Phát triển 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn thành “Đô thị hiện đại và sinh thái”

Thứ Ba, 12/04/2022 17:51

|

(CAO) Phát triển khu vực Tây Bắc TPHCM trở thành khu đô thị sinh thái, phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và dịch vụ hướng tới hình thành “Đô thị hiện đại và sinh thái” trong tương lai.

Chiều 12/4, tại TPHCM, UBND TPHCM tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022. Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải Nguyễn Văn Thể; Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ...

Quang cảnh hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022 được tổ chức với mục tiêu quảng bá hình ảnh địa phương, giới thiệu các dự án, chính sách thu hút đầu tư, khẳng định những lợi thế về địa lý, nguồn nhân lực… của hai huyện, góp phần khai phá tiềm năng, phát triển khu vực Tây Bắc TPHCM trở thành khu đô thị sinh thái, phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và dịch vụ hướng tới hình thành “Đô thị hiện đại và sinh thái” trong tương lai.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên tin rằng, với những chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế của TP, cùng với sự đồng lòng của các cấp chính quyền TP, việc kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu, đề xuất đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi sẽ sớm hoàn thành được những mục tiêu đặt ra.

“Với phương châm mến khách, tôn trọng và thấu hiểu đối tác, mong muốn hợp tác phát triển có hiệu quả với các tỉnh bạn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và bè bạn gần xa, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực: nông nghiệp; công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm; thương mại, dịch vụ và du lịch…

Đến với huyện Hóc Môn và Củ Chi, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai” - đồng chí Nguyễn Văn Nên bày tỏ.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, TPHCM cam kết nỗ lực tối đa, triển khai thực hiện với quyết tâm cao nhất, thời gian nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể, tinh thần là tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến làm ăn.

Đồng thời, TPHCM không ngừng nâng cao năng lực phục vụ, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thân thiện để tạo một chuyển biến mới nhằm cải thiện môi trường đầu tư tại TPHCM.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị.

Cực tăng trưởng trọng điểm phía Bắc TPHCM

Về định hướng phát triển huyện Hóc Môn và Củ Chi trong quy hoạch chung TPHCM, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Nguyễn Thanh Nhã cho biết, quy hoạch chung TP hiện hành được phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 đã xác định mô hình phát triển TP là mô hình tập trung - đa cực;…

Huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi là 2 huyện ngoại thành có tổng diện tích khoảng 544ha, chiếm gần trọn phần lãnh thổ phía Bắc - Tây Bắc của TP; là cửa ngõ kết nối TP với các đô thị Đức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh), Thủ Dầu Một (Bình Dương) của các tỉnh cả miền Tây và Đông Nam Bộ.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, về phân vùng phát triển TP, Quyết định 24 cũng xác định khu đô thị Tây Bắc - nằm trên phần lớn địa bàn huyện Củ Chi và một phần huyện Hóc Môn - được định hướng là một cực tăng trưởng trọng điểm phía Bắc TPHCM.

“Có thể thấy, địa bàn huyện Hóc Môn và Củ Chi có những đặc điểm thuận lợi quan trọng: Về trục phát triển nằm trên trục đường Bắc Nam kéo dài từ Trường Chinh – Cách Mạng Tháng Tám, tiếp giáp với khu vực đô thị hoá mạnh mẽ lan tỏa từ nội thành hiện hữu; tuyến metro số 2 cũng được định hướng kéo dài tiếp từ An Sương kết nối với khu đô thị Tây Bắc, kết hợp với tuyến đường sắt quốc gia từ Củ Chi đi Tây Ninh; có một khu vực rộng lớn dọc theo hành lang sông Sài Gòn, thuận lợi phát triển các khu du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử và các cụm dân cư mật độ thấp theo hướng nghỉ dưỡng… đặc biệt, từ cửa ngõ Hóc Môn ở các hướng theo các tuyến khác nhau về sân bay Tân Sơn Nhất đều ở cự ly khoảng 15km.” - ông Nguyễn Thanh Nhã nhấn mạnh.

Định hướng điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 cũng nhấn mạnh yêu cầu nghiên cứu một trong những hướng phát triển chủ đạo của TP về hướng Bắc - Tây Bắc, với đặc điểm địa chất tốt, địa hình cao, kết nối với Vùng I phía Tây Ninh, cửa khẩu Mộc Bài…, còn nhiều quỹ đất phát triển đô thị.

Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP cũng đặt ra yêu cầu nghiên cứu định hướng phát triển huyện Hóc Môn và Củ Chi gắn với lộ trình chuyển đổi huyện thành quận hoặc TP. Trong đó, Khu đô thị Tây Bắc dự kiến có sự điều chỉnh mô hình phát triển, hình thành khu đô thị hiện đại với các thuộc tính đặc trưng của đô thị thông minh, kết hợp phát triển hài hòa về không gian kiến trúc đô thị hiện đại giữa quy hoạch chức năng khu đô thị mới và chức năng chỉnh trang khu dân cư hiện hữu, phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, hình thành một đô thị đa chức năng có môi trường sống chất lượng cao, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

“Trong quá trình lập điều chỉnh quy hoạch chung TP hiện nay, các đề án đang được xây dựng như phát triển hạ tầng dịch vụ, hạ tầng công nghiệp, kinh tế dọc sông Sài Gòn, được tổ chức đã đóng góp nhiều luận cứ, ý tưởng, giải pháp… cho phát triển kinh tế - xã hội TPHCM nói chung và huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn nói riêng. Vì vậy, TPHCM mời gọi đầu tư từ nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải…”- đồng chí Nguyễn Thanh Nhã cho biết.

Kêu gọi nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước

Về phát triển giao thông, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Trần Quang Lâm cho biết, hiện nay quy hoạch giao thông vận tải của TPHCM được thể hiện đầy đủ các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và đường hàng không để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và vận tải hàng hóa của toàn vùng Nam Bộ đi các vùng, miền khác trong nước và quốc tế.

Giai đoạn đến năm 2025, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 15% (hiện đạt 12,2%), mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn TP đạt 2,5 km/km2 (hiện đạt 2,2 km/km2). Giai đoạn đến năm 2030, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 17,8%. Mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn TP đạt 3,1 km/km2.

Cùng với đó là nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng cho giai đoạn 2021-2025 là 533.529 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách TP 218.239 tỷ đồng và vốn khác (TW, ODA, PPP…) là 315.290 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 là 437.125 tỷ đồng.

Cũng theo đồng chí Trần Quang Lâm, theo Nghị quyết số 29/2021/QH15, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP đã được Quốc hội thông qua là 142.557 tỷ đồng chỉ đủ để bố trí cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 qua giai đoạn 2021-2025, không đủ cân đối để thực hiện các dự án đầu tư mới trọng điểm, cấp bách trong giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các dự án giao thông trọng điểm khác thuộc Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã được UBND TP phê duyệt.

Do tác động của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến nguồn thu dự kiến của ngân sách TP, trong giai đoạn hiện nay TP đã và đang ưu tiên nguồn vốn ngân sách TP để đảm bảo kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 nên nguồn vốn ngân sách để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của TP rất khó khăn. Do đó việc đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư từ nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật là rất cần thiết và cần được tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.

Sở Giao thông vận tải cũng đã rà soát, lập Danh mục dự án ngành giao thông vận tải dự kiến kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025 và đề xuất UBND TP các cơ chế, chính sách và kế hoạch huy động các nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021-2030, trong đó có các dự án trên địa bàn huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi như: Vành đai 4, cao tốc TPHCM - Mộc Bài, đường song hành Phan Văn Hớn, mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và xây dựng cầu Lớn, đường trên cao số 5, cảng cạn Củ Chi…

Bình luận (0)

Lên đầu trang