Tiếp tục giãn cách xã hội toàn TPHCM theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần

Thứ Hai, 14/06/2021 12:21  | Đức An

|

(CAO) Đó là quyết định của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của TP, diễn ra vào sáng nay (14/6), sau khi nghe các báo cáo, đề xuất và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy.

Sáng 14/6/2021, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn.

Chủ trì cuộc họp tại điểm cầu Thành ủy có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi.

Chủ trì tại điểm cầu UBND TP có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp

Tham dự có Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cùng lãnh đạo các sở ban ngành, các quận - huyện, TP Thủ Đức và các thành viên của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM

Tại cuộc họp, đại diện các sở ban ngành, quận/huyện, TP.Thủ Đức đã báo cáo tình hình, đề xuất các biện pháp; Phó thủ tướng thường trực, lãnh đạo Thành ủy đã có ý kiến chỉ đạo.

Trên cơ sở đánh giá, phân tích tình hình, nhận thấy mầm bệnh vẫn đang âm thầm trong cộng đồng, việc gỡ bỏ giãn cách xã hội sẽ tạo điều kiện cho dịch bệnh tiếp tục có cơ hội để phát tán và lây lan; kết luận tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn TPHCM theo nội dung của Chỉ thị 15 thêm 2 tuần (từ 0 giờ ngày 15-6 đến 0 giờ ngày 30-6). Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) chuyển từ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sang thực hiện theo Chỉ thị 15.

Đồng thời, tùy theo diễn biến của dịch bệnh và mức độ kiểm soát trên từng địa bàn, sau một tuần lễ tới đây, một số khu vực trên địa bàn có thể chuyển sang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 19.

Chuẩn bị sẵn sàng phương án trong trường hợp công sở bị cách ly

Theo Chủ tịch UBND TP, bằng sự quyết tâm và nỗ lực của lãnh đạo và các ban ngành từ TP đến quận – huyện, phường - xã, chuỗi lây nhiễm từ nhóm truyền giáo cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, đánh giá lại một cách tổng thể cho thấy, mầm bệnh có thể đã xâm nhập vào TP từ sau đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Những ca nhiễm bệnh có thể đã len lỏi trong cộng đồng, chỉ được phát hiện thông qua hoạt động khám sàng lọc.

Và có thể còn có những ca bệnh chưa có triệu chứng trong cộng đồng, ít lây lan, chưa được phát hiện hết, cùng tồn tại song song với các ca bệnh thuộc chuỗi điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã được kiểm soát.

“Thời gian kéo dài giãn cách xã hội là 2 tuần, bằng với thời kỳ ủ bệnh, do đó tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội trong khoảng thời gian này sẽ hạn chế khả năng lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 với điều kiện chúng ta phải đồng thời áp dụng 5K một cách nghiêm chỉnh và đầy đủ hơn” – Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Vì vậy, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Chủ tịch UBND các quận/huyện và TP Thủ Đức tăng cường tuyên truyền để phát huy tinh thần “Mỗi người dân là một chiến sĩ”.

Mặt khác, xử lý nghiêm các trường hợp, các cá nhân không chấp hành chỉ đạo của TP về công tác phòng, chống dịch. Nếu để xảy ra trường hợp tụ tập đông người và có nguy cơ phát sinh lây lan dịch bệnh trên địa bàn, TP sẽ xem xét xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND các quận/huyện và TP Thủ Đức.

Tăng cường hệ thống kiểm tra phòng chống dịch chặt chẽ hơn tại các trụ sở, cơ quan; thực hiện giãn cách và đảm bảo thực hiện 5K trong suốt quá trình làm việc; các bếp ăn tập thể chỉ mang đi, không được ăn chung tại chỗ; bố trí khu vực kiểm soát dịch bệnh tách biệt với khối nhà làm việc.

Chuẩn bị sẵn sàng phương án trong trường hợp công sở bị cách ly; dừng triệt để các cuộc họp trực tiếp không cần thiết. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan nhà nước cần tiên phong, gương mẫu và chấp hành nghiêm các chỉ đạo của TP.

Siết chặt phân luồng, sàng lọc người đến khám tại các bệnh viện

Trong tình hình dịch bệnh lây lan nhanh như hiện nay, Chủ tịch yêu cầu củng cố lại công tác điều tra, truy vết, cách ly và xét nghiệm để đáp ứng kịp thời yêu cầu chống dịch; khẩn trương điều tra danh sách người tiếp xúc gần (F1, F2) để lấy mẫu xét nghiệm; sắp xếp, điều phối, tiếp nhận và thực hiện xét nghiệm theo nhóm ưu tiên để phù hợp với công suất, đảm bảo có kết quả xét nghiệm của F1 trong vòng 8 - 12 giờ và F2 trong vòng 24 giờ.

Đồng thời, khoanh vùng, xử lý tầm soát địa điểm có ca bệnh và khu vực lân cận, thực hiện xét nghiệm mở rộng cho cộng đồng. Riêng đối với tòa nhà cao tầng, chung cư, căn hộ có ca bệnh thì tổ chức xét nghiệm toàn bộ người cư trú, làm việc tại đó.

Chủ tịch UBND TP giao Sở Y tế chỉ đạo tăng cường thực hiện các quy định phòng chống dịch trong các cơ sở khám chữa bệnh; siết chặt công tác phân luồng tại bệnh viện, phòng khám; sàng lọc người bệnh đến khám và điều trị, nhất là kiểm tra yếu tố dịch tễ của người đến bệnh viện. Nhân viên y tế chấp hành nghiêm yêu cầu 5K, hạn chế tiếp xúc với người khác sau giờ làm việc, thực hiện tầm soát định kỳ đối với nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân.

Bên cạnh đó, phối hợp với các quận/huyện, TP Thủ Đức triển khai khu cách ly tập trung của TP, đảm bảo năng lực cách ly trong mọi tình huống.

Kiện toàn nhân lực, trang thiết bị, phương tiện đảm bảo cung ứng cho công tác phòng, chống dịch và mở rộng năng lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 tại các bệnh viện và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP, đảm bảo mỗi 300 giường phải có 1 hệ thống xét nghiệm Realtime-PCR.

Từ thực tế ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, giao Sở Y tế đánh giá tổng thể các nguy cơ bùng phát dịch bệnh, bổ sung các phương án phòng dịch tại các cơ sở y tế, không để xảy ra trường hợp tương tự.

Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao phối hợp với Sở Y tế, quận - huyện tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phòng chống dịch với yêu cầu 100% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải được hậu kiểm; rà soát và thẩm định các điều kiện cơ sở vật chất của các nhà kho, nhà xưởng không sử dụng để chuẩn bị cải tạo thành bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung theo tình huống dịch bệnh; tiến hành thẩm định cho một số doanh nghiệp vừa cách ly vừa sản xuất để đảm bảo an toàn cho sản xuất.

Sở Công Thương tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng lợi dụng dịch bệnh để sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng; đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ nông sản đang vào mùa thu hoạch, nhất là các địa phương đang có dịch diễn biến phức tạp.

UBND quận/huyện và TP Thủ Đức đảm bảo công suất của các khu cách ly tập trung quận/huyện để tiếp nhận, cách ly tạm thời các trường hợp F1 trên địa bàn, trước khi chuyển đi khu cách ly tập trung của TP; chuẩn bị kế hoạch dự phòng tăng số giường cách ly lên 300 – 400 giường; bố trí điều kiện cơ sở vật chất, lực lượng an ninh đảm bảo an toàn, phòng chống lây nhiễm chéo trong cơ sở cách ly.

Phối hợp ngành y tế giám sát, quản lý chặt chẽ người cách ly tại nhà, nơi cư trú, xử lý nghiêm vi phạm quy định về cách ly tại nhà; phối hợp với chính quyền các tỉnh lân cận để tuyên truyền phòng chống dịch, giám sát lực lượng cư trú, tạm trú trên địa bàn giáp ranh.

TPHCM đã thành lập Tổ mua và tiêm vắc xin

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị UBMTTQ Việt Nam TP, Liên đoàn Lao động TP tăng cường công tác vận động để hỗ trợ cung ứng, phân bổ các mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn, khu vực đang bị cách ly.

Về vắc xin, Chủ tịch UBND TP cho biết, TP đã thành lập Tổ mua và tiêm vắc xin, TP đã báo cáo xin ý kiến của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để đẩy nhanh công tác mua và tiêm vắc xin cho người dân TP.

Đối với công tác thông tin, giao Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường hướng dẫn các cơ quan thông tấn báo chí trong việc đưa tin cần nhanh chóng, kịp thời nhưng phải chính xác và đầy đủ, tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến tâm lý người dân trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19.

Bình luận (0)

Lên đầu trang