Năm ngắn
Những người trải nghiệm đợt giãn cách vừa qua hẳn sẽ có được câu chuyện, để kể lại cho con cháu, về những ngày tháng đường phố hoàn toàn vắng lặng hoặc chỉ nghe tiếng còi của xe cứu thương, dù hàng triệu người vẫn ở quanh quẩn; suốt ngày người ta chỉ có thể đi tới lui trong nhà; lương thực, nhu yếu phẩm do bộ đội hoặc công an, dân phòng mua hộ; người lớn, con trẻ làm việc, học tập chỉ trong không gian ảo.
Thật ra, trong thời gian giãn cách, hoạt động kinh tế vẫn diễn ra theo cách mà xã hội, con người thích nghi với chủ trương dốc gần như tất cả nguồn lực quốc gia cho việc chống dịch. Bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân là trên hết; nhưng đã sống thì phải có cái ăn, cái mặc và phải hướng đến tương lai, nghĩa là vẫn phải làm việc để có thu nhập. Những mô hình “ba tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến”, “văn phòng số”,… được sử dụng trong các nỗ lực duy trì sức sống của cơ thể kinh tế trong thời gian chờ đợi làn sóng đại dịch lắng xuống.
Dẫu sao, không thể phủ nhận tình trạng chùn xuống rõ ràng của đời sống xã hội trong thời gian dịch bệnh hoành hành ở cao trào. Điều đó cũng có nghĩa là tiến trình phát triển đi lên của đất nước đã bị chậm lại so với dự kiến. Mặt khác, các nước trong khu vực và những nước đi trước trong chiến dịch tiêm chủng vaccine đã và đang từng bước khôi phục cuộc sống bình thường, đồng thời dần dần mở của biên giới để giao thương với bên ngoài. Nếu chúng ta không muốn trễ chuyến tàu đi đến viễn cảnh sánh vai với các cường quốc năm châu, thì phải tăng tốc mạnh để bước tới sau khi tình hình kiểm soát dịch bệnh được cải thiện.
Bởi vậy, có thể thấy sự hối hả, khẩn trương ở khắp nơi trong những tháng còn lại của năm, khi đường phố lại đông đúc, nhộn nhịp; đèn lại sáng rực về đêm; hình ảnh đô thị không bao giờ ngủ rất thân quen lại xuất hiện. Ở các doanh nghiệp, các ca sản xuất lại vận hành liên tục trong không khí sôi động. Trên các cung đường, xe cộ lại tấp nập ngày đêm. Các sân bay lớn bắt đầu đón các chuyến bay thương mại; các khu nghỉ dưỡng được mở cửa trở lại đón khách du lịch cả trong và ngoài nước.
Sống chung với virus
Bài toán phát triển kinh tế - xã hội hôm qua đã khó, hôm nay còn khó hơn, do đại dịch quái ác vẫn chưa kết thúc, thậm chí có dấu hiệu tồn tại dai dẳng, lâu dài, trở thành một trong những tham số quan trọng phải xử lý trong quá trình tìm kiếm lời giải thỏa đáng.
Thách thức là không thể coi thường: giảm bớt, thu hẹp quy mô sản xuất - kinh doanh trong không gian và trong thời gian thì sẽ mất thị phần; chậm chân mở cửa để giao thương với bên ngoài thì sẽ thiệt. Nhưng nếu giữ nguyên hoặc mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh và mở cửa biên giới mà nhà chức trách không kiểm soát chặt để phát hiện và ngăn chặn nguồn lây nhiễm, người dân không thận trọng trong giao tiếp xã hội để bảo vệ bản thân, người thân và cộng đồng, thì hậu quả xấu không thể lường.
Trước đây, với chủ trương “Zero Covid” thì các biện pháp quản trị công tỏ ra rất mạnh: mỗi phường, xã, thậm chí mỗi gia đình là một pháo đài - nội bất xuất, ngoại bất nhập; người dân ai ở đâu thì tuyệt đối ở yên đó; mỗi khi phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng, thì phải bóc tách ngay lập tức, đồng thời phải tầm soát quyết liệt, che chắn thật kỹ lưỡng để ngăn chặn lây lan. Kết quả tích cực của các biện pháp không thể phủ nhận, bằng chứng là đợt bùng phát dịch thứ tư đã lắng xuống; nhưng cái giá phải trả, đặc biệt là tổn thất về con người, của cải vật chất, cũng không nhỏ.
