6 tháng đầu năm tăng trưởng GDP vượt kịch bản đề ra

Thứ Hai, 04/07/2022 15:23  | Thanh Hoà

|

(CAO) Ngày 4-7, chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2022, triển khai các Nghị quyết của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tình hình thế giới hiện có nhiều biến động lớn, nhanh, phức tạp, cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn mới có thể đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

Kinh tế-xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng, ấn tượng

Hội nghị và phiên họp lần này đã tập trung thảo luận về triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; các Chương trình mục tiêu quốc gia; các dự án giao thông quan trọng quốc gia (đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025; đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; đường vành đai 3 vùng TP Hồ Chí Minh; cảng hàng không quốc tế Long Thành).

Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị và phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong 6 tháng qua, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, nhanh, phức tạp, có những yếu tố chúng ta dự báo được nhưng cũng có nhiều yếu tố chưa dự báo được.

Cụ thể, xung đột tại Ukraine khiến giá dầu, lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhiều tổ chức, chuyên gia dự báo kinh tế thế giới còn tiếp tục gặp nhiều khăn, có khả năng suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của COVID-19. Lạm phát tăng ở mức cao ở hầu hết các nước trên thế giới. Nhiều đối tác, quốc gia lớn thay đổi chính sách về kinh tế và chống dịch. An ninh lương thực, an ninh năng lượng đang là vấn đề lớn.

Trong nước, chúng ta có những thuận lợi do kế thừa thành quả của nhiều nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời cần khắc phục nhiều vấn đề nội tại, hạn chế, bất cập, tiếp tục xử lý những vấn đề tồn đọng nhiều năm, triển khai các nhiệm vụ thường xuyên và giải quyết các vấn đề phát sinh, đột xuất, đặc biệt là sức ép lạm phát, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, đứt gãy các chuỗi cung ứng…

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giám sát, ủng hộ của Quốc hội, sự đồng tình của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, tình hình kinh tế-xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, nhiều mặt đạt kết quả ấn tượng.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022 đạt nhiều kết quả tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản đề ra, trong đó, GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011. Đáng chú ý là sự phục hồi nhanh của khu vực dịch vụ, ước tăng 6,6%, cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh, cơ bản tiệm cận mức tăng tại thời điểm trước dịch. Tình hình đăng ký doanh nghiệp rất tích cực, lần đầu tiên vượt mốc 100.000 doanh nghiệp; trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 76.000 doanh nghiệp, cao nhất từ trước đến nay.

Cải cách thể chế tiếp tục được quan tâm, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn về nguồn lực cho đầu tư phát triển. Phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại phù hợp với tình hình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc

Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ngày càng sâu sát, quyết liệt, hiệu quả của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố nhắc lại việc Thủ tướng Chính phủ đã tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần để làm việc với các địa phương, kiểm tra, đôn đốc các dự án, giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc, xác định các định hướng chiến lược, tạo cơ hội, không gian phát triển mới cho các địa phương và các vùng.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh sự quyết liệt, sát việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, như các quyết định phù hợp về phòng chống dịch và mở cửa nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…TPHCM cả năm dự kiến sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra (6-6,5%) và có thể vượt, đạt 7%. Một số trọng tâm thời gian tới của TPHCM là triển khai dự án đường vành đai 3, chuẩn bị khởi động, đề xuất các cấp có thẩm quyền dự án vành đai 4, thúc đẩy các các dự án cao tốc, metro, các dự án chuyển đổi sổ, đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế…

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết sự quan tâm đặc biệt của Trung ương với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong nhiệm kỳ này, nhất là việc triển khai hàng loạt dự án hạ tầng giao thông chiến lược trong vùng.

"Đây là ước mơ, kỳ vọng của cả hệ thống chính trị và nhân dân các tỉnh ĐBSCL trong nhiều năm qua, không thể nào nói hết niềm vui, cảm xúc của người dân khi ĐBSCL có các dự án lớn này", ông Trần Văn Lâu nói. Riêng với Sóc Trăng, Thủ tướng đã về khảo sát hiện trường, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho dự án Nhiệt điện Long Phú 1 triển khai 13 năm chưa hoàn thành…

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, một điểm đáng lưu ý là hàng hóa trong nước dồi dào, giá cả tuy có tăng nhưng vẫn thấp hơn khu vực và thế giới. Tuy nhiên, tình hình sắp tới còn rất nhiều thách thức, đặc biệt nếu dịch bùng phát trở lại thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, phải tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch, nhất là tiêm chủng vaccine, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu, các địa phương tập trung phát triển thương hiệu các mặt hàng thế mạnh, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt…

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ đang đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022-2023, triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giá sách giáo khoa. Về nội dung này, Thủ tướng giao các cơ quan phối hợp, nghiên cứu đánh giá kỹ tác động, Bộ Tài chính tính toán các vấn đề liên quan tới ngân sách, theo tinh thần chung đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo là cần rà soát, có lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, không gây khó khăn hơn cho người dân và học sinh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang