Gần 147.000 tỷ đồng làm 729 km đường cao tốc
Là một trong những nội dung dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường tới đây, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sáng nay (10/12).
Thay mặt Chính phủ báo cáo Thường vụ Quốc hội về dự án này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ đầu tư 729 km trên các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể
Theo quy hoạch, ông Thể thông tin, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn quy mô 8 - 10 làn xe, đoạn Cần Thơ - Cà Mau quy mô 4 làn xe.
“Trên cơ sở kết quả dự báo nhu cầu vận tải, đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương án để bảo đảm hiệu quả đầu tư, khả năng cân đối nguồn vốn, Chính phủ kiến nghị đầu tư phân kỳ mặt cắt ngang quy mô 4 làn xe, các yếu tố hình học, kỹ thuật khác đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với tốc độ thiết kế 100 -120 km/h” – ông Thể nói.
Việc GPMB, theo Bộ trưởng GTVT, thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch được duyệt (tương tự quy mô phân kỳ phần lớn các dự án thành phần giai đoạn 2017 - 2020).
Quy mô phân kỳ phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc và hướng dẫn thiết kế, tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ đầu tư đường cao tốc; bảo đảm an toàn giao thông, có thể khai thác với vận tốc 90 - 100 km/h; phù hợp với giải pháp mở rộng theo quy mô quy hoạch trong giai đoạn sau.
Dự án được đầu tư theo phương thức PPP. Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai các dự án trong thời gian qua, đặc biệt là quá trình triển khai các dự án thành phần cao tốc giai đoạn 2017 - 2020 cho thấy việc đầu tư dự án theo phương thức PPP rất khó bảo đảm thành công.
“Giai đoạn 2017 - 2020, Quốc hội đã chấp thuận chủ trương đầu tư 8/11 dự án thành phần theo phương thức PPP; quá trình triển khai đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất chuyển đổi 5/8 dự án thành phần từ phương thức PPP sang đầu tư công” – ông Thể phản ánh.
Đối với 3 dự án thành phần còn lại, Bộ trưởng GTVT cho hay, nhà đầu tư đã ký kết Hợp đồng với Bộ GTVT và bắt đầu triển khai thi công. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 1 dự án ký kết được họp đồng tín dụng, 2 dự án đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm vẫn đang đàm phán với ngân hàng.
Trong khi đó, các dự án đầu tư công, sau 4 năm triển khai, đến nay đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn đã cơ bản hoàn thành (dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2021, đầu năm 2022. Riêng dự án cầu Mỹ Thuận 2 do tính chất kỹ thuật phức tạp nên sẽ hoàn thành năm 2023.
Đối với 5 dự án chuyển đổi sang đầu tư công theo các Nghị quyết số 117/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 1213/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ hoàn thành năm 2022 và 2023 theo đúng kế hoạch.
Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh
Để khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tạo đà phục hồi và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, theo ông Thể, Chính phủ đã xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, trong đó xác định việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, nhằm kích thích tổng cầu, tạo việc làm, tiêu thụ hàng hóa, tạo động lực, sức lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Với vai trò là trục xương sống, dự án đặc biệt quan trọng của đất nước, để bảo đảm triển khai thành công và sớm hoàn thành Dự án này theo Kết luận số 18- KL/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ kiến nghị triển khai Dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước.
Đề cập đến tiến độ và thời gian thực hiện, Bộ trưởng Thể cho biết năm 2021 chuẩn bị dự án. Việc giải phóng mặt bằng, tái định cư được tiến hành trong năm 2022 – 2023.
Cũng trong năm 2023 sẽ khởi công dự án, áp dụng các công nghệ mới, giải pháp kỹ thuật tiên tiến để đáp ứng yêu cầu cơ bản hoàn thành năm 2025.
Thông tin về tổng mức đầu tư sơ độ giai đoạn phân kỳ, ông Thể nêu con số khoảng 146.990 tỷ đồng. Trong số này, giai đoạn 2021 - 2025 bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng (chiếm 81,4%); giai đoạn 2026 - 2030 bố trí phần còn lại, khoảng 27.324 tỷ đồng (chiếm 18,6%).
Xử lý dứt điểm các tồn tại
Nêu quan điểm của thường trực Uỷ ban Kinh tế khi thẩm tra dự án, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh góp ý về quy mô đầu tư dự án.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, việc đầu tư theo quy mô này chưa phù hợp theo tiêu chuẩn Việt Nam về đường ôtô cao tốc. Với yêu cầu tốc độ thiết kế 80 - 120 km/h của 4 làn xe, theo ông Thanh, yêu cầu mặt đường phải là 24,75m (bao gồm 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp).
Hơn nữa, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nhìn nhận, việc đầu tư theo quy mô mặt đường 17m đến nay vẫn chưa được đánh giá, tổng kết. Đa số các tuyến đường cao tốc hiện hữu đều có 2 làn dừng xe khẩn cấp và đạt tốc độ khai thác từ 100km/h trở lên.
Liên quan đến phương án GPMB, tái định cư, dẫn lại thực tiễn triển khai Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh lưu ý tiến độ GPMB phụ thuộc vào sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền địa phương.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
“Đề nghị trong quá trình triển khai các bước tiếp theo Chính phủ khẩn trương tổng kết kinh nghiệm giai đoạn trước và có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt và có chế tài gắn trách nhiệm đối với các cấp địa phương để bảo đảm được tiến độ GPMB” – ông Thanh nêu.
Về quy mô đầu tư, cơ quan thẩm tra lưu ý, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, trong đó đã phân bổ vốn cho rất nhiều các dự án giao thông đường bộ sẽ được đầu tư theo phương thức PPP, trong đó có dự án này.
Do đó, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn vốn ngoài nhà nước cho các dự án giao thông PPP đã được Quốc hội phân bổ vốn theo kế hoạch. Đồng thời, cần khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế của các dự án giao thông BOT thời gian qua.
Phát biểu vào cuối phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu tối đa các ý kiến thẩm tra, các ý kiến tại phiên thảo luận.
“Đây là dự án trọng điểm, dự kiến nằm trong gói kích thích kinh tế nên phải lãnh đạo, chỉ dạo quyết liệt trên cơ sở nền tảng quy định hiện hành để tổ chức thực hiện cho tốt” – ông Huệ nói, đồng thời đề nghị tập trung ngay vào GPMB.
Lưu ý về kế hoạch đấu thầu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng giai đoạn 1 đã mất nhiều thời gian. “Ban đầu công bố đấu thầu quốc tế, xong hồi kết lại cho rằng rủi ro nên trình lại đấu thầu trong nước. Lúc đầu 8 gói PPP và 3 gói đầu tư công, nhưng sau đó 3 gói PPP và 8 gói đầu tư công” – ông Huệ phản ánh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, vì những việc trên kéo dài mà dự án chậm mất gần 4 năm. “Ta cứ nói chậm, vướng pháp luật nhưng không hẳn như vậy. Vướng gì trong Luật đầu tư công đã sửa, Luật PPP đã sửa, nhưng thay đổi đấu thầu, đầu tư mất 3-4 năm, nên đừng để giai đoạn 2 rơi vào trình trạng như vậy” – Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở.