45 năm giải phóng miền Nam: Trận đánh vào đài ra - đa Phú Lâm

Thứ Ba, 28/04/2020 16:36

|

(CATP) Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ đội Đặc công được giao nhiều trọng trách: đánh chiếm và giữ 14 cây cầu cùng 6 căn cứ án ngữ cửa ngõ Sài Gòn của địch, tấn công vào cảng Nhà Bè, chia cắt sông Lòng Tàu, phối hợp với Sư đoàn 3 tiến công Vũng Tàu; tiến hành mở và bảo vệ cửa mở ở phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất, đón chủ lực vào đánh chiếm sân bay..., tạo thuận lợi và bảo đảm đường cơ động cho các cánh quân thần tốc tiến vào, tấn công chiếm giữ một số mục tiêu quan trọng trong nội đô, hỗ trợ quần chúng nổi dậy... làm chủ một số khu vực.

Ngoài tham gia tiến đánh một số mục tiêu quan trọng, đặc biệt Tiểu đoàn 21 Trinh sát Đặc công - Trung đoàn Đặc công 429 được lệnh phối hợp với Tiểu đoàn 13 cùng Trung đoàn và Tiểu đoàn Biệt động 197 tấn công, phá hủy, làm tê liệt hoạt động của Căn cứ ra - đa Phú Lâm ở ngoại ô Sài Gòn. Trận đánh ác liệt cứ ngỡ như mới hôm nào...

Từ lễ truy điệu sống...

Sau nhiều lần trinh sát nắm tình hình, đêm 17-4-1975, Tiểu đoàn Trinh sát 21 Đoàn 429 Đặc công cùng Tiểu đoàn 13 và Tiểu đoàn Biệt động 197 chia thành 2 mũi tấn công Căn cứ ra - đa Phú Lâm. Để tiếp cận mục tiêu này, lực lượng Đặc công - Biệt động của ta phải tìm cách vượt nhiều lớp hàng rào dây thép gai, trên các lớp rào có cài nhiều mìn vướng nổ. Địch tổ chức canh gác cẩn mật quanh khu vực này suốt ngày đêm; muốn vào được căn cứ phải băng qua một cánh đồng rộng, trống trải, đầy bom mìn.

Đồng chí Trương Văn Hồng - cựu Tiểu đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Tiểu đoàn Trinh sát 21 Đoàn 429 Đặc công - nhớ lại: "Trong trận đánh vào Căn cứ ra - đa Phú Lâm, tôi được giao chỉ huy Đại đội 2 - Tiểu đoàn Trinh sát 21 Đặc công do đồng chí Dương Văn Sê (quê Thái Nguyên) làm đại đội trưởng tiến đánh. Được bộ đội địa phương dẫn đường, rạng sáng 18-4-1975, hướng tấn công của Tiểu đoàn Trinh sát 21 Đoàn 429 Đặc công cùng Tiểu đoàn Biệt động 197 tiến vào vị trí triển khai, tiến hành nổ súng. Mũi tấn công của 2 lực lượng đột nhập vào trong, phá hủy một số trang thiết bị quan trọng của địch. Ở một số hướng khác, do địch chống trả quyết liệt, các chiến sĩ chưa vào sâu bên trong nhưng cũng phá hủy nhiều thiết bị ăng - ten, máy phát sóng của địch... làm tê liệt hoạt động của chúng".

Những người trực tiếp tham gia trận đánh kể: Trước khi bước vào trận chiến quyết định này, 20 cán bộ chiến sĩ (CBCS) đảm nhận vai trò tiên phong mở cửa được đơn vị làm lễ truy điệu sống. Bên cạnh thông tin trinh sát báo về, đơn vị chỉ có tấm bản đồ cũ vẽ bằng bút bi từ năm 1967 về hình thái chung của căn cứ ra - đa này. Bộ đội Đặc công đã lấy đèn tín hiệu trên cột thu phát sóng làm chuẩn để tiến công.

"Lúc mở cửa, quả bộc phá 5kg đầu tiên điểm hỏa không nổ, phải đến quả 5kg thứ hai đặt chồng lên mới tạo sức công phá cộng hưởng cực mạnh, phá bung cánh cửa sắt và một phần bức tường hai bên. Khi đó, những cánh ra - đa lớn đã hiện ra trước mắt, nhưng chúng tôi không thể tiếp cận ngay được vì vướng hào nước kết hợp hàng rào dây thép gai của địch. Các chiến sĩ của ta đã sử dụng hỏa lực B41, B40 nhắm thẳng mục tiêu ra - đa nhả đạn, mở toang cửa cho đồng đội xung phong tiêu diệt địch, làm chủ hoàn toàn căn cứ", cựu Tiểu đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Tiểu đoàn Trinh sát 21 Đoàn 429 Đặc công Trương Văn Hồng nhớ lại.

... Đến ngày trở về chiến thắng

Theo cựu Chính trị viên Tiểu đoàn 21 Trinh sát Đặc công Hoàng Văn Thượng, tiểu đoàn được giao nhiệm vụ bí mật từ Long An lên Sài Gòn đánh vào Trung tâm thông tin Phú Lâm (Đài ra - đa Phú Lâm) ở quận 6 nhằm cắt đứt liên lạc, làm tê liệt quân địch. Đây là trung tâm thông tin lớn nhất, hiện đại nhất châu Á lúc bấy giờ, với gần 800 nhân viên quân sự hoạt động. Nhiệm vụ được giao rất khó khăn, nhất là phải đưa cả Tiểu đoàn hơn 100 người vào giữa Sài Gòn khi quân địch đang kiểm soát gắt gao. Rút kinh nghiệm lần đánh vào Căn cứ ra - đa Phú Lâm đêm 17 rạng sáng 18-4-1975, tối 28-4-1975 Tiểu đoàn 21 Trinh sát Đặc công đã áp sát mục tiêu, đang cắt hàng rào dây thép gai thì bị địch phát hiện, nã súng như mưa xuống hào làm 7 chiến sĩ hy sinh.

Trong tình thế nguy cấp, quân ta buộc phải gọi lực lượng chi viện nã pháo vào trong, nhưng căn cứ của địch quá kiên cố, đánh suốt 1 ngày đêm vẫn chưa chiếm được. Đến 9 giờ sáng 30-4-1975, Tiểu đoàn 21 Trinh sát Đặc công họp bàn, đưa ra quyết định táo bạo: tổ chức nhóm 20 chiến sĩ đánh thẳng vào cổng chính. Tiểu đoàn phó Trương Văn Hồng cùng 2 chiến sĩ là Trịnh Viết Ngọ, Khuất Duy Tiến (đều quê Hà Tây, nay là Hà Nội) xông thẳng vào sở chỉ huy địch, bắt sống tên trung tá, chỉ huy Đài ra - đa Phú Lâm. Đồng chí Trương Văn Hồng yêu cầu viên chỉ huy Đài ra - đa Phú Lâm lệnh cho các đơn vị địch ngừng nã pháo. Quân giải phóng chiếm toàn bộ Trung tâm thông tin ra - đa Phú Lâm. Vừa lúc đó, trên Đài phát thanh thông báo tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng Quân giải phóng vô điều kiện...

Đã 45 năm trôi qua nhưng những người lính Tiểu đoàn Trinh sát 21 Đoàn 429 Đặc công từng tham gia trận đánh vào Trung tâm thông tin ra - đa Phú Lâm vẫn không thể quên ký ức một thời oanh liệt ấy. Và khi tôi viết những dòng này, các đồng đội Trương Văn Hồng, Dương Văn Sê, Khuất Duy Tiến, Trịnh Viết Ngọ... vẫn tiếp tục thực hiện những chuyến về thăm chiến trường xưa, thắp nén hương tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống trong những chiến hào ngập khói, tham gia truy tìm hài cốt đồng đội và giúp đỡ thân nhân các cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn... trọn vẹn nghĩa cử tri ân, sắt son tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng của những người lính Bộ đội Đặc công Anh hùng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang