Các F0 tự xét nghiệm, tự điều trị không báo cáo sẽ không có cơ sở cấp giấy xác nhận

Chủ Nhật, 12/09/2021 20:23

|

(CAO) Về việc các trường hợp tự xét nghiệm dương tính, tự điều trị khỏi bệnh tại nhà mà không báo cáo y tế địa phương, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết những trường hợp này không có cơ sở để địa phương cấp giấy xác nhận F0 đã khỏi bệnh. Vì theo quy định, khi có kết quả test nhanh dương tính thì F0 phải báo cho y tế địa phương để ghi nhận và có các biện pháp hỗ trợ điều trị, khi khỏi bệnh mới có xác nhận.

Chiều 12/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP 24 giờ qua.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

 Toàn cảnh họp báo chiều ngày 12/9. Ảnh: Khang Minh 

Tỷ lệ ca nhiễm mới qua các đợt xét nghiệm diện rộng giảm dần 

Tại họp báo, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm thông tin, qua đợt xét nghiệm diện rộng vừa qua cho thấy tỷ lệ phát hiện ca nhiễm mới qua các đợt xét nghiệm có giảm dần. Cụ thể, tính riêng kết quả xét nghiệm tại vùng đỏ, cam, trong đợt 1 tỷ lệ phát hiện ca nhiễm mới là 3,6%, đợt 2 là 2,7%, đợt 3 mới xét nghiệm được một nửa thì kết quả là 1,3%.

“Tỷ lệ phát hiện vùng xanh là 0,78%; vùng cận xanh là 1,27%, vùng vàng là 1,41%. Từ đó cho thấy việc phân vùng theo màu trước đây là khá chính xác, vùng nguy cơ thấp thì tỷ lệ phát hiện ca nhiễm mới rất ít và vùng nguy cơ cao thì phát hiện ra nhiều hơn”, ông Nguyễn Hồng Tâm nhận định.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc các trường hợp tự xét nghiệm dương tính, tự điều trị khỏi bệnh tại nhà thì làm sao để được cấp giấy chứng nhận, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết những trường hợp này không có cơ sở để địa phương cấp giấy. Vì theo quy định, khi có kết quả test nhanh dương tính thì F0 phải báo cho y tế địa phương để ghi nhận và có các biện pháp hỗ trợ điều trị, khi khỏi bệnh mới có xác nhận. 

Đối với việc những người tiêm 2 mũi vắc xin rồi thì khi nhiễm COVID-19 có bị chuyển biến nặng dẫn đến tử vong hay không, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu thông tin, các loại vắc xin đều có tỷ lệ bảo vệ nhất định, không tuyệt đối được 100%, thường sẽ là 70-80%, nên còn lại 20-30% vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Riêng đối với biến chủng Delta thì hệ thống kháng thể của cơ thể không được bảo vệ hoàn toàn, dẫn đến việc nhiều người tiêm vắc xin đủ 2 mũi rồi vẫn mắc bệnh.

Thống kê trên thế giới cho thấy, với người đã tiêm đầy đủ 2 mũi thì 90% khi nhiễm bệnh sẽ được bảo vệ, không chuyển biến nặng, không cần thở oxy và không phải điều trị hồi sức tích cực. Tuy nhiên, còn 10% vẫn có nguy cơ mắc bệnh nặng, Đặc biệt với người trên 65 tuổi thì tỷ lệ bảo vệ khoảng 80-85%, do đó nguy cơ chuyển biến nặng cao hơn so với bình thường.

Liên quan đến thông tin hiện vẫn còn F1 cách ly tập trung, Phó giám đốc HCDC TPHCM Nguyễn Hồng Tâm lý giải, các F1 đang cách ly tập trung hiện nay gồm các nhóm đối tượng là người tiếp xúc gần với F0, các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh, các tổ bay gồm phi công và tiếp viên. Theo số liệu mới nhất, TP đang cách ly tập trung 2475 trường hợp.

Theo ông Tâm, việc F1 hay F0 cách ly tại nhà hay cách ly tập trung tùy thuộc vào điều kiện của từng trường hợp vầ đều có quy định rất rõ.

Về việc cấp thẻ xanh cho người từ nước ngoài trở về, Sở Y tế đang nghiên cứu phương án chuyển đổi dữ liệu quản lý trên hệ thống. Hiện tại, người nhập cảnh đã tiêm 2 mũi vắc xin có quy định 7 ngày cách ly tập trung và 7 ngày cách ly tại nhà, khi nhập cảnh các trường hợp đều được ngành y tế quản lý chặt chẽ.

Lập biên bản xử lý 3986 trường hợp ra đường với số tiền hơn 6,8 tỷ đồng

Về quản lý kiểm tra giấy đi đường, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng tham mưu Công an TP cho biết, Công an TP ban hành các văn bản hướng dẫn phù hợp trên từng giai đoạn. Hiện đã có 116 thiết bị camera để quét mã QR được lắp đặt ở các điểm chốt trên địa bàn.

 Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng tham mưu Công an TP thông tin tại họp báo. Ảnh: Khang Minh 

Theo thống kê từ ngày 6/9 đến ngày 11/9, tại 914 chốt trạm kiểm soát đã kiểm tra hơn 1,3 triệu lượt phương tiện các loại ô tô, xe khách, xe tải, xe máy, lập biên bản xử lý 3986 trường hợp với số tiền hơn 6,8 tỷ đồng. Lỗi vi phạm chủ yếu là ra đường không có lý do chính đáng.

Đối với giải pháp trong thời gian tới, đại diện Công an TP cho biết sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm; tăng cường tuần tra, kiểm tra xử lý khu dân cư. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, làm giả thẻ xanh.

Tại cuộc họp, Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin thêm về việc xử lý vi phạm. Theo đó, ngày 11/9, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam với Trần Vũ Hàn Minh Nhật (34 tuổi, tạm trú quận 4) và Võ Thành Phúc (51 tuổi, ngụ quận 7) về hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác. Các quyết định khởi tố, bắt tạm giam hai bị can đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn.

Mở cửa chợ truyền thống theo lộ trình, an toàn đến đâu mở đến đó

Liên quan đến việc mở cửa trở lại chợ truyền thống, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương khẳng định chủ trương của TP là mở cửa theo lộ trình, an toàn đến đâu mở đến đó.

Sắp tới, TP đưa điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền vào hoạt động, trong đó có quy định và kiểm soát chặt chẽ người vào chợ phải có kết quả xét nghiệm âm tính.

Trước mắt, Sở sẽ làm việc với từng quận, huyện để nắm kế hoạch cụ thể và điều chỉnh kịp thời. Khi điều kiện phù hợp sẽ cho các chợ mở cửa trở lại.

Bình luận (0)

Lên đầu trang