Kỷ niệm 73 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2021):

Phát huy tinh thần thi đua ái quốc trong phòng chống "giặc" Covid-19

Thứ Sáu, 11/06/2021 10:04

|

(CATP) Kỷ niệm 73 năm ngày Bác Hồ ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", chúng ta nhớ về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Bài học chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc Bác dạy 73 năm trước nay được Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng cả hệ thống chính trị vận dụng vào cuộc chiến chống "giặc" Covid, bảo vệ nhân dân vẫn nguyên giá trị.

Đoàn kết dân tộc: Từ chống giặc đến chống dịch

Kể từ ngày Bác Hồ ra lời hiệu triệu "Thi đua ái quốc", qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, trải qua thời kỳ khôi phục, xây dựng đất nước sau ngày giải phóng và đặc biệt bước vào thời kỳ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, toàn Đảng, toàn dân ta luôn nêu cao tinh thần và thực hiện tốt lời dạy của Người.

Với quyết tâm "chống dịch như chống giặc", chúng ta bước đầu đạt được kết quả rất quan trọng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ, sức mạnh đoàn kết đã hình thành để vừa chống dịch, vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; góp phần tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Hãng tin ABC của Australia trích dẫn đánh giá của Giáo sư Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford (OUCRU) : "Cách ứng phó của Việt Nam không phải là cách ứng phó công nghệ cao, mà là cách ứng phó rất nhanh và được tổ chức tốt". Tạp chí Counter Punch của Mỹ cũng nêu bật tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc tại Việt Bắc, ngày 1-5-1952. Ảnh: Tư liệu

Phát huy tinh thần thi đua ái quốc trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19, nhiều tấm gương, nhiều hành động đã thể hiện tinh thần đoàn kết, sẵn sàng cống hiến, hy sinh khi Tổ quốc cần. Đó là hàng trăm, hàng nghìn cán bộ y tế, rất nhiều y, bác sĩ giỏi, là "cánh chim đầu đàn", dày dặn kinh nghiệm xung phong về các điểm nóng dịch Covid-19 để hỗ trợ chuyên môn; là hàng trăm sinh viên Trường Đại học Y, dược; hàng trăm nghìn cán bộ chiến sĩ Quân đội, Công an; những cán bộ y tế nghỉ hưu của địa phương tình nguyện xin về vùng tâm dịch giúp người dân chống Covid-19...

Những hành động đó thể hiện sự đồng lòng chiến đấu và quyết tâm chiến thắng "giặc" dịch. Khi lên đường, họ đều xác định sẵn sàng cống hiến, hy sinh, chấp nhận vất vả, khó khăn để sớm đẩy lùi dịch bệnh. Vẽ nên bức tranh đẹp đó còn là không ít doanh nghiệp, ngân hàng, tập đoàn, công ty, hội, hiệp hội... Tuy trong bối cảnh khó khăn, kinh tế sụt giảm, nhưng họ vẫn dành những khoản tiền lớn đóng góp cho công tác chống dịch.

Trên hết, tinh thần thi đua ái quốc đó là sự đồng lòng của nhân dân, chìa khóa mở cánh cửa lớn thoát ra khỏi đại dịch, như Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tại buổi ra mắt Quỹ vắc-xin chống Covid-19 ngày 5-6-2021: Lịch sử dựng nước và giữ nước đã chứng minh, khi đất nước gặp khó khăn, tinh thần đoàn kết, sức dân là vũ khí tối tân nhất, sắc bén nhất để chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù và viết nên những chiến thắng vẻ vang của dân tộc, như Bác Hồ kính yêu đã căn dặn: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong".

Lực lượng công an xung kích tuyến đầu

Hòa chung vào tinh thần thi đua ái quốc, "Chống dịch như chống giặc", cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng Công an luôn là lực lượng tuyến đầu, được giao trọng trách cùng với các lực lượng Y tế, Quân đội, các ban, ngành triển khai các biện pháp dập dịch một cách nhanh nhất.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Bệnh viện 19-8, Bệnh viện Y học cổ truyền cử 166 cán bộ y tế tham gia điều hành và vận hành Bệnh viện Dã chiến số 2 tại Nhà thi đấu của tỉnh Bắc Giang. Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tăng cường hơn 1.700 cán bộ, chiến sĩ cho Công an các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Điện Biên, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo an ninh, trật tự và phòng chống dịch; Học viện Cảnh sát nhân dân cử 300 học viên hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại tỉnh Bắc Ninh...

Thiếu tướng, PGS, TS Phan Xuân Tuy - Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân động viên học viên nhận nhiệm vụ tham gia phòng, chống dịch Covid-19

Cùng với nhân dân cả nước và lực lượng Công an Việt Nam trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19, Trường Đại học An ninh nhân dân có bề dày thành tích trong phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc", là đơn vị dự bị chiến đấu của Bộ Công an đóng quân trên địa bàn TPHCM, với triết lý giáo dục: "Thái độ chuẩn mực; kiến thức toàn diện; kỹ năng thuần thục; phụng sự Tổ quốc, Đảng, Nhà nước, phục vụ nhân dân". Đảng ủy, Ban giám hiệu đã chỉ đạo quyết liệt, tập trung, thống nhất trong công tác phòng, chống dịch; toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học viên tham gia thực hiện với tinh thần quyết tâm cao nhất.

Trong đó, nhà trường đã chuyển trạng thái hoạt động mới, để hoàn thành mục tiêu kép, vừa thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh và quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2020 - 2021, với nhiều biện pháp, như: Bắt buộc đo thân nhiệt cán bộ, giáo viên, học viên; thực hiện nghiêm quy định 5K, giãn cách khi họp; các Khoa tổ chức quay phim hệ thống kiến thức phục vụ học viên; chuyển hình thức thi kết thúc học phần bằng chấm tiểu luận môn học...

Đặc biệt, phát huy truyền thống anh hùng, ngày 4-6-2021, tại Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ Công an thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học An ninh đã tăng cường 243 học viên cho CATP, để tham gia truy vết, khoanh vùng, dập dịch; phối hợp với lực lượng Công an các quận, huyện triển khai tốt các mặt công tác như đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu vực cách ly tập trung; tham gia chốt chặn, kiểm soát phòng, chống dịch tại các điểm có dịch.

Kế thừa, tiếp thu và phát huy những giá trị cốt lõi tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần tiếp tục phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước thiết thực vì mục tiêu "Chống dịch như chống giặc". Đồng thời, tổ chức phong trào thi đua nhằm phát động nhân dân đoàn kết một lòng, tạo khí thế thi đua sôi nổi, làm nên sức mạnh của cả dân tộc đưa đất nước đến thành công trong cuộc chiến chống dịch đầy cam go này.

Công an TPHCM: Biến lời Bác dạy thành hành động bảo vệ nhân dân giữa cuộc chiến chống dịch

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Giám đốc CATP đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị, công an các quận huyện và TP.Thủ Đức nêu cao tinh thần vì nhân dân phục vụ, xung kích trên trận tuyến chống covid 19.

Theo đó, ngay sau khi 12 chốt kiểm dịch được lệnh xả trạm sau hai tuần hoàn thành nhiệm vụ trong cái nắng chang chát giữa đường phố đầy bụi, các chiến sĩ công an tiếp tục đi vào tâm dịch khi mà công tác phòng chống dịch của thành phố bắt đầu một trạng thái mới - trạng thái xác định các ổ dịch tạo đường dây lây nhiễm ngay trong cộng đồng. Khi dịch bùng ra các khu vực khác, lực lượng công an ngày đêm xung kích cùng đội ngũ y tế truy vết đến cùng nhằm phục vụ công tác khoanh vùng cách ly nhanh chóng và hiệu quả.

Nhờ vậy đến nay, tốc độ lây lan dịch covid 19 vẫn trong tầm kiểm soát và đang có xu hướng chậm lại. Lực lượng công an tiếp tục xông pha trên các mặt trận vừa chống dịch, vừa tuyên truyền, vừa tiếp sức cho các lực lượng khác cùng với nhân dân thành phố chung tay, một lòng quyết tâm chống "giặc" covid.

Thiếu tướng Trần Đức Tài - Phó giám đốc CATP thăm, động viện tại một chốt phòng chống dịch của TPHCM

Cuộc xông pha tuyến đầu trên mặt trận chống dịch covid của lực lượng CATP đã ghi dấu ấn trong lòng người dân thành phố bằng những hy sinh thầm lặng. Đó là những nội dung tuyên truyền cập nhật liên tục tình hình dịch bệnh, hướng dẫn cho dân cách phòng chống, động viên người dân của các anh Cảnh sát khu vực. Đó là những chiến sĩ tiến thẳng vào tâm dịch giúp dân để rồi sẵn sàng chấp nhận đối mặt với hiểm nguy dịch bệnh. Đó là những phần cơm của những chiến sĩ trẻ chia sẻ với người dân trong vùng cách ly, phong tỏa.

Sau bảo vệ thành công bầu cử hội đồng nhân dân các cấp, lực lượng Công an TPHCM dấn thân vào cuộc chiến chống dịch, là lực lượng nồng cốt xung kích tuyến đầu. Đó là sự chuyển hóa mạnh mẽ từ bài học Bác dạy lực lượng CAND ra thành hành động thiết thực vì nhân dân quên mình. Giữa bối cảnh cuộc chiến chống dịch đang diễn biến khốc liệt, sự hy sinh thầm lặng của Công an TPHCM và lực lượng CAND cả nước đáng để chúng ta nghiên mình kính phục.

Duy Luân

Bình luận (0)

Lên đầu trang