Sáng 11/6/2021, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp.
Tham dự có các Phó Chủ tịch UBND TPHCM; lãnh đạo các Sở - ngành, TP Thủ Đức, các quận - huyện, TP Thủ Đức và các thành viên của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp. Ảnh: hcmcpv.org.vn
3 yếu tố quyết định kết quả cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19
Phát biểu tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, kinh nghiệm trong các đợt chống dịch vừa qua cho thấy, có 3 yếu tố quyết định đến kết quả trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Đầu tiên là y thức tự giác vì cộng đồng, sự hợp tác của người dân đối với các biện pháp phòng dịch của TP. Yếu tố thứ 2 là sự cảnh giác và chuyên nghiệp của hệ thống y tế trong mọi tình huống để đảm bảo không gây lây lan tại các cơ sở y tế, trong đó đặc biệt chú trọng công tác sàng lọc, phân luồng. Thứ 3 là ý thức trách hiệm và sự nghiêm túc của các cơ quan, đơn vị, nhất là những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao như các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp có địa điểm làm việc trong môi trường kín…
Từ đó, ông Dương Anh Đức đề nghị các quận, huyện và các đơn vị trên địa bàn TP thường xuyên tổ chức tự đánh giá mức độ nguy cơ theo tiêu chí phân loại của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Quốc gia đã ban hành theo Quyết định số 2686. TP sẽ căn cứ vào báo cáo đánh giá nguy cơ được phân loại theo từng quận, huyện, xã… để quyết định các biện pháp phù hợp cho địa phương trong thời gian tới.
Hiện tại, năng lực xét nghiệm tại các Trung tâm y tế còn chưa đồng đều, cần nâng cao năng lực hơn nữa để rút ngắn thời gian xét nghiệm.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cần lên chi phí dự phòng đầy đủ cho công tác phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt không để thiếu test xét nghiệm khi cần triển khai xét nghiệm diện rộng...
Thông tin kịp thời đến người dân và các địa phương lân cận
Phó Bí thư Thường trực Thành Ủy Phan Văn Mãi đánh giá, về cơ bản TP đã kiểm soát được dịch bệnh, tuy nhiên các trường hợp lây nhiễm trong thời gian qua cho thấy, thời gian ủ bệnh cũng chính là thời gian dịch bệnh lây lan, trong khi đó người dân vẫn còn có tâm lý chủ quan và chưa thực hiện nghiêm thông điệp 5K, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Từ đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP tăng cường công tác tuyên truyền, các thông tin mang tính cảnh báo, nâng cao ý thức người dân, để người dân hiểu được mức độ nghiêm trọng khi vi phạm nguyên tắc phòng chống dịch; chủ động trong việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hội.
Đồng thời, đẩy mạnh cơ chế trao đổi thông tin giữa TP và các địa phương để không chỉ người dân TPHCM mà cả người dân các địa phương hiểu rõ, hiểu đúng về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn TP.
Bên cạnh đó, tập trung hơn nữa việc ứng dụng số trong việc quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng chống dịch. Tăng cường công tác kiểm tra và hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất…
Nâng cao năng lực và chất lượng cách ly tập trung, đảm bảo đủ điều kiện cách ly an toàn, phù hợp chi phí; tăng cường biện pháp giám sát cách ly tại nhà nhằm giảm tải cho khu cách ly tập trung.
Đối với việc giãn cách xã hội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi lưu ý cần đánh giá kỹ để áp dụng hình thức phù hợp trong thời gian tới, từ đó thông tin kịp thời tới người dân và các địa phương lân cận...
Tỷ lệ các ca mắc được phát hiện từ khám sàng lọc tại bệnh viện có xu hướng tăng
Điểm lại thông tin về các chuỗi lây nhiễm liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhận định với các biện pháp truy vết, cách ly tập trung, phong tỏa nơi lây lan dịch, đến nay TP cơ bản đã kiểm soát dịch bệnh, chỉ còn truy vết những trường hợp liên quan đến tòa nhà SAMCO và giám sát các trường hợp phát sinh khác trong cộng đồng.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đánh giá, hiện nay TP đang ứng phó với sự xuất hiện của cả biến chủng Ấn Độ và Anh, đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm nên công tác kiểm soát, khống chế dịch phải thần tốc, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa.
Mặc dù toàn TP đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Quận 12 thực hiện Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày kể từ ngày 31/5, nhưng mỗi ngày vẫn xuất hiện từ 30-50 ca bệnh. Đa số các trường hợp mắc là F1 trong các khu cách ly, các khu phong toả hoặc phát hiện qua xét nghiệm tầm soát khi đến khám bệnh tại các bệnh viện và truy vết rộng tại các khu phố, công ty, cao ốc.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) cho thấy, tỷ lệ chuyển từ F1 lên F0 có xu hướng giảm dần, nhưng tỷ lệ các trường hợp ca mắc mới được phát hiện từ khám sàng lọc tại bệnh viện, phòng khám có xu hướng tăng. Chủ tịch UBND TP cho rằng, điều đó cho thấy tình hình dịch bệnh trong cộng đồng chưa được kiểm soát triệt để.
Bên cạnh đó, vấn đề đáng lo hiện nay là người dân khi đi khám không thành thật khai các triệu chứng ngay từ khâu khám sàng lọc, do đó ảnh hưởng rất lớn đến công tác sàng lọc của các bệnh viện. Dựa vào thời gian ủ bệnh là 14-21 ngày, Chủ tịch UBND TP nhận định trong 10 ngày tới có thể phát hiện thêm các ca bệnh rải rác từ những ổ dịch đã được kiểm soát.
Từ đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng cần tận dụng tối đa những ngày áp dụng giãn cách tiếp theo, bên cạnh việc yêu cầu người dân khai báo y tế đầy đủ, khám kiểm tra sức khỏe ngay khi có triệu chứng nghi ngờ hoặc có yếu tố dịch tễ để kịp thời phát hiện tình trạng bệnh và cách ly điều trị sớm, TP cần thực hiện nghiêm những giải pháp sau:
1. Tiếp tục điều tra truy vết, khoanh vùng, dập dịch khẩn trương, triệt để:
Tại khu vực phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2: Khoanh vùng xử lý, xét nghiệm tầm soát quanh địa điểm có ca bệnh và khu vực lân cận, đồng thời xét nghiệm mở rộng trong cộng đồng; riêng đối với các chung cư, tòa nhà văn phòng, căn hộ có ca bệnh: tổ chức xét nghiệm toàn bộ người cư trú, người làm việc tại các địa điểm nêu trên.
Song song với tổ chức xét nghiệm mở rộng, thực hiện xét nghiệm kiểm tra theo chuỗi tiếp xúc gần, có nguy cơ cao lây nhiễm do đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh qua tiếp xúc gần ở vòng thứ 2, thứ 3 trong cùng gia đình, cùng nơi làm việc…
Thông báo, vận động những người từng đến các địa điểm có ổ dịch (được HCDC thông tin trên các phương tiện truyền thông) khẩn trương khai báo cho y tế địa phương để giám sát kịp thời, ngăn ngừa tiếp tục lây nhiễm trong cộng đồng.
2. Tăng cường giám sát, phòng chống dịch COVID-19 trong khu công nghiệp:
Xét nghiệm mở rộng tại các cơ sở sản xuất, lao động trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao (tại quận 7, quận 12, TP Thủ Đức, huyện Củ Chi... với số lượng: 53.255 mẫu), đến nay chưa phát hiện người mắc bệnh. Mặc dù có 04 ca bệnh là người lao động trong khu công nghiệp nhưng chưa ghi nhận lây lan trong khu vực này.
Tiếp tục lấy mẫu và xét nghiệm tầm soát có trọng tâm ở các khu công nghiệp, khu chế xuất công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố có môi trường làm việc dễ lây lan, thông khí kém, đặc biệt là các công ty trong các khu công nghiệp có người nhiễm, nghi nhiễm thì triển khai xét nghiệm toàn bộ công nhân, người lao động và mở rộng xét nghiệm ở các công ty trong khu công nghiệp. Thực hiện xét nghiệm cuốn chiếu các công ty, khu công nghiệp nhằm đảm bảo toàn bộ các công nhân trong các khu công nghiệp được xét nghiệm và tiến hành liên tục theo kế hoạch
Tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương để quản lý chặt chẽ hoạt động trong khu công nghiệp, ký cam kết với cơ sở, doanh nghiệp trong việc tổ chức các biện pháp phòng chống dịch COVID-19: yêu cầu người lao động khai báo y tế đầy đủ, theo dõi sức khỏe và nắm bắt thông tin kịp thời nếu có những người nghỉ làm, kiểm soát nghiêm ngặt người ra vào khu công nghiệp, nắm rõ thông tin người lao động để cung cấp cho công tác điều tra truy vết khi cần…
Triển khai hướng dẫn của Bộ Y tế về phương án phòng chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp; đặc biệt là chuẩn bị sẵn phương án tổ chức cách ly tập trung bên trong khu công nghiệp nếu xảy ra tình huống có ca dương, để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, lao động (có thể cách ly tập trung ở địa điểm khác và tổ chức đưa đón bằng phương tiện riêng đến nơi làm việc)
3. Đảm bảo năng lực và chất lượng cách ly tập trung; tăng cường giám sát cách ly tại nhà:
Đang triển khai 06 khu cách ly tập trung của thành phố với công suất 5.500 giường, tiếp tục mở rộng cơ sở cách ly tại Ký túc xá Đại học Quốc gia đạt 10.000 giường. Đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu an toàn, phòng chống lây nhiễm chéo: mỗi phòng cách ly chỉ bố trí 2 giường và có vách ngăn giữa các giường. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu tại khu cách ly.
Tổ chức 51 khu cách ly tập trung tại khách sạn với hơn 5.000 giường và tiếp tục thẩm định, triển khai thêm các khách sạn mới có nguyện vọng tham gia.
Duy trì 02 khu cách ly quân đội với 678 giường.
Mở rộng khu cách ly tập trung tại mỗi quận, huyện lên 200 giường (riêng TP Thủ Đức 600 giường) để tiếp nhận, cách ly tạm thời các trường hợp F1 trên địa bàn, trước khi chuyển đi khu cách ly tập trung của Thành phố. Đề nghị các địa phương khẩn trương thiết lập cơ sở cách ly tập trung, tận dụng cơ sở vật chất sẵn có, đảm bảo 2 người/phòng, bố trí lực lượng giữ an ninh trật tự.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức cách ly tập trung đảm bảo an toàn, ngăn ngừa lây nhiễm chéo trong cơ sở cách ly
Chính quyền các địa phương phối hợp ngành y tế giám sát, quản lý chặt chẽ người cách ly tại nhà, nơi cư trú; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về cách ly tại nhà.
4. Tăng cường năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2
Huy động lực lượng toàn ngành y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm, ngày cao điểm đạt mức 100.000 mẫu/24 giờ.
Phát huy hết công suất thực hiện xét nghiệm của các cơ sở y tế thuộc Thành phố, phối hợp cơ sở y tế trung ương như Viện Pasteur và bệnh viện tư nhân; triển khai phần mềm công nghệ thông tin để quản lý, điều phối việc thực hiện xét nghiệm, đảm bảo phục vụ nhu cầu chống dịch kịp thời
Mở rộng và nâng cao năng lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 tại các bệnh viện và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố: đề nghị các bệnh viện hạng 1, hạng 2, hạng 3… khẩn trương rà soát, kiện toàn năng lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, sinh phẩm…, triển khai thực hiện xét nghiệm khẳng định theo đúng quy định. Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố xây dựng kế hoạch điều phối xét nghiệm cụ thể, đáp ứng diễn biến tình hình dịch bệnh
5. Sẵn sàng năng lực điều trị người bệnh COVID-19:
Chủ động xây dựng phương án đáp ứng chống dịch với 5.000 ca nhiễm. Trong đó sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm, hóa chất theo phương châm 5 tại chỗ; sẵn sàng cơ sở điều trị để có thể tiếp nhận số lượng lớn các trường hợp mắc bệnh: phân công 07 bệnh viện của Thành phố chuyên điều trị BN COVID-19 với 2.000 giường bệnh, 1000 giường hồi sức, 1000 máy thở (Chợ Rẫy, Bệnh nhiệt đới, Dã chiến Củ Chi, COVID-19 Cần Giờ, Nhi đồng thành phố, Nhi đồng 2, Phạm Ngọc Thạch); chuẩn bị triển khai thêm các bệnh viện dã chiến với tổng số 3.000 giường.
Từ ngày 10/6, “Đơn vị điều trị COVID-19” tại BV Phạm Ngọc Thạch quy mô 550 giường với 66 giường hồi sức đã sẵn sàng đi vào hoạt động.
6. Đối với các tòa nhà văn phòng, công ty, trung tâm thương mại được phong tỏa để xử lý phòng chống dịch:
Đề nghị đơn vị, tổ chức quản lý tòa nhà, quản lý doanh nghiệp cam kết cung cấp đầy đủ danh sách người làm việc, người đến giao dịch tại tòa nhà (địa chỉ nơi cư trú…) cho cơ quan y tế để được giám sát, theo dõi y tế; thông báo, yêu cầu người làm việc hợp tác với ngành y tế và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch; phối hợp cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp xử lý phòng dịch theo quy định.
Tòa nhà đã được xử lý phòng chống dịch đầy đủ, người làm việc có nguy cơ lây nhiễm đã được giám sát thì được giải tỏa phong tỏa; tuy nhiên chỉ được hoạt động trở lại với nhân viên không thuộc diện phải giám sát y tế. Nhân viên đã cách ly đủ 14 ngày, tổ chức xét nghiệm giám sát, có kết quả âm tính mới được đi làm lại
7. Đối với lĩnh vực thông tin truyền thông:
Sở Thông tin và Truyền thông rà soát công tác truyền thông về công tác phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua; đồng thời phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP hàng tuần tổ chức giao ban chuyên đề cung cấp thông tin về diễn biễn dịch bệnh, các biện pháp mà TP đã triển khai, để báo chí, người dân TP và các địa phương khác có thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh tại TP.
8. Tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19:
Với mục tiêu 2/3 dân số TP sẽ được tiêm vắc xin Covid-19 trong năm nay, bên cạnh chương trình tiêm vắc xin của cả nước, cùng với sự phối hợp đồng bộ với các cơ quan trung ương và hướng dẫn của Bộ Y tế, TP sẽ thành lập Tổ công tác mua-tiêm vắc xin Covid-19 để thực hiện việc đàm phán nguồn cung vắc xin, tham mưu và tổ chức tiêm vắc xin.
Hiện nay, nhiều DN đề xuất tiêm vắc xin vì nguy cơ cao, tuy nhiên trong điều kiện lượng vắc xin có hạn, TP cần có lộ trình và sắp xếp theo mức độ ưu tiên...
Tổ chức nhậu tại nhà, cả 6 người cùng nhiễm COVID-19
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng cho biết, tổng số ca F0 từ khi đợt dịch lần thứ 4 trên địa bàn quận 106 ca, trong đó có 101 được bộ y tế công bố, 5 ca nghi nhiễm. Liên quan chuỗi lây nhiễm COVID – 19 của Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng có 99 ca; chuỗi bánh canh O Thanh (Quận 3) có 2 ca.
Tính từ 10/6 đến nay, quận phát hiện 3 ca F0 trong diện nghi nhiễm. Trong đó, có 2 ca trong gia đình liên quan đến tầm soát tại bệnh viện và 1 ca trong khu cách ly. Hiện nay, quận có tổng cộng 593 ca F1 cách ly tập trung, 2.057 ca F2 theo dõi, cách ly tại nhà. Có 41 điểm phong tỏa tại 14/16 phường, giảm 3 điểm trong ngày hôm qua.
Việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND TP, đến nay, đại bộ phận Nhân dân quận Gò Vấp chấp hành tốt Chỉ thị 16. Các doanh nghiệp sản xuất thiết yếu hoạt động bình thường, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh của người không thiết yếu chấp hành đóng cửa. Quận tổ chức kiểm tra, kịp thời nhắc nhở, xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm.
Tình hình giao thông, vào giờ cao điểm lượng lưu thông đông, tuy nhiên so với thời điểm trước giãn cách thì giảm nhiều. Trong các giờ còn lại, giao thông thực hiện giãn cách tốt, người dân ra đường trong trường hợp không cần thiết rất ít. Nhờ đó, quận đã kéo giãn điểm lây nhiễm, kiềm chế dịch bệnh.
Chủ tịch UBND Quận 12 Lê Trương Hải Hiếu cho biết, trong ngày 10/6, quận ghi nhận 2 ca mắc COVID-19 trên địa bàn phường Trung Mỹ Tây. Từ 2 ca này đến sáng 11/6, đã ghi nhận thêm 4 ca liên quan. Từ một ca mắc COVID-19 là bệnh nhân Tr.V.B, ngày 5/6 có tổ chức nhậu tại nhà và có 5 người đến nhậu, trong đó có 1 người Quận 7; 1 người ở Hóc Môn. Đến nay, cả 6 trường hợp này đều mắc COVID-19.
Từ các trường hợp này, Quận 12 đã thực hiện truy vết và cách ly 16 F1 liên quan. Đến thời điểm này Quận 12 có 51 ca mắc COVID-19, phường có số ca mắc nhiều là phường Tân Thới Nhất. Phường Thạnh Lộc từ ngày 7/5 đến nay chưa phát hiện ca nhiễm mới.
(CAO) Các ổ dịch trên địa bàn TPHCM hiện đã cơ bản được kiểm soát, chỉ còn đang tiếp tục truy vết dập dịch với những người liên quan tòa nhà SAMCO và giám sát các trường hợp phát sinh khác trong cộng đồng (nếu có).