65 tác phẩm đạt giải thưởng Báo chí TPHCM lần thứ 39 năm 2021

Thứ Sáu, 11/06/2021 21:01  | A. Quân

|

(CAO) Do tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, giải Báo chí TPHCM năm nay không tổ chức lễ trao giải tập trung vào ngày 21/6 như hàng năm, thay vào đó, các cơ quan báo chí căn cứ tình hình thực tế của đơn vị tổ chức trao giải cho các tác giả tại trụ sở cơ quan báo chí, với sự tham dự của đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin - Truyền thông, Hội Nhà báo TPHCM...

Ngày 10/6/2021, Hội đồng chung khảo Giải báo chí TPHCM lần thứ 39 năm 2021 đã họp thông qua kết quả chấm giải.

Theo Ban tổ chức, năm 2020-2021 là năm trên cả nước nói chung và TPHCM nói riêng diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, thành lập TP.Thủ Đức…

Đặc biệt đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi mặt đời sống xã hội, cùng với thiên tai bão lũ lịch sử gây thiệt hại lớn cho nhiều địa phương.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy và UBND TPHCM và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, các báo, đài TPHCM đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết, phản ánh sinh động những thành tựu quan trọng của đất nước và TPHCM sau 35 năm đổi mới, đặc biệt là những nỗ lực phòng chống, ngăn chặn dịch Covid-19. Bên cạnh đó nhiều cơ quan báo chí còn tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện tạo được hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong xã hội...

Các hoạt động trên đã được thể hiện sinh động qua các tác phẩm tham dự Giải Báo chí TPHCM lần thứ 39- 2021 mang chủ đề “TP.Hồ Chí Minh: Dân chủ, đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, phát triển”. Các vị tham gia gồm báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình chia ra 05 nhóm theo 05 thể loại:

- Nhóm 1: Tin, ảnh báo chí (ảnh tin, ảnh phóng sự).

- Nhóm 2: Chính luận (Bình luận, xã luận, chuyên luận…).

- Nhóm 3: Phim tài liệu, điều tra, phóng sự, ký báo chí.

- Nhóm 4: Phỏng vấn, tường thuật, ghi nhanh.

- Nhóm 5: Công trình tập thể có tính nghiệp vụ báo chí, phục vụ công tác, tuyên truyền nhiệm vụ chính trị đạt hiệu quả xã hội cao; có cải tiến đổi mới về hình thức và nội dung, được xã hội ghi nhận.

18 cơ quan báo chí đã nhiệt tình tham gia Giải với 262 tác phẩm dự thi (tăng 11 tác phẩm so với giải năm 2020) và 154 tác phẩm được vào chung khảo. Kết quả có 65 giải thưởng gồm: 5 giải nhất, 14 giải nhì, 21 giải ba và 25 giải khuyến khích.

Năm nay đặc biệt trong thành phần Ban giám khảo có toàn bộ các ủy viên BCH Hội Nhà báo TPHCM (đồng thời cũng là lãnh đạo các cơ quan báo chí), lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Sở Thông tin - Truyền thông, một số nguyên lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành uỷ và Hội Nhà báo TPHCM, đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng chấm giải.

Lễ trao giải Báo chí TPHCM lần thứ 38 năm 2020, vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6

Về công tác triển khai giải báo chí, theo Hội đồng chung khảo, hầu hết các báo, đài gửi tác phẩm đúng hạn, hồ sơ tác phẩm đạt yêu cầu, đúng quy định. Các tác phẩm dự giải đáp ứng các tiêu chí xét chọn. Chất lượng tác phẩm được nâng cao rõ rệt. Các báo, đài như: Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Công an TP (nay là Chuyên đề Công an TPHCM), Phụ nữ TP, Pháp Luật TP, Đài Truyền hình TPHCM, Đài TNND TPHCM.., vẫn giữ vị trí đứng đầu số lượng tác phẩm tham dự.

Quá trình chấm giải được thực hiện khẩn trương, chặt chẽ, nghiêm túc, đúng Quy chế. Hội đồng giám khảo đã làm việc khách quan, nghiêm túc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành chấm sơ khảo và chung khảo đúng thời hạn, đạt chất lượng trong điều kiện khối lượng công việc tăng cao so với các giải trước và trong tình hình phải tuân thủ các yêu cầu về phòng chống dịch.

Về nội dung, các tác phẩm dự giải đã bám sát các chủ đề lớn từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, y tế, an ninh quốc phòng... Đặc biệt phản ánh các sự kiện chính trị quan trọng, Đại hội XIII của Đảng, Đại hội XI của TPHCM, công tác phòng chống đại dịch Covid-19, thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ: vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế- xã hội...

Đáng chí ý có tới khoảng 30% tác phẩm báo chí liên quan đến các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 với nhiều tấm gương hi sinh tận tuỵ, phục vụ nhân dân của các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, có nhiều cách làm mới, sáng tạo trong thực hiện khuyến cáo 5K, trong cách thức truy vết, ngăn ngừa, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả.

