Chưa phát hiện kịp thời
Theo báo cáo của Chính phủ, từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước phát hiện, xử lý 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại (1.672 trẻ em nam, 7.037 trẻ em nữ).
Thống kê của Đoàn giám sát cho thấy, số trẻ em bị xâm hại trong giai đoạn 2011-2014 là 7.211 trẻ, số trẻ em bị xâm hại giai đoạn 2015-2018 là 7.309 trẻ (tăng 98 trẻ em).
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Báo cáo giám sát
Riêng 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ bị xâm hại, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ). Tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.
“Sự gia tăng đột biến này một phần phản ánh thực tế các vụ xâm hại trẻ em tăng, một phần do người dân, trẻ em có ý thức hơn trong việc tố giác, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em, đồng thời công tác phát hiện, xử lý hành vi xâm hại trẻ em cũng được tăng cường hơn giai đoạn trước” – đoàn giám sát nhận định.
Hình thức xâm hại phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề và gây bức xúc nhất, theo đoàn giám sát, là xâm hại tình dục với 6.364 vụ, 6.432 trẻ em là nạn nhân. Trong số này có 2.191 em bị hiếp dâm, 31 em bị cưỡng dâm, 1.096 em bị dâm ô và 3.114 trẻ bị giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác).
Cá biệt, có nhiều địa phương, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm trên 90% tổng số trẻ em bị xâm hại, như TP Cần Thơ 98,8%; Hậu Giang 95,8%; Kiên Giang 95,5%; Bến Tre là 94,6%; Đồng Nai 94,2%.
Tuy nhiên, đoàn giám sát cho rằng, vẫn còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thảo luận
“Công tác theo dõi, thống kê tình hình trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến, số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế” – báo cáo nêu.
Đồng tình với nhận định trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhìn nhận “đó là con số của tảng băng nổi”. “Tôi thấy rằng công tác bảo vệ trẻ em của chúng ta chưa tốt. Khi phát hiện xử lý kịp thời là đúng rồi, nhưng quan trọng là bảo vệ trẻ em để tình trạng xâm hại không xảy ra nữa” – ông Hiển day dứt.
Phó Chủ tịch Quốc hội phản ánh, có những vụ trẻ em bị bạo lực, kêu khóc hàng ngày mà chính quyền không biết, nhà trường không biết…
“Phải nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở” – ông Hiển lưu ý.
Chung quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ yêu cầu đánh giá kỹ thêm về công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý của cơ quan chức năng, nhất là vai trò chính quyền cơ sở.
“Thực tế nhiều vụ việc chỉ được phát hiện xử lý khi báo chí phản ánh, khi có hậu quả xảy ra hay tố cáo. Khi đó chính quyền, cơ quan chức năng mới biết. Báo cáo cần kiến nghị rõ hơn về trách nhiệm” – ông Đỗ Bá Tỵ nêu quan điểm.
Không quản lý tốt, tình hình còn phức tạp
Đề cập đến công tác tuyên truyền luật pháp liên quan đến việc này, báo cáo dẫn kết quả điều tra xã hội học cho thấy, qua khảo sát gần 9.000 người thì có 9,8% người lớn trả lời không biết có Luật Trẻ em; 44,6% người lớn trả lời có nghe về Luật Trẻ em nhưng không biết rõ nội dung của Luật. 47% trẻ em sống trong cùng gia đình trả lời không biết chính xác quy định về độ tuổi trẻ em trong Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu ý kiến
Dẫn lại thông tin trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phàn nàn, gia đình là tế bào của xã hội, sự phát triển lành mạnh của trẻ em có vai trò rất lớn của người lớn, trong đó có cha mẹ, người thân, nhưng con số người lớn không rõ về luật là điều đáng lo lắng.
“Không biết luật thì làm sao thực hiện đúng luật. Không nắm rõ quy định thì vi phạm luật, thực hiện không đúng là tất yếu” – ông Đỗ Bá Tỵ nhìn nhận.
Theo ông, báo cáo cần kiến nghị nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, giáo dục, nhất là về Luật trẻ em. “Cái này phải làm ngay, tránh hình thức” – ông Tỵ nói đồng thời yêu cầu đánh giá thêm về tình hình xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Cho rằng trong các giải pháp thì biện pháp phòng ngừa là quan trọng nhất, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị báo cáo cần tập trung vào nhóm trẻ có nguy cơ bị xâm hại để có sự can thiệp, hỗ trợ.
“Báo cáo còn yếu khâu này, chưa thống kê, dự báo được số liệu trẻ em có nguy cơ nên chưa có biện pháp tương xứng” – ông Chiến chỉ ra.
Dẫn số liệu trung bình một ngày có 7 trẻ em bị xâm hại, 1 năm có đến 38 trẻ bị giết, 133 trẻ bị thương tích, 84 trẻ mang thai..., Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định đây là số liệu đáng báo động và nói lên nhiều điều.
Ông Phúc lưu ý, báo cáo cần phân tích đầy đủ hơn các nguyên nhân, từ trách nhiệm quản lý nhà nước, mối quan hệ với tỷ lệ ly hôn, ảnh hưởng của môi trường mạng xã hội, internet... để thấy rõ hơn bức tranh toàn cảnh, qua đó có giải pháp bảo vệ trẻ em.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị đoàn giám sát bổ sung, hoàn thiện một số nội dung trong các phần báo cáo và phụ lục trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp 9.
Ông Lưu cho biết, Uỷ ban TVQH nhận thấy tình hình xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng và gây hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng này xảy ra ở nhiều nơi, ngay cả những nơi bình yên nhất là gia đình hay trường học.
“Đó là vấn đề nhức nhối mà con số như báo cáo đưa ra chưa phản ánh hết được tình hình hiện nay” – ông Lưu nói và cho rằng đây không phải nhận định chủ quan mà căn cứ số liệu qua các giai đoạn, từng năm. Do đó, theo ông Lưu, nếu không làm tốt, tình hình còn phức tạp nữa.
Nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước, ông Lưu cho biết, Hiến pháp đã nói rõ trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, xã hội. “Nếu 3 trụ cột này không phát huy đầy đủ thì công tác này không bao giờ tốt” – Phó Chủ tịch Quốc hội chốt lại.