Cam kết đầu tư gần 17 tỷ USD để phát triển 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi

Thứ Ba, 12/04/2022 20:37

|

(CAO) Đây là hội nghị xúc tiến đầu tư lớn nhất trong cả nước kể từ sau đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 với các cam kết đầu tư lên đến gần 17 tỷ USD vào 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi, trong đó có gần 500 triệu USD được cấp phép lần này.

Chiều 12/4, Hội nghị xúc tiến đầu tư vào hai huyện: Hóc Môn và Củ Chi năm 2022 đã diễn ra tại TPHCM với sự tham dự của 550 đại biểu các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia kinh tế.

Đây là hội nghị xúc tiến đầu tư lớn nhất trong cả nước kể từ sau đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 với các cam kết đầu tư lên đến gần 17 tỷ USD; trong đó có gần 500 triệu USD được cấp phép lần này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Hội nghị. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương.

Trước đó, để đảm bảo chu đáo, hiệu quả cho sự kiện này, giữa tháng 3/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo TPHCM và các sở ngành, địa phương liên quan của thành phố và chỉ đạo một số công việc cụ thể, phục vụ Hội nghị.

Việc mời gọi đầu tư vào hai huyện trên nhằm khai phá tiềm năng khu vực Tây Bắc của TPHCM trở thành khu đô thị sinh thái, dịch vụ, phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Quang cảnh hội nghị - Ảnh: Việt Dũng

Tại hội nghị, Ban Tổ chức đã giới thiệu định hướng quy hoạch tổng thể TPHCM, huyện Hóc Môn và Củ Chi; giới thiệu quy hoạch giao thông thành phố; đồng thời, giới thiệu môi trường đầu tư, các dự án mời gọi đầu tư trên địa bàn hai huyện.

Các dự án được hai huyện mời gọi đầu tư dịp này tập trung vào các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông - kỹ thuật; chỉnh trang đô thị; công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ và giáo dục - văn hóa - thể thao; trong đó, lĩnh vực hạ tầng giao thông - kỹ thuật có số lượng dự án mời gọi lớn nhất.

Lời nói, cam kết phải đi đôi với việc làm thực chất

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hai huyện Hóc Môn và Củ Chi là hai vùng đất cách mạng, hy sinh, mất mát rất lớn để, đóng vào sự nghiệp giải phóng đất nước. Do đó, chúng ta cần có trách nhiệm với lịch sử, hỗ trợ nâng cao đời sống người dân ở khu vực còn nhiều khó khăn này.

Chỉ rõ những tiềm năng, lợi thế của hai địa phương này, nhất là địa thế chiến lược, có khả năng kết nối đường thủy và hướng ra sông Sài Gòn, Chủ tịch nước nhắc lại câu nói: “Hóc Môn và Củ Chi như con rồng đang ngủ bên cạnh phần còn lại phát triển rất sôi động của TPHCM” - Thành phố năng động, đóng góp 1/3 ngân sách của đất nước.

Vậy nhưng hai huyện Hóc Môn và Củ chi phát triển còn ở mức thấp, cần được ưu tiên đầu tư. Việc tăng cường đầu tư vào hai huyện này, theo Chủ tịch nước sẽ giúp TPHCM giải được bài toán mở rộng không gian phát triển một cách cân bằng, thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn lực phát triển đặc biệt là về kinh tế đô thị, du lịch, dịch vụ, công nghệ cao…thu hút tốt nhất các nguồn lực tri thức, con người; nhanh chóng giải tỏa áp lực về hạ tầng; các thách thức ngày càng nghiêm trọng về nhà ở, công ăn việc làm và an ninh đô thị…

Cần “mở rộng không gian sinh tồn, phát triển đô thị khi chiếc áo hiện hữu của TP đã trở nên quá chật chội đối với sự phát triển của TPHCM trong giai đoạn mới”, Chủ tịch nước nói và nhấn mạnh: Đây không phải là chương trình làm một lần, kết thúc trong 1 ngày. Với tư cách là đại biểu Quốc hội TPHCM, các Đại biểu cam kết giám sát các dự án đầu tư vào hai huyện và báo cáo cử tri. Do vậy, mọi lời nói, cam kết tại hội nghị phải đi đôi với việc làm thực chất, người thực việc thực.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Việt Dũng

Đặt lợi ích của người dân vào vị trí trung tâm

Vui mừng kết quả các cam kết đầu tư vào hai huyện tại Hội nghị lên đến gần 17 tỷ USD; trong đó có gần 500 triệu USD được cấp phép lần này, còn lại là các bản ghi nhớ với các nhà đầu tư tên tuổi, Chủ tịch nước nhận xét, các dự án không chỉ đầu tư trong lĩnh vực kinh tế công nghiệp, du lịch, dịch vụ mà còn cả trong sinh thái, môi trường, xử lý rác, nhà ở xã hội. Đó là sự quan tâm đồng bộ.

Chủ tịch nước lưu ý, các cam kết đầu tư lần này phải phù hợp với quy hoạch được phê duyệt. Đối với các quy hoạch lỗi thời, phải được xem xét bởi các chuyên gia, nhà chuyên môn, được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phù hợp với chiến lược phát triển của TPHCM và hai huyện. Do đó, Chủ tịch nước đề nghị “làm thật chặt” quy hoạch phát triển của Hóc Môn và Củ Chi không để “tắc đường” trong khi “thời gian không chờ đợi ai”.

Đề cập đến hướng phát triển bền vững, lâu dài ở Hóc Môn và Củ Chi, Chủ tịch nước nêu rõ: “Nguyên tắc xuyên suốt của các dự án phát triển Hóc Môn và Củ Chi là phải đặt lợi ích của người dân vào vị trí trung tâm. Đó là một đô thị sinh thái thông minh, bền vững. Hóc Môn - Củ Chi là hai đơn vị hành chính nhưng phải luôn đi cùng nhau không phải là mâm cỗ mới, dành cho các nhà đầu tư bất động sản tận dụng cơ hội từ các cơn sốt giá nhà đất ở TP.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị TPHCM, hai huyện Hóc Môn, Củ Chi phối hợp với các bộ, ngành địa phương liên quan giải quyết các nút thắt về giao thông tại hai huyện cả về đường bộ, đường cao tốc, đường thủy và cả đường sắt tốc độ cao.

Cùng với đó là tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng; khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo; phát triển doanh nghiệp tư nhân; giảm thủ tục hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử; tái đào tạo và sử dụng lao động chất lượng cao.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo TPHCM, các Bộ ngành, doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: Việt Dũng

Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân, Chủ tịch nước đề nghị “phải thực hiện đúng cam kết đầu tư, ghi nhớ đầu tư, khẳng định uy tín, nói đi đôi với làm; sau các ký kết cam kết đầu tư hôm nay phải sớm triển khai nhanh kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư, tuân thủ pháp luận, nói không với tiêu cực, tham nhũng”.

Đầu tư vào Hóc Môn và Củ Chi – hai địa phương có ý nghĩa đặc biệt - cần đề cao ý thức bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội và cộng đồng, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, truyền thống cách mạng.

Chủ tịch nước yêu cầu chính quyền các cấp, nhất là hai huyện Củ Chi và Hóc Môn đề cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc trong các chính sách về đất đai, giải phóng mặt bằng, bồi thường thỏa đáng cho người dân, hỗ trợ đào tạo nghề, ưu tiên tạo việc làm và sinh kế tại chỗ; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Chủ tịch nước tin tưởng, qua Hội nghị này, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, chọn Hóc Môn và Củ Chi như một điểm đến mới hấp dẫn trên bản đồ danh mục dự án đầu tư của mình. Cùng với đó, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân hai huyện Hóc Môn, Củ Chi – tiếp nối truyền thống cách mạng hào hùng, sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa, ý nghĩa hơn nữa, đóng góp xứng đáng hơn nữa vào sự phát triển chung của TPHCM cũng như cả nước.

Tại hội nghị, trên 1000 ngôi nhà tình nghĩa, tình thương đã được các doanh nghiệp, nhà đầu tư hỗ trợ cho hai huyện, mỗi huyện 500 căn.

Phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư sớm triển khai dự án

Phát biểu bế mạc hội nghị, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, hội nghị đã giới thiệu, định hướng phát triển khu Tây Bắc TPHCM theo hướng xây dựng đô thị sinh thái hiện đại và mời gọi xúc tiến đầu tư, tiếp nhận hỗ trợ an sinh xã hội cho huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi. Tại hội nghị, TPHCM đã định hướng cơ bản về phát triển TPHCM cũng như như khu vực phía Tây Bắc của TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu - Ảnh: Việt Dũng

Chủ tịch UBND TPHCM cho biết sẽ tiếp thu và cập nhật vào quy hoạch chiến lược phát triển TPHCM, trước hết cập nhật vào quy hoạch chung và quy hoạch tích hợp của TPHCM phát triển khu Tây Bắc như chỉ đạo của Chủ tịch nước.

Trong đó, TPHCM phải tập trung mở rộng không gian phát triển, quan tâm đến công tác quy hoạch và phát triển hệ thống giao thông của thành phố. Đồng thời, TPHCM tiếp thu và triển khai trong quá trình xây dựng quy hoạch chung của thành phố về việc mở rộng thêm các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao.

Sau hội nghị này, UBND TPHCM sẽ chỉ đạo các sở, ngành, UBND huyện Hóc Môn và UBND huyện Củ Chi tiếp tục phối hợp với các nhà đầu tư để sớm triển khai các dự án. Đối với những công trình, dự án còn tồn đọng, TPHCM tiếp tục giải quyết, xử lý trong thời gian sắp tới. Ngoài ra, một số vấn đề còn vướng mắc như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…, TPHCM sẽ chỉ đạo các cơ quan chức và các địa phương phối hợp xử lý.

“Tinh thần TPHCM tập trung hơn nữa cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để đồng hành với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, phát huy nguồn lực xã hội cho mục tiêu phát triển TPHCM”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này không chỉ có ý nghĩa đối với hai huyện Hóc Môn và Củ Chi, còn có ý nghĩa đối với TPHCM khi thành phố vừa bước sang giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Từ hội nghị này sẽ tạo thêm khí thế mới xây dựng và phát triển TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, thành phố quyết tâm mạnh mẽ sẽ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để phát triển tối đa các nguồn lực xã hội đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố.

Bình luận (0)

Lên đầu trang