Nhiều tấm gương điển hình
Diễn ra theo hình thức trực tuyến với điểm cầu chính là Hà Nội, Hội nghị có sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, việc học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được triển khai qua nhiều giai đoạn, thời kỳ nhưng cho đến khi có Chỉ thị 05 Đảng đã thống nhất nhận thức là phải học tập đầy đủ về tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác. Đặc biệt, không chỉ dừng ở việc học tập, mỗi cán bộ, Đảng viên còn phải làm theo và nêu gương.
Tư tưởng Hồ Chí Minh, theo Tổng Bí thư, là một hệ thống các quan điểm, nhận thức, tư tưởng chỉ đạo rất cơ bản của Bác về cách mạng và con đường đi lên của cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay, đó là con đường độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, là con đường cách mạng vô sản. Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng, những phẩm chất cao quý của một người cách mạng, là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Phong cách Hồ Chí Minh là lối sống, tác phong khiêm tốn, giản dị, cầu thị, gần dân, trọng dân, tin dân, học dân, làm việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân. Tổng Bí thư nhìn nhận, phong cách của Bác Hồ là đầy tớ của dân chứ không phải “làm quan nhân dân”, không được lên mặt “làm quan cách mạng”.
“Mỗi cán bộ, Đảng viên phải nghiêm túc học tập, không ngừng ra sức rèn luyện để trở thành những con người có văn hóa, có liêm sỉ” - Tổng Bí thư yêu cầu.
Việc học tập tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác Hồ gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, theo Tổng Bí thư, đã ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, gắn với trách nhiệm nêu gương có chuyển biến tích cực.
Các cấp uỷ, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, nhất là các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương đã thực hiện nêu gương bằng những việc làm, hành động cụ thể, với phương châm "trên trước, dưới sau", "trong trước, ngoài sau", "học tập đi đôi với làm theo".
Những kết quả này góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, Đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị.
“Nhiều vấn đề khó, hết sức phức tạp trong công tác xây dựng Đảng, nhất là gắn với việc chỉnh đốn Đảng tồn tại kéo dài đến nhiệm kỳ Đại hội XII đã được giải quyết có kết quả rõ rệt. Từ trong phong trào học tập và làm theo Bác, đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân tiên tiến, điển hình, thực sự có sức lan toả trong xã hội, khơi dậy tình cảm, động lực, tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc và mong muốn cống hiến, phụng sự đất nước trong mọi tầng lớp xã hội, cổ vũ toàn thể nhân dân ta kiên định, hăng hái, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” - Tổng Bí thư đánh giá.
Nhiều việc còn hình thức, nặng về báo cáo thành tích
Ghi nhận nhiều kết quả đạt được qua thời gian học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh song người đứng đầu Đảng cũng chỉ ra không ít hạn chế, cần được khắc phục trong quá trình thực hiện Chỉ thị 05, như công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có nơi, có lúc chưa quyết liệt, chưa kịp thời, chưa sát thực tế, chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Việc cam kết tu dưỡng, rèn luyện, gắn với thực hiện trách nhiệm nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiệu quả chưa cao. Việc xác định khâu đột phá có nơi còn lúng túng. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc còn bị động.
Toàn cảnh hội nghị
Hạn chế nữa được lãnh đạo Đảng lưu ý là công tác đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chưa mạnh mẽ. Việc tự phê bình và phê bình có nơi, có lúc còn làm qua loa, chiếu lệ, hình thức; tình trạng thiếu tự giác nhận khuyết điểm, đổ lỗi cho khách quan hoặc nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi…
“Nhiều việc ta làm còn hình thức lắm, còn nặng về báo cáo thành tích, còn che giấu khuyến điểm, nể nang lẫn nhau” – Tổng Bí thư thẳng thắn và nhận định “như vậy thì chưa tiến bộ được”.
Ông yêu cầu phải nói thẳng, nhìn thẳng vào sự thật, đó là vấn đề con người, mà đối tượng trước hết là cán bộ, Đảng viên. “Nếu không gương mẫu, đi trước thì như dân gian vẫn nói “Người trên ở chẳng chính ngôi/ Khiến cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào” – Tổng Bí thư nói.
Nêu những nguy cơ, thách thức lớn với sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn tới, Tổng Bí thư cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII yêu cầu những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Đảng cũng xác định kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Làm theo Bác, Tổng Bí thư cho rằng, chính là thúc đẩy, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ “học tập” sang “làm theo”, hiện thực hoá bằng những chương trình hành động cụ thể, việc làm cụ thể, thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với đề cao chức trách, đạo đức công vụ của mỗi cán bộ, đảng viên. Như thế, cũng có nghĩa là “đừng chỉ dừng ở lý thuyết suông, học thuộc lòng, đừng nói một đằng, làm một nẻo, nói trống rỗng”.
Báo cáo tại Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, 5 năm qua, việc học tập và làm theo Bác của mỗi cán bộ, đảng viên ngày càng tự giác, đi vào nền nếp, tạo những chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa báo cáo tại hội nghị
Quá trình thực hiện Chỉ thị 05, các ban, bộ, ngành, địa phương đã xác định các khâu đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong thực hiện Chỉ thị 05, các bộ, ngành, địa phương cũng chú trọng chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà nhân dân quan tâm, tập trung khắc phục, giải quyết dứt điểm; chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý sai phạm...
Nhờ xác định và thực hiện tốt các khâu đột phá, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, các địa phương trong cả nước đã giải quyết được 50.748 vụ việc nổi cộm, tồn đọng, gây bức xúc dư luận xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Đồng thời, qua đó kịp thời chấn chỉnh tác phong công tác, lối sống xa hoa, lãng phí gây phản cảm trong xã hội trong cán bộ, đảng viên, góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Bên cạnh đó, việc thực hiện nêu gương có chuyển biến tích cực.
Ông Nghĩa cũng thông tin, hiều cấp ủy, cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò tiền phong, gương mẫu của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương được thực hiện bằng những việc làm, hành động cụ thể với phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học tập đi đôi với làm theo” trên tất cả các phương diện, từ tư tưởng chính trị đến đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình, trong quan hệ với nhân dân, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ, lề lối làm việc...
“Việc nêu gương giúp kịp thời chấn chỉnh tác phong công tác, lối sống xa hoa, lãng phí gây phản cảm trong xã hội trong cán bộ, đảng viên, góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” – ông Nghĩa đánh giá.