Quyền lực luôn có nguy cơ bị tha hóa
Theo Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, cơ quan chức năng đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 3 ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên ủy viên Bộ Chính trị, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện trung ương quản lý, cao hơn gấp 4 lần nhiệm kỳ XI và gần bằng một nửa số cán bộ cao cấp bị kỷ luật trong nhiệm kỳ XII, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Ông Phan Đình Trạc nhận định: Thời gian qua cho thấy "đằng sau những vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, nhất là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp kéo dài đều có bóng dáng cán bộ, công chức làm ngơ, dung túng, tiếp tay, bao che, đồng phạm, thậm chí là chủ mưu, cầm đầu". Ông Trạc cũng chỉ rõ quyền lực luôn luôn có nguy cơ bị tha hóa, tham nhũng, tiêu cực, là một trong những khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, do đó phải tăng cường và nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực; phải đặc biệt chú trọng công tác cán bộ, gắn phòng, chống tham nhũng với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nhận định của ông Phan Đình Trạc cho thấy cần có một cơ chế kiểm soát quyền lực. Thời gian qua nhiều lãnh đạo các tỉnh thành bị vướng lao lý vì quyền lực của chính quyền địa phương không được kiểm soát chặt chẽ.
Lấy ví dụ vụ án cựu Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam, là người có chức vụ cao nhất tỉnh Bình Dương, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Bị can Nam đã "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương và một số đơn vị liên quan, kéo theo 28 bị can liện quan, trong đó có Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố. Vụ án này đã gây thất thoát cho nhà nước số tiền 1.850 tỷ đồng, thông qua việc chuyển giao quyền sử dụng đất tại 2 khu "đất vàng" 43 ha, có vị trí đắc địa ở Bình Dương.
Cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào ngày 27-4-2022 Ảnh: TTXVN
Bị can Trần Văn Nam khi là đương kim Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương hoàn toàn có thể ra quyết định buộc Tổng công ty Bình Dương khắc phục hậu quả bằng việc thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhưng do động cơ cá nhân, ông Nam đã quyết định, cố ý cho Tổng công ty Bình Dương tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật tiếp theo, không yêu cầu lấy lại khu đất 43 ha về cho nhà nước mà còn tìm cách hợp thức, che giấu sai phạm, đã tiếp tục chỉ đạo các bị can khác "hợp thức hóa" các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Dương, làm sai lệch bản chất nội dung phê duyệt chi tiết phương án sử dụng đất của chủ sở hữu.
Đó chỉ là một trường hợp, một vụ án nghiêm trọng gây ra do những người đứng đầu "đạo diễn" và tổ chức thực hiện. Tương tự, thời gian qua, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố cũng đã xảy những vụ án tương tự. Ví dụ vụ án cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Trần Văn Minh (17 năm tù), Văn Hữu Chiến (12 năm tù), liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm).
Các bị cáo trong vụ án là người giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của UBND TP.Đà Nẵng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và bộ máy hành chính của TP.Đà Nẵng, nhưng vì những động cơ khác nhau, ông Minh, ông Chiến và các đồng phạm đã cố ý làm trái quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, các quy định về quản lý đất đai trong thời gian dài từ năm 2006 đến năm 2014, giúp Vũ Nhôm thu lợi bất chính đặc biệt lớn, thông qua việc nhận nhiều đất dự án, mua nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước.
Đây là một vụ án điển hình, xảy ra khi mà quyền lực của chính quyền địa phương bị lợi dụng, lãnh đạo địa phương "dung túng, tiếp tay, bao che, đồng phạm, thậm chí là chủ mưu, cầm đầu" như ông Phan Đình Trạc nhận định. Các hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là kiểm tra, giám sát từ bên ngoài ở đây đều bị vô hiệu hóa.
Hai vụ án liên quan đến bị can Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư thường trực), Nguyễn Thành Tài (cựu Phó chủ tịch UBND) ở TPHCM đều liên quan đến đất đai cũng tương tự, ở đây là vấn đề buông lỏng quản lý, quyền lực bị lợi dụng, liên quan đến trách nhiệm lãnh đạo của Đảng bộ TPHCM.
