Cần sớm sửa luật để có chế tài mạnh đối với việc chậm đóng, trốn đóng BHXH

Thứ Ba, 06/06/2023 09:43

|

(CAO) Trả lời tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng cần sửa Luật BHXH, trong đó sẽ quy định rõ khái niệm, phạm vi hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, áp dụng một số chế tài mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả hơn đối với hành vi này như thông lệ quốc tế.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 6/6, Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn các thành viên Chính phủ.

Khai mạc phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, với phương châm tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan triển khai rất sớm công tác chuẩn bị để việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn.

Quốc hội bắt đầu chất vấn các thành viên Chính phủ

Trên cơ sở thống kê đầy đủ các thông tin về việc trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, Trưởng ngành và nội dung các nhóm vấn đề đã chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; căn cứ đề xuất của các Đoàn đại biểu Quốc hội và ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, UBTVQH đã lựa chọn, trình 5 nhóm vấn đề để Quốc hội quyết định 4 nhóm vấn đề sẽ tổ chức chất vấn tại Kỳ họp này.

“Đây là những vấn đề lớn, quan trọng, không chỉ cần thiết, cấp bách trước mắt, mà còn có ý nghĩa chiến lược, lâu dài” – Chủ tịch Quốc hội đánh giá.

Theo Chủ tịch Quốc hội, chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn là hình thức giám sát đặc biệt hiệu quả, thể hiện đậm nét tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội. Đây cũng là dịp để cử tri và Nhân dân cả nước đánh giá năng lực, trách nhiệm, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và những người giữ chức vụ, chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến dự phiên chất vấn của Quốc hội

Vì thế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần “Tận tâm - Tận lực - Tích cực - Tâm huyết - Trách nhiệm” trong hoạt động chất vấn; đề nghị các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Quốc hội, trước cử tri và Nhân dân cả nước, giải trình rõ ràng về nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục, để phiên chất vấn thực sự hiệu quả, thực chất, có chiều sâu, mang tính xây dựng cao; không chỉ góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề thời sự, cấp bách, mà còn nhận diện và đề xuất giải pháp cho những vấn đề căn cơ, lâu dài, tạo chuyển biến thực chất trong từng lĩnh vực được chất vấn.

Đăng đàn đầu tiên trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến tình trạng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần; chậm, trốn đóng BHXH, vấn đề được dư luận quan tâm thời gian gần đây. Phản ánh thực tế này tới Bộ trưởng, đại biểu Ma Thị Thuý (Tuyên Quang) đề nghị Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

Hồi âm đại biểu, Tư lệnh ngành LĐ-TB-XH cho hay, đến hết năm 2022, khối lượng chậm đóng, trốn đóng tăng 2,69% so với mức của năm 2021, có 26.670 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Đại biểu Ma Thị Thuý (Tuyên Quang) chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

“Bộ đã điều chỉnh, thực hiện các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng. Đến nay, các đối tượng tham gia bảo hiểm bị ảnh hưởng về chế độ, chính sách đã được giải quyết một cách căn bản” – ông Dung khẳng định.

Nhìn nhận nguyên nhân, Bộ trưởng Dung cho rằng, thời gian qua, các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, cơ quan quản lý bảo hiểm chưa quản lý hết đối tượng, quản lý, sử dụng thiếu hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt.

“Bộ đã triển khai các biện pháp cụ thể, thực hiện nguyên tắc người lao động thu đến đâu thì thực hiện chính sách tới đó” - Bộ trưởng nói.

Còn về lâu dài, theo Bộ trưởng, cần sửa Luật BHXH, trong đó sẽ quy định rõ khái niệm, phạm vi hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, áp dụng một số chế tài mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả hơn đối với hành vi này như thông lệ quốc tế.

Đề cập đến việc BHXH thu sai đối tượng với tỷ lệ không nhỏ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, việc thu sai này đã diễn ra từ năm 2003 đến năm 2016. “Bộ đã chấn chỉnh BHXH, về cơ bản, vấn đề này đã được giải quyết” - Bộ trưởng thông tin.

 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn 

Nhắc lại đây là nội dung chưa được quy định trong Luật BHXH, Bộ trưởng nói, cần đánh giá rất cụ thể. Về quan điểm cá nhân, Bộ trưởng Dung khẳng định cần đặt lợi ích của người lao động, của chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu.

“Cơ quan công quyền làm sai thì phải xin lỗi và xử lý theo quy định” – ông Dung nêu rõ, đồng thời cho biết Bộ đang đề xuất chuyển toàn bộ số hộ kinh doanh này sang bảo hiểm bắt buộc, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Với trường hợp không có nhu cầu có thể chuyển sang bảo hiểm tự nguyện. Trường hợp cả người lao động lẫn cơ quan đều không đồng ý thì cần thoái thu, tính lãi bằng tăng trưởng của Quỹ bảo hiểm.

Nhận định dịch COVID-19 lan rộng khiến tình trạng lao động mất việc làm và rút bảo hiểm xã hội một lần ảnh hưởng rất nhiều đến an sinh xã hội. Đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) đặt vấn đề với Bộ trưởng Dung về việc thành lập một quỹ nhằm giúp người lao động ổn định cuộc sống.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng thừa nhận tình trạng rút BHXH một lần gia tăng, diễn biến căng thẳng bắt đầu từ năm 2022.

Về gợi ý thành lập quỹ hỗ trợ người lao động của đại biểu, Bộ trưởng Dung cho rằng đây chỉ là một giải pháp. Còn việc để ngăn chặn tình trạng rút BHXH một lần, theo Bộ trưởng, cần rất nhiều giải pháp đồng bộ, cơ bản nhất là đảm bảo công ăn việc làm, đời sống của người lao động.

Việc lập quỹ, nếu có, Bộ trưởng nói, với quy mô tác động lớn như này phải nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động một cách thấu đáo...

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH diễn ra trong sáng nay với 3 nhóm nội dung chính, bao gồm giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.

Thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay; Giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực BHXH; công tác quản lý Quỹ BHXH; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút BHXH một lần có xu hướng gia tăng… cũng là những vấn đề được đặt ra với ông Dung.

“Chia lửa” với Bộ trưởng Dung là Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Y tế, Tư pháp; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.

Bình luận (0)

Lên đầu trang