Chặn đứng các "chuyên gia dỏm" nhập cảnh không đúng đối tượng

Thứ Ba, 18/05/2021 19:30

|

(CATP) Lợi dụng chủ trương của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã lập danh sách xin phê duyệt hồ sơ đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh (XNC) duyệt, cấp thị thực nhập cảnh cho nhiều trường hợp không đúng đối tượng.

Lợi dụng chủ trương của Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người nước ngoài (NNN) là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp được nhập cảnh,… Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã lập danh sách xin phê duyệt và làm rõ hồ sơ đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh (XNC) duyệt, cấp thị thực nhập cảnh cho nhiều trường hợp không đúng đối tượng, không làm việc cho doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, không làm việc cho doanh nghiệp bảo lãnh… Thậm chí có công ty bảo lãnh không có trụ sở và hoạt động thực tế.

Hành vi trên không chỉ vi phạm phạm các quy định của pháp luật, trái với tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 mà còn tiềm ẩn nguy cơ làm lây lan dịch bệnh.

Vạch trần thủ đoạn tinh vi của các đối tượng phạm tội

Ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Thủ tướng Chính phủ, Đại tá Đặng Tuấn Việt, Trưởng phòng Quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú người nước ngoài (Phòng 4), Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an đã chủ động nắm tình hình; khẩn trương tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ, Ban Chỉ đạo quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về chính sách giải quyết cho NNN nhập cảnh trong từng thời điểm theo diễn biến của dịch bênh; đồng thời tạo điều kiện giải quyết cho NNN là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp, công chức thực hiện công vụ…

Một ngày làm việc của cán bộ Phòng 4

Từ công tác thực tiễn, Đại tá Đặng Tuấn Việt và các cán bộ Phòng 4 đã phát hiện nhiều thủ đoạn tinh vi của một số đối tượng tại một số tỉnh, thành phố lợi dụng pháp nhân doanh nghiệp, lập doanh nghiệp “ma” để làm thủ tục mời, bảo lãnh cho người nước ngoài vào làm việc nhằm thu lời bất chính.

“3 người Hàn Quốc gồm ông Lee K.Y (sinh 1968); ông Lee B.G (sinh 1973) và ông Seo Y.J (sinh 1973,) tự nhận là nhân viên của Tổng Lãnh Sự quán Hàn Quốc tại TP Đà Nẵng đến Cục nộp hồ sơ đề nghị nhập cảnh cho khoảng 60 “chuyên gia” Hàn Quốc theo bảo lãnh của trên 40 doanh nghiệp khác nhau ở nhiều tỉnh, thành (chủ yếu ở các thành phố lớn như Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Nam,...).

Lee K.Y và Seo Y.J lấy danh nghĩa của “Hiệp hội người Hàn Quốc” thu, gom hồ sơ, liên hệ các cơ quan chức năng để hoàn thiện thủ tục xin cấp giấy tờ chấp thuận nhập cảnh và phương án cách ly của Sở Y tế để hoàn tất hồ sơ đề nghị nhập cảnh cho “chuyên gia” Hàn Quốc, không phải chức năng, hoạt động của các công ty đang bảo lãnh cho các đương sự, là có dấu hiệu vi phạm” – Đại tá Đặng Tuấn Việt trao đổi với anh em.

Từ đó, cán bộ Phòng 4 đã bắt tay vào quá trình xác minh. Những thông tin thu thập được đã cho thấy nhận định của họ là hoàn toàn chính xác. Quá trình làm việc, ông Lee K.Y cho biết là Giám đốc của Cty E.YE.LUX (tại Đà Nẵng) đồng thời là Phó chủ tịch “Hiệp hội người Hàn tại Đà Nẵng” (hoạt động tự phát, chưa có giấy phép hoạt động).

Ông Lee K.Y lợi dụng mối quan hệ tại Đà Nẵng và danh nghĩa của “Hiệp hội người Hàn Quốc” để hỗ trợ các công ty nhận được chấp thuận nhập cảnh và phương án cách ly của Sở Y tế để hoàn tất hồ sơ đề nghị nhập cảnh cho “chuyên gia” Hàn Quốc, (thu 40 triệu đồng/1 khách bao gồm vé máy bay, chi phí cách ly, kiểm tra y tế) và đã hoàn tất thủ tục cho hơn 50 người Hàn Quốc. Các hồ sơ được nhận qua mạng, không rõ về các công ty và người Hàn Quốc được bảo lãnh.

Ông Seo Y.J cho biết là nhà đầu tư và làm Giám đốc của Cty H IN H (tại Đà Nẵng, đã 5 lần thay đổi Giấy ĐKKD và tên), kinh doanh trong lĩnh vực du lịch. Do tình hình dịch bệnh COVID - 19 diễn ra, Cty H IN H tạm dừng hoạt động, ông Seo Y.J tham gia “Hiệp hội người Hàn tại Đà Nẵng”, hỗ trợ hướng dẫn và kiểm tra hồ sơ nhập cảnh cho người Hàn Quốc.

Quá trình thu thập tài liệu, Phòng 4 còn xác định “Hiệp hội người Hàn tại Đà Nẵng” là tổ chức tự phát, không được cơ quan chức năng cho thành lập. Từ các căn cứ thu thập được, Phòng 4 đã đề xuất Cục xử phạt đối với ông Lee K.Y và ông Seo Y.J; thu, hủy giấy tờ cấp; trao đổi các cơ quan chức năng trong ngành Công an phối hợp quản lý nắm tình hình hoạt động của nhóm này. Hiện Công an TP Đà Nẵng đã làm rõ, khởi tố vụ án liên quan 14 NNN. Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý XNC thì từ ngày 1-1 đến nay, đã có hơn 46 nghìn người NNN nhập cảnh vào Việt Nam theo diện chuyên gia, cùng thân nhân…

Những doanh nghiệp “ma”

Từ thực trạng nêu trên, Phòng 4 đã tăng cường nắm tình hình, quản lý cư trú của NNN. Qua đó, phát hiện nhiều doanh nghiệp vi phạm. Đơn vị đã phát hiện, báo cáo chuyển cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội và Công an tỉnh Bắc Ninh điều tra, xử lý các đối tượng lợi dụng danh nghĩa pháp nhân của 21 doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh gồm Bắc Ninh, Bắc Giang và TP Hà Nội để xin chủ trương của UBND tỉnh, thành phố, làm hồ sơ xét duyệt nhân sự nhập cảnh cho hàng trăm NNN.

Số này, sau khi nhập cảnh đã không làm việc cho doanh nghiệp bảo lãnh mà đến các doanh nghiệp khác tại Hải Dương, Hải Phòng, Bình Dương, Hoà Bình, Hưng Yên…, để làm việc hoặc thu, mua nông sản, thủ sản tự phát, thăm thân hoặc giải quyết các mục đích khác.

Kểt quả ban đầu, ngày 21-1, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép”; khởi tố bị can đối với 7 đối tượng và áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam đối với 3 đối tượng.

Cán bộ Phòng 4 xử lý đối với các trường hợp NNN nhập cảnh trái phép

Gần đây nhất, Phòng 4 đã phát hiện 28 doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương có dấu hiệu làm già giấy tờ xin cấp giấy phép lao động cho khoảng 400 trường hợp để hợp thức hoá thủ tục cư trú cho NNN tại Việt Nam. Từ đó, đã có có công văn trao đổi với Công an tỉnh Bình Dương kiểm tra, xác minh và hiện đang phối hợp với Công an các địa phương kiểm tra, xác minh mở rộng.

Cục Quản lý XNC đã phối hợp Công an địa phương rà soát, kiểm tra, phát hiện và xử lý các doanh nghiệp tại địa bàn vi phạm về bão lãnh NNN nhập cảnh Việt Nam không đúng mục đích tại Bắc Ninh là 18 doanh nghiệp, Bắc Giang là 6 doanh nghiệp…, xử phạt vi phạm hành chính hàng chục vụ việc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang