Thủ tướng nhấn mạnh điều này tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vào chiều nay, 28/4.
Nhắc lại phát biểu tại phần khai mạc cuộc họp là chúng ta đã cơ bản đầy lùi dịch bệnh, làm chủ được tình hình, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta không được chủ quan, không được lơ là, mất cảnh giác, đặc biệt là những người làm công tác phòng, chống dịch, lúc này chưa phải là lúc xả hơi hoàn toàn.
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm kỳ nghỉ an toàn cho người dân. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Các cơ quan chức năng, đặc biệt Ban Chỉ đạo quốc gia cần tiếp tục thực hiện chiến lược được đề ra, kiên quyết ngăn chặn dịch xâm nhập, phát hiện sớm, khoanh vùng dập dịch một cách kịp thời, hiệu quả. Mặc dù nguy cơ thấp, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng (trong 12 ngày qua) nhưng việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 19 trên một số góc độ, một số khu vực cần phải tiếp tục được quan tâm, nhất là trong kỳ nghỉ kéo dài.
Người đứng đầu chính quyền cơ sở phải kiên quyết thực hiện các biện pháp đã nêu ra, đặc biệt là chống tình trạng tập trung đông người, không tuân thủ các biện pháp phòng dịch thông thường. Làm sao chúng ta bảo đảm một kỳ nghỉ lành mạnh, an toàn cho người dân, an toàn với dịch bệnh, bảo đảm an toàn giao thông, Thủ tướng nêu rõ, riêng hệ thống phòng, chống dịch bệnh phải tiếp tục hoạt động 100%.
Về các đề nghị của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần cho phép xuất khẩu khẩu trang y tế, tạo điều kiện tối đa, các thuốc điều trị COVID-19 và vật tư y tế cũng vậy. Tháo gỡ mọi điều kiện để khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu đảm bảo chất lượng sản phẩm, giữ gìn uy tín quốc gia.
Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc xem xét bổ sung Nghị quyết 37 của Chính phủ về một số nhóm đối tượng hưởng chính sách về phòng, chống dịch. Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện trình Chính phủ.
Thủ tướng nhất trí với đề nghị cho phép các đơn vị chưa đủ năng lực xét nghiệm hoặc có quá nhiều mẫu cần xét nghiệm được đặt hàng các đơn vị y tế khác có đủ năng lực (cả công lập và tư nhân). Thủ tướng đồng ý với phương án cách ly chuyên gia, công nhân lành nghề, nhà quản lý về Việt Nam thuận lợi, với cách cách ly phù hợp.
Các địa phương, các ngành cần tập trung các lực lượng, các giải pháp để kiểm soát nguy cơ nhiễm từ bên ngoài, Thủ tướng cho rằng, cần nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội, khởi động tích cực, tăng tốc phát triển kinh tế ở lĩnh vực có hệ số an toàn cao, trên cơ sở phương án phòng dịch, nhất là phản công, dập dịch nhanh nếu phát hiện. Quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép. Chủ tịch UBND các địa phương có thể xem xét nới lỏng một số ngành khác để phát triển sản xuất kinh doanh.
Các khu công nghiệp, khu du lịch, các đô thị đông dân cư, chợ, siêu thị, các nơi có mật độ giao lưu, giao thương lớn có sự kiểm soát, đôn đốc thực hiện những biện pháp phòng chống dịch.
Các địa phương và ngành giáo dục cần lưu ý việc bảo đảm an toàn khi học sinh đi học trở lại. Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn thật cụ thể, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện.
Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Y tế, với các địa phương triển khai các biện pháp kiểm soát y tế đối với những người về Việt Nam qua đường mòn, lối hẻm.
Bộ GTVT căn cứ diễn biến dịch, đặc biệt là nhu cầu đi lại của nhân dân, hướng dẫn việc bảo đảm an toàn và quyết định việc tăng dần tần suất các chuyến bay nội địa phù hợp, cũng như khách đi tàu lửa, đi ô tô, bảo đảm số chuyến, không để dồn ứ hành khách có nhu cầu đi lại.
Theo Thủ tướng, tất cả các địa phương phải chủ động đề ra các biện pháp chống dịch theo mức nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn phù hợp với điều kiện của địa phương mình, cân nhắc không áp dụng các biện pháp cao hơn yêu cầu của Thủ tướng để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân, nhất là một số ngành đạt quá thấp, bị ảnh hưởng nghiêm trọng như là du lịch, dịch vụ ăn uống và đặc biệt là ngành hàng không.
Thủ tướng cũng lưu ý ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tiêu cực, tham nhũng lợi ích nhóm trong vấn đề mua các thiết bị y tế, nếu phát hiện tiêu cực, tham nhũng phải chuyển đến cơ quan điều tra để xử lý nghiêm.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng lưu ý sớm đưa tiền hỗ trợ đến người dân kịp thời.
Đây là thời điểm vàng để giải cứu doanh nghiệp
Phát biểu tại cuộc họp từ điểm cầu TPHCM, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, TPHCM vẫn cơ bản kiểm soát tình hình dịch Covid-19, hiện chỉ còn 1/54 ca nhiễm đang điều trị. Trong số 53 ca đã xuất viện có 13 ca đã xuất cảnh hoặc về địa phương, 40 ca xuất viện đang tiếp tục theo dõi tại nhà ở TPHCM. Trong 40 ca này thì có 3 ca dương tính trở lại, TPHCM đã cho cách ly, điều trị tại các bệnh viện dã chiến.
"Đến nay là ngày thứ 6 dừng cách ly xã hội, cho thấy công tác phòng chống dịch của TPHCM đạt hiệu quả tốt, trong vòng kiểm soát. TPHCM đang tiến hành các giải pháp để vực dậy nền kinh tế trong điều kiện bình thường mới", ông Lê Thanh Liêm nói.
TPHCM cũng xác định trong điều kiện hiện nay là phải ban hành các gói hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19, kinh phí hỗ trợ phải đến đến tay DN, người dân càng sớm càng tốt, đây là thời điểm vàng để giải cứu DN. Nếu kéo dài đến tháng 5 sẽ có nhiều DN ngừng hoạt động, khi DN rời khỏi thị trường thì chính sách hỗ trợ kinh tế sẽ không còn hiệu quả.
Vì vậy, ngoài gói chính sách đặc thù mà TP đang triển khai hỗ trợ DN thì TPHCM đặc biệt quan tâm đến DN, coi đây là cộng đồng đặc biệt để làm đòn bẩy cho kinh tế TPHCM. Các gói hỗ trợ này TPHCM sẽ làm kỹ để tránh cào bằng, cũng không bỏ sót đối tượng cần hỗ trợ, thời gian triển khai trước ngày 14/5. TPHCM cũng sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để các gói hỗ trợ này đến với DN nhanh nhất.
Về vực dậy kinh tế, trong thời kỳ hiện nay, TPHCM xác định đây là nhiệm vụ ưu tiên, và phải thắng lợi nhiệm vụ này càng sớm càng tốt. TPHCM sẽ dự báo các kịch bản tăng trưởng kinh tế từng ngành, lĩnh vực. Trước ngày 12/5, TPHCM thống kê xong về mức độ thiệt hại của nền kinh tế do tác động của dịch, từ đó xây dựng gói hỗ trợ đặc thù mạnh để vực dậy nền kinh tế trong thời gian ngắn nhất. TP quyết tâm không để người dân, DN chờ đợi.
Trước ngày 12/5, TPHCM sẽ ban hành cẩm nang kế hoạch kinh doanh trong giai đoạn dịch bệnh để hướng dẫn hỗ trợ DN. Duy trì đối thoại trực tiếp giữa TP với các nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho họ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Tổ công tác về đầu tư tiếp tục họp hàng tuần để kip thời tháo gỡ khó khăn cho các DN, bãi bõ các quy định pháp luật không còn phù hợp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…