Chỉ định Luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người chưa thành niên

Thứ Ba, 13/12/2022 16:50

|

(CAO) 100% thành viên UBTVQH có mặt tại phiên họp sáng nay (13/12) tán thành thông qua Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, việc kịp thời sửa đổi toàn diện Pháp lệnh này đã góp phần thể chế hóa Nghị quyết 27 của Trung ương, xây dựng nền tư pháp ngày càng vững mạnh, chất lượng.

Trình dự thảo Pháp lệnh trước đó, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, ngày 20/1/2014, UBTVQH khóa XIII đã ban hành Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (Pháp lệnh số 09).

Phó Chánh án Toá án Nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày tờ trình

Pháp lệnh này có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong thực tiễn đời sống chính trị, pháp lý của đất nước, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, góp phần bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013 và thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người.

Tuy nhiên, sau hơn 8 năm triển khai thi hành, Pháp lệnh số 09 bộc lộ một số hạn chế và bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành Pháp lệnh.

So với Pháp lệnh hiện hành, ông Tiến cho biết, dự thảo Pháp lệnh bổ sung mới 2 điều (Điều 7 và Điều 44), sửa đổi, bổ sung 42/42 điều. Ngoài 3 biện pháp xử lý hành chính (đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc), dự thảo Pháp lệnh còn quy định biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính giáo dục dựa vào cộng đồng đối với người từ đủ 12 đến dưới 14 tuổi theo quy định tại Điều 140a của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Liên quan đến quy định chỉ định Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên (khoản 4, Điều 2 dự thảo Pháp lệnh), đa số ý kiến tán thành dự thảo Pháp lệnh và cho rằng, người chưa thành niên bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng mà không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án phải chỉ định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

“Mặc dù đây là vi phạm hành chính, nhưng người chưa thành niên bị hạn chế quyền tự do theo phán quyết của Tòa án và trình tự, thủ tục áp dụng tương tự như trong thủ tục tố tụng hình sự” – ông Tiến phản ánh. Trong khi đó, Luật Trợ giúp pháp lý cũng mới chỉ quy định đối tượng được trợ giúp pháp lý là trẻ em (dưới 16 tuổi) trong các lĩnh vực pháp luật mà không bao gồm người chưa thành niên từ 16 đến dưới 18 tuổi.

Do vậy, để bảo đảm quyền của người chưa thành niên bình đẳng; phù hợp với Pháp lệnh số 09 đã thi hành ổn định trong 8 năm qua; phù hợp với Điều 37 của Công ước Quốc tế quyền trẻ em, Pháp lệnh này cần tiếp tục kế thừa Pháp lệnh số 09, nội luật hóa Công ước Quốc tế quyền trẻ em…, ngoài việc bổ sung quy định chỉ định người thực hiện trợ giúp pháp lý thì cần giữ nguyên quy định chỉ định Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên là phù hợp, đúng với nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ý kiến của cơ quan thẩm tra

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thông tin, Uỷ ban cơ bản tán thành với Tòa án nhân dân tối cao và cho rằng, người chưa thành niên thuộc đối tượng yếu thế cần được pháp luật quan tâm, ưu tiên bảo vệ tại Tòa án.

Việc chỉ định luật sư trong trường hợp người chưa thành niên không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đã được Pháp lệnh 09 quy định và thi hành ổn định 8 năm qua không có vướng mắc. Nếu không quy định việc chỉ định luật sư thì quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể không được bảo vệ đầy đủ. Do đó, cần tiếp tục kế thừa quy định tại Pháp lệnh 09 về chỉ định Luật sư trong trường hợp người chưa thành niên không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Ủy ban Tư pháp cũng tán thành bổ sung một số quy định có tính chất thân thiện như: nguyên tắc giải quyết vụ việc đối với người chưa thành niên phải bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc phải bảo đảm yêu cầu, như phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên…

Thống nhất với tờ trình và báo cáo thẩm tra về chỉ định Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên (khoản 4, Điều 2) cũng như 6 vấn đề mới trong dự thảo Pháp lệnh này, song Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới lưu ý về thẩm quyền của Tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng (Điều 21 và Điều 36 trong dự thảo).

Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nêu ý kiến thảo luận

Đánh giá quy định các điều kiện mới là chặt chẽ, như lấy ý kiến đại diện của UBND cấp xã, ý kiến đại diện của Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan thành viên của Mặt trận và những người khác tham gia tại phiên tòa trước khi Tòa án quyết định giáo dục bằng biện pháp nào, nhưng ông Tới cho rằng cần có điều kiện cụ thể hơn để tránh phát sinh tiêu cực. Cụ thể, ông đề nghị Pháp lệnh quy định có ý kiến bằng văn bản, đặc biệt là đại diện của chính quyền, là nơi của đối tượng đó cư trú, vì ý kiến này có tính chất pháp lý.

Bình luận (0)

Lên đầu trang