Với những vụ án liên quan đến Vũ Nhôm, tính đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố 21 cựu cán bộ (17 người ở Đà Nẵng và 4 người ở TPHCM). Vũ Nhôm không thể một mình thực hiện các hành vi phạm tội rất nghiêm trọng như vậy, khi thao túng gần như hoàn toàn các quan chức địa phương liên quan. Nguyên nhân có thể là sự phân quyền mạnh mẽ ở nhiều tỉnh thành nhưng thiếu sự kiểm soát. Ngay cả sự kiểm soát quyền lực từ các cơ quan trung ương thời gian đó cũng có nhiều lỗ hổng để Vũ Nhôm khai thác, kể cả những lỗ hổng về mặt pháp luật.
Điều đáng lo lắng là thời gian qua, khi công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang được đẩy mạnh, lại xảy ra những vụ án còn nghiêm trọng hơn, có hệ thống hơn, điển hình như các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, vụ thực hiện các chuyến bay "giải cứu" đồng bào ta ở nước ngoài ở Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, vụ FLC, Tân Hoàng Minh...
Xây dựng Cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ
Theo ông Phan Đình Trạc, muốn chống tham những, tiêu cực tốt phải xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực. Cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc cũng là biện pháp. Xây dựng văn hóa liêm chính để không muốn tham nhũng, tiêu cực và cơ chế đảm bảo để không cần tham nhũng, tiêu cực.
Ông Trạc cũng yêu cầu cần kịp thời phát hiện giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng, kỷ luật hành chính nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự.
Điều dễ nhận thấy là trong thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm nhiều sai phạm nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng còn nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là việc tự kiểm tra, tự phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực vẫn là khâu yếu.
Yêu cầu quan trọng là phải tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên từ bên ngoài, kết hợp với tự kiểm tra để phòng ngừa, cảnh báo, phát hiện, giải quyết sai phạm từ sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Có ý kiến đề xuất, cần chú ý các lĩnh vực chuyên sâu, hoạt động khép kín, bí mật, bởi đây là những lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực cao, mà vụ án liên quan đến Vũ Nhôm là một thí dụ điển hình.
Điều căn bản là phải tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo hành lang chính trị, pháp lý để mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên đều tuân thủ theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để không thể tham nhũng, tiêu cực, không dám tham nhũng.
Vấn đề khác căn bản, cốt lõi, lâu dài là giáo dục liêm chính cho cán bộ, đảng viên và nhân dân để hình thành cho được ý thức, cao hơn là văn hóa "tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực", "trọng danh dự, liêm sỉ” như nghị quyết của Đảng đã yêu cầu và Tổng bí thư đã nhiều lần nhắc nhở "danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất". Tổng bí thư cũng chỉ rõ cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Tổng bí thư nhấn mạnh, cần phải kiểm soát cho được việc thực hiện quyền lực nhà nước, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Đây là vấn đề cốt lõi, vì vậy xây dựng cho được cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước là yêu cầu hết sức quan trọng.
Kết luận Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày 30-6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược, được cán bộ, người dân đánh giá cao, dư luận quốc tế ghi nhận. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá hiện nay tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những "kẻ thù hung ác", nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, chế độ.
Tổng bí thư đánh giá tham nhũng hiện nay đã từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, và không phải như một số ý kiến cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm "nhụt chí”, "chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm, làm "chậm" sự phát triển đất nước mà hoàn toàn ngược lại. Chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại, củng cố niềm tin của nhân dân. Đồng thời, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh".
Tổng bí thư khẳng định, việc đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, xây dựng, làm trong sạch Đảng, bộ máy nhà nước chỉ làm "chùn bước" những ai có động cơ không trong sáng, đã trót "nhúng chàm" và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, kiến thức, kinh nghiệm.
"Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây", Tổng bí thư nhấn mạnh.