Bây giờ, một khi đã thừa nhận thực tại Covid còn lâu dài, thì phải chấp nhận sống chung và phải đổi cách tiếp cận, ứng xử vừa tinh tế, vừa hiệu quả. Một mặt, đã sống thì phải sống cho ra hồn, nghĩa là phải đi lại, giao tiếp chứ không thể ở đâu cứ ở yên đó được; mặt khác, dịch bệnh vẫn hiện hữu và do đó, phải được phòng chống một cách nghiêm túc, tích cực để hạn chế tác hại đến mức thấp nhất.
Với cách tiếp cận mới, đặc biệt trong điều kiện việc đi lại của người dân được thực hiện bình thường, thì phải xây dựng chính sách phòng chống dịch nhất quán trên phạm vi cả nước và bộ quy tắc ứng xử chung cho toàn xã hội. Các địa phương, gia đình được xác định là một thành phần sơ cấp của hệ thống phòng chống dịch của quốc gia, chứ không phải là những pháo đài biệt lập lạnh lùng bằng bê tông, dây kẽm gai.
Đi lại tự do trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chực chờ đe dọa, thì cần được bảo vệ để chống sự tấn công của dịch bệnh, cũng giống như người đi giữa các làn đạn cần được che chắn bằng áo giáp để được an toàn. Vaccine được cho là chiếc áo giáp phòng dịch tốt nhất. Chiến dịch “ngoại giao vaccine” đã phát huy hiệu quả to lớn trong việc thực hiện bao phủ tiêm chủng toàn dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng. Sắp tới, đất nước còn có thể và cần phải chủ động về nguồn cung vaccine khi các loại vaccine nội địa được phê duyệt để sản xuất đại trà.
Tuy nhiên, cũng như áo giáp, vaccine vẫn chịu thua nếu người dân không biết, không quan tâm đến việc tự bảo vệ mình. Ở điểm này thì có thể thấy sự chuyển biến tích cực của người dân, trong nhận thức và hành động, đặc biệt là cư dân các đô thị, nơi tập trung con người sống trên diện tích nhỏ hẹp. Sau một cuộc sát hạch mang ý nghĩa sinh tử kéo dài từ giữa năm đến gần cuối năm, con người sống chung với đại dịch trong tâm thế rất khác: không kể những trường hợp vô tư theo kiểu “điếc không sợ súng”, đa phần người dân hiểu rõ nguy cơ dịch bệnh lảng vảng quanh đây; nhưng thay vì kinh khiếp, sợ hãi, hoảng loạn, người dân bình tĩnh ứng phó một cách đĩnh đạc, có cơ sở khoa học, bài bản, bằng khẩu trang, nước diệt khuẩn, bằng việc giữ khoảng cách khi giao tiếp….
Sống thuận thiên tích cực
Có điều không thể phủ nhận từ cuộc chiến chống Covid-19, đó là sự nhỏ bé của con người so với thiên nhiên. Đúng là con người có những bước tiến đáng kể trong công cuộc chinh phục đỉnh cao tri thức; những thành tựu khoa học - kỹ thuật được ứng dụng vào thực tiễn làm thay đổi cuộc sống vật chất theo hướng ngày càng tiện nghi. Nhưng con người vẫn chỉ là một thành phần của thế giới và phải tuân theo các quy luật vận hành phổ quát của vũ trụ, của tạo hóa, nếu không muốn bị trừng phạt.
Bởi vậy, điều quan trọng là phải thay đổi nhận thức từ sự hoang tưởng về tầm vóc vĩ đại, tư thế chủ nhân của con người đối với giới tự nhiên, chuyển sang tâm thế người đi tìm hiểu về bản chất của thế giới, về vị trí của bản thân con người như là một thành phần của thế giới đó để có thái độ sống vừa thuận thiên, vừa tích cực tham gia vào tiến trình vận hành đi lên của vạn vật.
Viện sĩ, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM