dù trong điều kiện hết sức khó khăn của tình hình báo chí hiện nay, Báo CATP đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và ra sức giúp đỡ nhân dân vùng sâu vùng xa, đồng bào nghèo, chiến sĩ biên cương hải đảo; làm lan tỏa hình ảnh tốt đẹp của người Công an trong sứ mệnh phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Trong thời gian tới, vượt lên mọi thử thách và gian khó, tập thể Báo CATP nguyện một lòng đoàn kết, gắn bó, cùng phát huy hơn nữa vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng của ngành Công an, là cơ quan ngôn luận của CATP, xứng đáng là tờ báo của đại chúng.
Là tờ báo ra đời sớm sau khi miền Nam giải phóng, từ Bản tin nội bộ (15-6-1976), Báo CATP đã phát hành công khai tuần báo số 1 vào ngày 2-9-1986 với 36.000 tờ và tiêu thụ hết trong vòng... 20 phút! Số thứ 2 phải tăng lên 72.000 tờ, số thứ 3 lên đến 100.000 tờ và đỉnh điểm tăng tới 600.000 tờ/kỳ! Đó quả là những con số đáng mơ ước của bất kỳ tờ báo nào.
Tại sao tờ báo ngành của một thành phố lại có số lượng phát hành “khủng” đến vậy? Bên cạnh những yếu tố như “ưu thế thông tin nội bộ - trong ngành”, thông tin “nóng” của thành phố lớn nhất cả nước..., chỉ có thể là việc tờ báo không chỉ đáp ứng kịp thời yêu cầu thông tin của ngành, mà còn gắn liền những thông tin đó với đời sống và cuộc sống của không chỉ người dân thành phố. Cho đến những năm đầu của thế kỷ 21, để đặt hàng Báo CATP, các đại lý đều phải thanh toán trước, trong khi hầu hết các tờ báo khác thường là ngược lại.
Để đáp ứng nhu cầu và yêu cầu về thông tin, Báo CATP liên tục tăng kỳ, từ 1 số/tuần, lên 2 và 3 số/tuần (thứ 3, 5, 7). Nhằm đa dạng hóa nội dung, tờ báo đã chủ động phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành thực hiện tờ đặc san phát hành vào thứ 5 hàng tuần; đồng thời Ban Biên tập quy tụ được nhiều cây bút tên tuổi là các nhà báo, văn nghệ sĩ cộng tác để nâng cao chất lượng tin, bài và các chuyên trang, chuyên đề của Báo.
Cùng với việc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, “đấu tranh chống diễn biến hòa bình” là một lĩnh vực rất khó, không phải báo nào cũng có thể thực hiện và duy trì thường xuyên, nhưng đây lại là một trong nhiều chuyên mục tạo nên dấu ấn và tác dụng lan tỏa của Báo CATP. Trong cuộc cận chiến trực diện này, Báo CATP đã có nhiều loạt bài vạch rõ những âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc, đồng thời phân tích, chứng minh để chỉ ra các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch bằng những luận cứ thuyết phục, góp phần quan trọng trên mặt trận đấu tranh tư tưởng. Tất nhiên, trên lĩnh vực này còn rất nhiều khó khăn và thách thức, nên cũng rất cần có sự tiếp nối, tiếp sức của nhiều cây bút và nhiều tờ báo khác.
“Tiếng còi” của Báo CATP là chuyên mục tôi rất thích đọc. Thực chất đây là chuyên mục “góp ý, xây dựng nội bộ” nên rất ít báo “đụng” đến mảng đề tài “khó nhằn” này. Ở đâu cũng vậy, góp ý, phê bình bao giờ cũng rất “khó nói”, viết ra bằng “giấy trắng mực đen” lại càng khó gấp bội, nhưng với cách thể hiện nhẹ nhàng, sâu sắc, chuyên mục này đã đóng góp tích cực trong việc xây dựng lực lượng và có chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Với vị trí và tình hình hiện nay, chuyên mục này nếu được đầu tư, nâng cao sẽ tiếp tục phát huy tác dụng.
Với số lượng phát hành lớn và luôn bám sát tôn chỉ mục đích, tờ báo không chỉ thể hiện bản lĩnh, tính chiến đấu, mà trên mỗi tin, bài còn in đậm tính nhân văn, phản ánh đa dạng các hoạt động của đời sống - xã hội và bản thân tờ báo đã đi đầu, nêu gương: Từ năm 1996, toàn thể CBCNV trong đơn vị đã tự nguyện trích lương hàng tháng để chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời 50 Mẹ VNAH tỉnh Bến Tre; song song với đó duy trì những phong trào, chương trình gắn liền với hoạt động của ngành: Giao lưu Gương sáng phố phường, Giải bóng đá trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tặng xe bánh mì cho người chấp hành xong án phạt tù, người cai nghiện để họ tái hòa nhập cộng đồng; cùng Tập đoàn Hoa Sen tổ chức “Mái ấm gia đình Việt” cho trẻ mồ côi, khuyết tật vào dịp Trung thu, đón giao thừa hàng năm... đã thu hút sự quan tâm rất lớn của bạn đọc.
Là tờ báo của ngành Công an, nên trên mặt báo không tránh khỏi những tin, bài tuy nội dung rất hấp dẫn nhưng vẫn còn những góc cạnh, thô ráp mang tính đặc thù. Do đó, mảng VH-NT được phản ánh trên Báo CATP là một điểm nhấn khá thú vị, nó không chỉ làm “mềm hóa” những góc cạnh, làm cho tờ báo thêm hài hòa, cân đối, mà còn góp phần chuyển tải những nội dung muôn màu của cuộc sống dưới lăng kính văn học - nghệ thuật.
Một bạn đọc của Báo Công an TPHCM
LAN TỎA YÊU THƯƠNG
Công tác xã hội - từ thiện là hoạt động “tay trái” của Báo CATP. Thật lòng, tôi không nghĩ lời kêu gọi, vận động của tờ báo khá “khô khan” này có thể chạm đến phần sâu thẳm nhất trong trái tim và tâm hồn bạn đọc, cộng đồng, bởi lẽ đơn giản: Sự đóng góp từ thiện này hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ sự yêu thương, tận tâm và tận tụy với đồng loại. Nhưng thật bất ngờ, đây lại là phần lấp lánh và đáng yêu nhất của Báo CATP.
Trong 32 năm, Báo đã vận động được gần 200 tỷ đồng tiền mặt và hàng hóa để xây dựng 493 căn nhà tình nghĩa tặng các Mẹ VNAH và gia đình thương binh - liệt sĩ, 1.396 căn nhà tình thương cho người nghèo tại TPHCM và các tỉnh bạn; xây hàng chục lớp học, trạm y tế (kèm trang thiết bị), xây hơn 100 chiếc cầu, chuyển hơn 30 tỷ đồng của bạn đọc cho 2.195 mảnh đời bất hạnh, giúp hàng chục ngàn người nghèo và CBCS công an gặp khó khăn, trao hàng ngàn suất học bổng...
Ngoài tiền đóng góp của bạn đọc, nhà hảo tâm, tờ báo còn chủ động tổ chức nhiều hoạt động VH-NT, TDTT gây quỹ ủng hộ người nghèo lên đến hàng chục tỷ đồng.
CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC
Cách mạng 4.0 đem đến nhiều thuận lợi cho việc tác nghiệp của phóng viên, biên tập viên và tòa soạn, nhưng kèm theo đó là vô vàn thách thức, nhất là sự cạnh tranh không cân sức giữa các cơ quan báo chí truyền thống với các nền tảng xã hội xuyên biên giới cả về nội dung thông tin lẫn quảng cáo (Google, Facebook nắm 78% thị phần quảng cáo digital).
Việc Facebook, Twitter, Google khóa cả tài khoản của Tổng thống Donald Trump vừa qua là ví dụ về sức mạnh của các nền tảng này. Tuy nhiên, việc Chính phủ Úc thông qua luật yêu cầu Facebook, Google trả tiền cho các cơ quan báo chí khi đăng tải nội dung báo chí trên nền tảng của mình là xu thế có lợi cho báo chí truyền thống nếu được nhiều chính phủ áp dụng, nhưng đó hẳn là câu chuyện dài.
Việc Nhà nước quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí vừa qua là cơ hội và cũng là thách thức đối với sự phát triển của mỗi tờ báo. Đây chính là thời điểm đòi hỏi có sự đột phá, sáng tạo và đổi mới của chính các cơ quan báo chí cùng đội ngũ những người làm báo, bởi không ai có thể làm thay cho họ!
Tôi có một niềm tin chắc chắn rằng, với những dấu ấn đạt được, Báo CATP đã chứng minh những đóng góp quan trọng của mình trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, xây dựng thế trận lòng dân, an ninh nhân dân và là hiện thực sinh động về danh hiệu cao quý “Công an nhân dân” không chỉ ở địa bàn TPHCM.
ĐÀO VĂN LỪNG, nguyên Vụ trưởng - Trưởng cơ quan đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương phía Nam