Ứng dụng VNEID của Bộ Công an xây dựng có tính xác thực cao về mặt nhân thân

Thứ Bảy, 11/09/2021 21:27

|

(CAO) App ứng dụng VNEID của Bộ Công an xây dựng trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có tính xác thực cao về mặt nhân thân, CCCD/CMND, thông tin cư trú, số điện thoại… đảm bảo an toàn, chính xác trong khai báo thông tin và quản lý.

Chiều 11/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM tổ chức họp báo trực tiếp và trực tuyến cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP trong 24 giờ qua.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

 Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Phạm Đức Hải thông tin tại buổi họp báo

Hơn 900 F0 đã khỏi bệnh tham gia hỗ trợ phòng chống dịch

Tại cuộc họp báo, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho hay, theo thống kê nhu cầu của các cơ sở y tế, hiện nay cần khoảng 3.311 người F0 đã khỏi bệnh tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch ở các vị trí.

Tính đến ngày 10/9/2021, đã có 908 người F0 đã khỏi bệnh đang làm việc tại các cơ sở chăm sóc, điều trị COVID-19 trên địa bàn TP (trong tổng hơn 1.700 F0 đăng ký).

Về chế độ đối với lực lượng F0 đã khỏi bệnh tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch, kế hoạch 2975 của UBND TP, được trang bị phòng hộ, sắp xếp chỗ ăn, nghỉ ngơi trong quá trình làm việc, xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 định kỳ, cùng với các chế độ của tình nguyện viên F0 theo quy định hiện hành.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng đang trình UBND TP xem xét chế độ hỗ trợ kinh phí cho lực lượng F0 tình nguyện này. 

Về vấn đề xác định đã điều trị khỏi đối với F0 tự cách ly, điều trị tại nhà, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, tất cả những người có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 (gồm cả test nhanh và RT-PCR) đều được xem như là F0.

Trên cơ sở kết quả xét nghiệm đó, chính quyền và y tế địa phương sẽ lập danh sách các F0 này để xác định thông tin và chăm sóc, điều trị. Theo đó, việc xác nhận thông tin các F0 tự điều trị tại nhà đã khỏi bệnh để thuận tiện cho việc cấp thẻ xanh sau này sẽ do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm.

Thông tin về việc có sâu trong suất ăn của điều dưỡng

Trao đổi về sự cố an toàn vệ sinh thực phẩm tại Bệnh viện dã chiến số 8, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Phạm Khánh Phong Lan thông tin, Bệnh viện dã chiến số 8 ký hợp đồng cung ứng suất ăn với 3 đơn vị doanh nghiệp, trong đó có 1 công ty tại phường Linh Trung, TP Thủ Đức cung cấp 1.500 suất ăn cho bệnh nhân và 900 suất ăn cho các y bác sĩ, nhân viên y tế.

Vào trưa ngày 9/9, một điều dưỡng tại bệnh viện này phát hiện có sâu trong dưa leo ở khẩu phần ăn của mình. Điều dưỡng này đã quay video và báo lên Ban Giám đốc bệnh viện. Lập tức, Ban giám đốc bệnh viện ghi nhận sự việc và cho kiểm tra tất cả các suất ăn còn lại.

Kết quả kiểm tra thực tế và phân tích video cho thấy, có sâu trong dưa leo ở món salad ăn kèm với đùi gà chiên. Tuy nhiên, chỉ có ở suất ăn của điều dưỡng này, còn các suất ăn khác không có hiện tượng tương tự.

Hiện nay, Ban An toàn thực phẩm TP đã cử đoàn kiểm tra xuống bệnh viện và làm việc với các bên, về cơ bản đồng ý với hướng giải quyết tạm thời ngưng hợp đồng cung ứng suất ăn với công ty vì vi phạm này; đồng thời hoàn tất hồ sơ, biên bản xử lý vi phạm hành chính và sẽ công bố chi tiết, cụ thể với báo chí sau.

Ban An toàn thực phẩm TP đã, đang và sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị cung ứng suất ăn cho các bệnh viện, cơ sở y tế… trong thời gian tới.

Ứng dụng VNEID đảm bảo an toàn, chính xác trong khai báo thông tin và quản lý

Trước câu hỏi của các phóng viên và người dân trong việc cài đặt quá nhiều app (ứng dụng) liên quan đến khai báo y tế, phòng chống dịch, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, mỗi ứng dụng có tính năng riêng. Tuy nhiên, quá nhiều app ứng dụng gây nên sự cồng kềnh, khó khăn cho người sử dụng.

 Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng Tham mưu Công an TP thông tin tại họp báo

Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông sớm xây dựng app ứng dụng thống nhất để liên thông các app hiện nay. Trong đó chỉ rõ, app ứng dụng VNEID của Bộ Công an xây dựng trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có tính xác thực cao về mặt nhân thân giữa con người sử dụng, căn cước công dân (CMND), điện thoại, thông tin cư trú… đảm bảo an toàn, chính xác trong khai báo thông tin và quản lý. Bộ thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp nghiên cứu, đánh giá để phát triển.

Hiện nay, Công an TP đang triển khai để đưa app ứng dụng này vào quy định kiểm soát lưu thông, khai báo y tế tại các chốt chặn trên địa bàn.

Cập nhật dữ liệu tiêm vắc xin không ảnh hưởng đến lộ trình cấp 'thẻ xanh'

Liên quan đến việc cập nhật dữ liệu tiêm vắc xin, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương chia sẻ, thời gian vừa qua, các đơn vị tổ chức tiêm vắc xin đã tích cực tổ chức cập nhật dữ liệu tiêm vắc xin vào hệ thống quản lý tiêm vắc xin phòng COVICD-19 quốc gia. Tuy nhiên, trong thực tế có việc người dân đã tiêm vắc xin nhưng chưa được cập nhật thông tin, hoặc thông tin tiêm bị sai.

Trước tình trạng này, Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Y tế đã tổ chức huy động lực lượng công nghệ thông tin để hỗ trợ tiếp nhận, xử lý các phản ánh của người dân nêu trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 cũng như các phản ánh của người dân đã gửi về Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.

Người dân cũng có thể chủ động phản ánh, đề nghị bổ sung, điều chỉnh tại mục “Phản ánh thông tin” trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19https://tiemchungcovid19.gov.vn.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, việc cập nhật dữ liệu tiêm vắc xin không ảnh hưởng đến lộ trình cấp thẻ xanh theo kế hoạch chung của TP.

Bên cạnh đó, TP đang nghiên cứu thống nhất ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19.

Để thực hiện điều này, TP đã phối hợp Bộ Thông và Truyền thông, Bộ Y tế liên thông, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) và Thành phố (HCM LGSP): mã QR cá nhân, khai báo y tế điện tử, tiêm chủng; đồng thời đề xuất liên thông với các ứng dụng của các Bộ, ngành.

Sở Thông tin và Truyền thông cũng đang nghiên cứu, đề xuất theo hướng phát triển nền tảng khai báo y tế điện tử của Thành phố ”Y tế HCM”) thành nền tảng ứng dụng thống nhất hỗ trợ phục vụ quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong phòng, chống dịch.

Trong đó, người dân sử dụng một ứng dụng trên điện thoại thông minh để thực hiện các công việc như: lấy mã QR để tham gia lưu thông, tới nơi công cộng, tham gia làm việc tập trung; khai báo y tế, xét nghiệm; “check-in” tại các địa điểm.

Mỗi người dân được cấp 1 mã QR cá nhân, thống nhất trên các ứng dụng
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang