Chính phủ đề xuất nâng số giờ làm thêm trong tháng lên 72 giờ

Thứ Năm, 10/03/2022 21:05

|

(CAO) Lo ngại mức tăng này cao, Thường trực Uỷ ban Xã hội đề nghị chỉ nên nâng mức trần thời gian làm thêm theo tháng lên 150%, tương ứng từ 40 giờ lên 60 giờ.

Trình UBTVQH dự thảo Nghị quyết trong phiên họp chiều 10-3, Chính phủ đề xuất nâng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ và tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ trong 1 năm mà không bị giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động.

Tiến hành thẩm tra, Thường trực Ủy ban Xã hội đồng tình với quan điểm của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết quy định về biện pháp hết sức đặc biệt này như là một giải pháp tình thế và chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn.

Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh trình bày quan điểm của cơ quan thẩm tra

Tuy nhiên, cơ quan của Quốc hội cho rằng, việc áp dụng mức trần 300 giờ cho tất cả các ngành, nghề, công việc là quá rộng.

Để bảo đảm sức khỏe, an toàn lao động cho người lao động, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị rà soát các nhóm người lao động và các ngành, nghề, công việc, trường hợp khác để quy định (theo hướng loại trừ) các đối tượng không áp dụng mức trần 300 giờ làm thêm trong năm.

Về nâng giới hạn về thời giờ làm thêm của người lao động trong tháng, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội cũng như các ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban cho rằng đề xuất nâng giới hạn về thời giờ làm thêm trong tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ là chưa có đầy đủ cơ sở khoa học.

“Việc tăng này là quá cao, tăng 180% so với quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019 và tăng 240% so với Bộ luật Lao động năm 2012 (quy định 30 giờ), tương ứng với 9 ngày làm việc bình thường” – thường trực Uỷ ban Xã hội lo ngại.

Nêu quan điểm của mình, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị chỉ nên nâng mức trần thời gian làm thêm theo tháng lên 150%, tương ứng từ 40 giờ lên 60 giờ, và chỉ áp dụng đối với đối tượng đã được quy định mức trần làm thêm trong năm là 300 giờ. Đồng thời, yêu cầu Chính phủ nghiên cứu, quy định về việc giới hạn số tháng liên tục được áp dụng mức trần tối đa (2 hoặc 3 tháng).

Thảo luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng cần ban hành Nghị quyết này càng sớm càng tốt, thực hiện theo hiệu lực Nghị quyết số 30/2021/QH15.

“Nếu cuối năm nay mà Chính phủ xin kéo dài hiệu lực của Nghị quyết số 30/2021/QH15 thì hiệu lực nghị quyết này sẽ kéo dài thêm tương ứng” – ông Định nói.

Theo ông Định, quy định nới trần làm thêm giờ phải đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh, giữ gìn sức khoẻ bảo đảm lâu dài cho người lao động và phải trả công xứng đáng cho thời gian làm việc thực tế của người lao động.

Cũng tán thành việc ban hành nghị quyết, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhìn nhận tăng lên 72 giờ là mức quá cao nhưng nhu cầu làm thêm giờ không rải đều trong năm mà chỉ có thời điểm khi phải đáp ứng đơn hàng.

Dù vậy, ông Tùng lưu ý, việc làm thêm giờ phải có sự thoả thuận và phải được sự đồng ý của người lao động cùng quy định tiền lương tương xứng.

Đề cập đến số giờ làm thêm trong năm, ông Tùng cho rằng phải tính đến một số ngành nghề để loại trừ, còn có nâng lên 400 giờ hay không thì cần cân nhắc vì 300 giờ là mở tương đối lớn rồi.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp thu, giải trình các ý kiến thảo luận tại phiên họp

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhận định nới trần làm thêm giờ là yêu cầu cấp thiết và rất khách quan. Ông Dung cho biết, thời điểm này tình hình thiếu lao động còn căng thẳng hơn trước Tết.

“Qua khảo sát 7 tỉnh có công nhân F0 rất nhiều, đơn hàng rất nhiều” – ông Dung thông tin và nói thêm: “Qua lấy ý kiến, tất cả các doanh nghiệp nước ngoài và nghiệp đoàn lớn đều có nhu cầu nới đến 400 giờ chứ không phải 300 giờ; người lao động cũng có thể làm việc đến 400 giờ, nên Chính phủ phải điều hoà quan hệ này”.

Bộ trưởng cũng cho biết, Luật hiện hành quy định làm thêm giờ tối đa không quá 4 tiếng 1 ngày thì 72 giờ chỉ là hơn nửa mức này. “Đây là mức đã tính toán rất kỹ” – ông Dung khẳng định.

Liên quan đến đề xuất mở cho tất cả các ngành nghề, ông Dung cho rằng mức 300 giờ không dừng ở các ngành nghề đặc biệt mà nhiều ngành như du lịch, nhà hàng, giao thông... cũng phải tăng nên cần quy định và có “van khoá” là phải thoả thuận với người lao động.

Bình luận (0)

Lên đầu trang