(CAO) Theo tính toán của Chính phủ, tiền cấp quyền cho giai đoạn từ ngày 1-7-2011 đến ngày 20-1-2014 đối với khai thác khoáng sản và từ ngày 1-1-2013 đến ngày 31-8-2017 đối với khai thác tài nguyên nước là khoảng 5.000 tỷ đồng.
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà vừa ký tờ trình đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.
Khoản tiền này, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, là chính sách lần đầu tiên được quy định trong Luật Khoáng sản năm 2010 và Luật Tài nguyên nước năm 2012 của Việt Nam. Bên cạnh thuế tài nguyên đã thu từ nhiều năm trước, đây là một khoản thu thêm nhằm yêu cầu tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước nâng cao trách nhiệm trong việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên.
Tuy nhiên, việc hồi tố truy thu đang gặp khó khăn do có sự chậm trễ trong việc ban hành Nghị định số 203/2013/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Nghị định 203, có hiệu lực từ ngày 20-1-2014 - chậm 2 năm 6 tháng kể từ ngày Luật Khoáng sản có hiệu lực thi hành) và Nghị định Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước có hiệu lực (Nghị định số 82 có hiệu lực từ ngày 1-9-2017 - chậm 4 năm 8 tháng kể từ ngày Luật tài nguyên nước có hiệu lực thi hành).
Diễn giải kỹ hơn, Bộ trưởng Hà thông tin, tại các hội nghị triển khai 2 Nghị định trên, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng việc ban hành chính sách mới liên quan đến thu thêm một khoản tiền đối với doanh nghiệp phải phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, vì ảnh hưởng đến các chỉ số hiệu quả kinh tế của dự án đầu tư đã được thực hiện trước đó.
Trong khi đó, giai đoạn trước năm 2015, kinh tế thế giới suy thoái, giá khoáng sản giảm từ 50-70%, dẫn tới nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản bị thua lỗ, tạm dừng khai thác, thậm chí phá sản nên việc truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thời gian đó gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo tính toán, sau khi các Nghị định có hiệu lực, tiền cấp quyền cho giai đoạn trước từ ngày 1-7-2011 đến ngày 20-1-2014 đối với khai thác khoáng sản và từ ngày 1-1-2013 đến ngày 31-8-2017 đối với khai thác tài nguyên nước là khoảng 5.000 tỷ đồng.
Đây mới chỉ là số tiền dự tính (chưa phải là khoản thu ngân sách đã được xác định) và khi chưa thu thì khoản này đã nằm trong thuế thu nhập doanh nghiệp, các khoản thuế khác (thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng...), các khoản phí đã được các doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước) thực hiện, đồng thời đã được hạch toán, trích, lập các loại quỹ.
Cũng theo Bộ trưởng Hà, ở các giai đoạn nêu trên, doanh nghiệp khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên nước đã quyết toán chi phí từng năm, đã nộp các khoản thuế, phí cho Nhà nước, trích quỹ theo quy định..., vì thế nếu hồi tố thì phải khấu trừ các khoản thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp.
Từ những khó khăn, vướng mắc đó, đồng thời để phản ánh đúng tình hình ngân sách Nhà nước, thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 3024/TB-TTKQH, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Việc thu các khoản tiền này, theo mong muốn của Chính phủ, sẽ được thực hiện từ ngày 1-1-2014 đối với tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và từ 1-9-2017 đối với tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.