(CAO) Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, các luật này sẽ có hiệu lực (nếu Quốc hội thông qua), trong khi còn nhiều văn bản hướng dẫn chưa chuẩn bị xong. Do đó, các cơ quan cần huy động tối đa nguồn lực để chuẩn bị.
Ngày 20/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, thảo luận tại tổ 2 (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15, các đại biểu nhất trí cao sự cần thiết ban hành nhằm sớm khắc phục những tồn tại; tạo sự thống nhất, đồng bộ, khả thi; bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp...
Phát biểu thảo luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng bày tỏ băn khoăn, vấn đề thời điểm hiệu lực sớm hơn không chỉ là thời gian mà còn là tính tác động. Nhiều hợp đồng, thỏa thuận ký kết, nhiều dự án kinh doanh, bất động sản, giao dịch... đã lấy mốc từ ngày 1/1/2025. Vậy nếu đẩy sớm hiệu lực thi hành lên 5 tháng thì liệu có gây thiệt hại, bất lợi cho khu vực, bộ phận kinh tế nào đó? Đại biểu cũng lo ngại, các văn bản hướng dẫn liệu có kịp chuẩn bị. Việc có hiệu lực sớm hơn có nhiều cái lợi, nhưng về luật pháp phải xem xét các tác động nhiều mặt, do đó cần phải giải thích rõ hơn để cử tri, đặc biệt khu vực doanh nghiệp bất động sản hiểu rõ.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức thì đặt vấn đề, chỉ còn hơn 1 tháng nữa, các luật này sẽ có hiệu lực (nếu Quốc hội thông qua), trong khi đó còn nhiều văn bản hướng dẫn chưa chuẩn bị xong. Do đó, các cơ quan cần huy động tối đa nguồn lực để hoàn thiện văn bản, có như thế, nghị định mới sớm áp dụng, hạn chế được tình trạng “nghị định to hơn luật, thông tư to hơn nghị định”. “Đẩy sớm thực hiện luật thì các vướng mắc hiện nay của thị trường bất động sản có giải quyết được ngay không? Ví dụ, TPHCM đang có hàng trăm dự án bất động sản bị vướng, nếu đẩy sớm các luật thì có đầy đủ văn bản hướng dẫn để tháo gỡ hay không?”-đại biểu Nguyễn Minh Đức băn khoăn.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức
Chung mối băn khoăn, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đánh giá, thực hiện sớm sẽ có lợi cho doanh nghiệp và người dân, tuy nhiên cần chuẩn bị kỹ các văn bản hướng dẫn kịp thời. TPHCM cũng đang rốt ráo chuẩn bị ban hành 11 văn bản hướng dẫn cho 20 nội dung để kịp thời triển khai các luật này từ ngày 1/8/2024.
Đại biểu Phan Văn Mãi nêu ý kiến
Còn đại biểu Trần Hoàng Ngân thì tin tưởng, chắc chắn thi hành luật sớm sẽ đem lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, điều đại biểu lo ngại nhất là có tác động, tranh chấp, do đó đại biểu đề nghị xem xét bổ sung 1 điều khoản để có thể giải quyết tranh chấp (nếu có), hạn chế tác động bất lợi khi luật có hiệu lực. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng mong muốn bộ, ngành địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng chất lượng văn bản ban hành chi tiết, tránh ban hành xong lại điều chỉnh.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân
Đại biểu Trần Anh Tuấn cũng cho rằng, đây là một thách thức cho các địa phương. “Thông thường, địa phương phải căn cứ vào hướng dẫn của Trung ương để đồng bộ. Nhưng hiện nay, Trung ương chưa ban hành nghị định, thông tư, chỉ mới có một số, nên địa phương rất khó khăn trong xây dựng các văn bản, do đó để việc thực thi luật sớm thực sự có ý nghĩa, cần đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn” - Đại biểu Trần Anh Tuấn đề nghị.
Đại biểu Trần Anh Tuấn
Cũng trong phiên thảo luận về dự thảo Luật trên, tại Tổ 12, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định, 4 luật trên là 4 lĩnh vực có sự điều chỉnh, tác động đến chính trị, kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân rất lớn. Do vậy, tính cấp bách trong việc triển khai các nội dung liên quan đến Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng là để phục hồi, thúc đẩy kinh tế cũng như giải quyết những vấn đề mà nhu cầu của doanh nghiệp, của nhân dân liên quan đến vấn đề đất đai là rất cần thiết.
Cũng xuất phát từ thực tiễn như vậy, Chính phủ có trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban cũng đã xem xét, báo cáo Quốc hội về tính cần thiết cho việc điều chỉnh một số nội dung có hiệu lực sớm. “Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức ủng hộ Chính phủ trong đề xuất các biện pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi giúp khơi thông nguồn lực đất đai và kịp thời giải quyết những vấn đề đang là điểm nghẽn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội.”- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.
Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội khóa XV thông qua đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, khắc phục tồn tại, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành và có nhiều quy định mang tính đổi mới, đột phá được tổng kết đánh giá, thí điểm từ thực tiễn người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 do Chính phủ trình được bố cục thành 05 Điều, sửa đổi theo hướng cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024. Riêng khoản 10 Điều 255 và khoản 4 Điều 260 của Luật Đất đai đề xuất có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.