(CAO) Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết khi giải trình trước Thường vụ Quốc hội trong phiên thảo luận về chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Trong phiên làm việc hôm nay (14-6), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Báo cáo nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, theo Nghị quyết số 106/2020/QH14 của Quốc hội và các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2021 Chính phủ có nhiệm vụ phối hợp chỉnh lý và xây dựng mới để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 10 dự án luật.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh Chương trình, tổng số là 7 dự án luật. Để bảo đảm tính khả thi, cân đối giữa Chương trình năm 2021 và năm 2022, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2021 dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê.
Đối với chương trình năm 2022, ông Long thông tin, Chính phủ đề nghị tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV trình thông qua 6 dự án; cho ý kiến 3 dự án. Tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV sẽ trình thông qua 3 dự án và cho ý kiến 1 dự án.
Khẳng định cơ quan thẩm tra thống nhất với đề nghị của Chính phủ, nhưng lưu ý từ nay đến kỳ họp thứ 2 không còn nhiều thời gian, việc sửa đổi, bổ sung liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, ông Tùng đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo khẩn trương, tích cực nghiên cứu, tham vấn, đánh giá kỹ lưỡng; đồng thời, giải trình, làm rõ những vấn đề đã được các Ủy ban nêu ra trong quá trình thẩm tra để hoàn thiện dự thảo Luật.
Nhận xét việc đề nghị dự kiến Chương trình năm 2022 của Chính phủ còn thiếu tính dự báo, việc chuẩn bị cho Chương trình năm 2023 còn rất hạn chế (chỉ có 1 dự án luật được đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 để gối đầu sang năm 2023), ông Tùng chỉ ra, đây cũng là hạn chế trong quá trình lập đề nghị của Chính phủ đã được cơ quan thẩm tra đề cập ở các năm trước nhưng vẫn chưa được khắc phục.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến thảo luận
Nêu ý kiến thảo luận sau đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thắc mắc trong chương trình của 2022 “chưa thấy có bóng dáng của Luật Đất đai”. “Hiện giờ Luật Đất đai chưa thấy đâu mà đi công tác, làm việc với các địa phương có nhiều ý kiến nói còn vướng mắc trong quy định của Luật Đất đai” - ông Thanh phản ánh và yêu cầu Chính phủ phải làm rõ hơn về việc có kịp để trình Luật Đất đai hay không?
Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, nhiệm kỳ vừa rồi đã báo cáo để đưa dự luật này vào, nhưng sau đó theo đề nghị của Bộ Tài nguyên – Môi trường lại báo cáo xin rút ra.
“Hầu như các báo cáo về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các đại biểu Quốc hội phát biểu rất gay gắt” - ông Long phản ánh và khẳng định kỳ này chắc chắn là “không lùi được nữa”.
Lộ trình cụ thể, theo Bộ trưởng Long, có thể trình dự luật này vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.
Phát biểu tại phiên làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật. Ông yêu mỗi dự án luật phải được đánh giá đầy đủ tác động, tránh tình trạng thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, tuổi thọ ngắn.
“Chỉ đưa những nội dung chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo hợp hiến, hợp pháp, có sự thống nhất cao của cơ quan trình và thẩm tra” – Chủ tịch Quốc hội kiên quyết.
Cuộc bầu cử thành công về mọi mặtTrước đó, cho ý kiến về kết quả bầu cử, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, cuộc bầu cử vừa rồi có rất nhiều “lần đầu tiên”. Ví dụ, lần đầu tiên có 2 dân tộc thiểu số rất ít người tham gia Quốc hội, lần đầu tiên có tỷ lệ đi bầu rất cao, lần đầu tiên đảo lớn Trường Sa bỏ phiếu cùng ngày, giờ với cả nước, lần đầu tiên ứng dụng, áp dụng vận động, tiếp xúc cử tri và qua cả hình thức trực tiếp và trực tuyến…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu
Điểm đáng chú ý, theo lãnh đạo Quốc hội, là tỷ lệ đơn từ khiếu nại, tố cáo cả đợt bầu cử chỉ bằng 18% của khóa trước, chứng tỏ công tác chuẩn bị nhân sự cơ bản là tốt. Trong các đơn thư khiếu nại, tố cáo thì liên quan đến phẩm chất cá nhân của đại biểu cũng ít, chủ yếu những khiếu nại liên quan đến giải quyết các vấn đề đất đai, tài nguyên, môi trường…
“Đây cũng là điểm rất đáng mừng và đó cũng là hiệu ứng thành công tiếp theo của Đại hội Đảng toàn quốc, chúng ta chuẩn bị nhân sự khá tốt” – ông Huệ nói.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, các đóng góp của các lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an đã góp phần lớn vào thành công của cuộc bầu cử.
“Hôm trước họp Bộ Chính trị, đồng chí Tô Lâm cũng nói hầu như các cuộc bầu cử trước đây cũng đều có xảy ra việc nọ, việc kia, nhưng cuộc bầu cử lần này về an ninh, an toàn gần như là tuyệt đối. Kỳ này có, nhưng không có sự kiện nào là đáng kể” – Chủ tịch Quốc hội thông tin.
Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư ở Việt Nam, với phạm vi rộng hơn, lây lan nhanh hơn và có chủng mới, nhưng theo khẳng định của Chủ tịch Quốc hội, “chúng ta đã vượt qua mọi trở ngại, mọi khó khăn và đã tổ chức một cuộc bầu cử thành công rất tốt đẹp về mọi mặt”.