Nhiều bài báo và hình ảnh phản ánh những thiệt hại và công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai bão lũ ở một số tỉnh miền Trung; phát hiện và cùng các cơ quan chức năng đeo bám nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực; tuyên truyền về công tác phòng chống tệ nạn này trên cơ sở “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”.

Ngoài ra, không ít những tác phẩm báo chí dự thi đã cổ vũ, tôn vinh lịch sử dân tộc, truyền thống cách mạng trong đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, lệch lạc, các luận điệu xuyên tạc, chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc biên giới, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh..

Về chất lượng, các tác phẩm năm nay khá, ở hầu hết các nhóm thể loại; độ đồng đều cao hơn và có một số tác phẩm nổi trội đã đoạt giải nhất, đó là: Phóng sự ảnh “Có thương nhau xin đừng xả rác” của Báo Tuổi Trẻ; loạt bài “Bẻ gãy luận điệu của Trung Quốc ở Liên Hợp Quốc về Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 về Biển Đông” (5 kỳ) của Báo Pháp Luật TPHCM; loạt bài “Bí mật thế giới ngầm ba nuôi –con nuôi” (5 kỳ) của Báo Tuổi Trẻ; “Chung một tấm lòng” của Đài Truyền hình TPHCM; Cuộc thi Phóng sự- Ký sự báo chí “Người tốt - việc tốt” - lan toả những giá trị tích cực" của Báo Sài Gòn Giải Phóng...

Các tác phẩm dự Giải năm nay đã giảm dần sự cách biệt lớn về chất lượng giữa các tác phẩm của các cơ quan báo chí. Nhiều bài có tính phát hiện, phản ánh những vấn đề nóng bỏng, được dư luận quan tâm và đã đoạt giải cao như: Chương trình “Vận động ủng hộ cho hoạt động xây dựng những hệ thống lọc nước cho khu vực ĐBSCL – vận động ủng hộ phòng chống dịch Covid- 19” của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM; loạt bài “Xây bản sắc văn hoá đô thị TPHCM” (5 kỳ) của Báo Người Lao động; Loạt bài “Lực lượng công an vì dân xông pha bão lũ” (2 kỳ) của Báo Công an TPHCM (nay là Chuyên đề Công an TPHCM); “Trên Biển Đông, chính nghĩa thuộc về Việt Nam: Trung Quốc sẽ tự đánh vào uy tín của mình nếu tuyên bố ADIZ trên Biển Đông” của Báo Phụ nữ TPHCM… được Hội đồng giám khảo đánh giá cao.

Các bài đoạt giải cao, đặc biệt là giải nhất được sự nhất trí cao của Hội đồng giám khảo, xứng đáng là các tác phẩm xuất sắc trong giải báo chí năm nay.

Ngày 10/6/2021, BCH Hội Nhà báo TPHCM đã họp. Do tình hình dịch Covid-19 tại TP đang có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, TP đang thực hiện Chỉ thị 15 của Chính phủ về áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 (riêng Q.Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Q.12 thực hiện theo Chỉ thị 16), BCH Hội Nhà báo TP đã biểu quyết thống nhất chủ trương không tổ chức Lễ trao giải báo chí tập trung như hàng năm.

Thay vào đó, các cơ quan báo chí căn cứ tình hình thực tế của đơn vị tổ chức trao giải cho các tác giả tại trụ sở cơ quan báo chí. Lễ trao giải tại các báo với sự tham dự của các vị đại biểu, đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin - Truyền thông, Hội Nhà báo TPHCM và phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.

Thời gian trao giải tại các cơ quan báo chí dự kiến trước ngày kỷ niệm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2021.

Báo Công an TPHCM đạt 2 giải nhì, 2 giải khuyến khích

Tại giải thưởng Báo chí TPHCM lần thứ 39 năm 2021, Báo Công an TPHCM đạt 2 giải nhì, 2 giải khuyến khích, gồm:

Giải nhì nhóm 1 (tin, ảnh báo chí) với loạt bài: Lực lượng Công an vì dân xông pha bão lũ (nhóm tác giả: Nguyễn Việt Phương, Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn Minh Tiến, Nguyễn Duy Trung).

Giải nhì nhóm 3 (Phim tài liệu, điều tra, phóng sự, ký báo chí) với loạt bài điều tra: Giải thoát khỏi nanh vuốt tín dụng đen (tác giả Trần Đức Nam - Huỳnh Văn Hoàng).

Giải khuyến khích nhóm 3 với loạt bài Khi Con kênh kêu cứu (nhóm tác giả Nguyễn Duy Trung, Huỳnh Thị Đan Quỳnh, Nguyễn Xuân Tuấn, Nguyễn Khắc Lãm).

Giải khuyến khích nhóm 5 (Công trình tập thể) với loạt bài Hẹn ước mùa xuân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang