Thiết lập cơ chế hợp tác riêng với Việt Nam
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội về việc thực hiện các Nghị quyết về hoạt động chất vấn, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh việc trao đổi, yêu cầu Facebook, Google hợp tác ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, trái với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ cũng yêu cầu Facebook, Google thiết lập đầu mối và cơ chế hợp tác dành riêng với Việt Nam để trao đổi về các vấn đề còn tồn tại, tập trung 3 nhóm vấn đề chính: vi phạm về nội dung (bao gồm cả quảng cáo), phát triển kinh tế và thuế.
Facebook đang ngày càng phổ biến và trở thành "không thể thiếu" đối với giới trẻ. Ảnh minh họa
Cùng với đó Chính phủ chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh về an ninh chính trị, kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu Facebook, Google tuân thủ nghiêm túc các quy định của Luật An ninh mạng như xử lý, ngăn chặn các nội dung, quảng cáo vi phạm pháp luật, mở Văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam.
Đến thời điểm hiện tại, theo Bộ TTTT, Google đã ngăn chặn hơn 8.192 video clip, gỡ nguyên 19 kênh có nội dung xấu độc trên mạng xã hội Youtube, gỡ 108/111 trò chơi vi phạm pháp luật Việt Nam trên kho ứng dụng Google Play.
Facebook gỡ bỏ 249/257 tài khoản giả mạo, 2.458 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, hơn 251 link bài viết có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam, gỡ bỏ 215 fanpage quảng cáo game cờ bạc. Apple gỡ bỏ 13/17 trò chơi điện tử vi phạm quy định pháp luật Việt Nam trên AppStore.
Để từng bước xử lý vấn đề phát tán thông tin sai sự thật (Fake News) trên nền tảng Facebook và Youtube, góp phần hạn chế tình trạng giả mạo fanpage của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án chặn các dòng tiền giao dịch vi phạm pháp luật giữa người dùng Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook.
Bộ TTTT đã đề nghị Facebook triển khai cấp nhanh xác thực (blue tick) cho các fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân có nguyện vọng, đồng thời yêu cầu Facebook chỉ được cho phép thành lập fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước khi có sự đồng ý của Bộ TTTT hoặc sự xác nhận của chính cơ quan, tổ chức đó.
Định danh: Không chỉ để hạn chế các hành vi xấu
Nêu vướng mắc trong quản lý, Bộ trưởng Bộ TTTT cho hay, việc đấu tranh với Facebook và Google để yêu cầu xử lý các fanpage, tài khoản, kênh, video của các tổ chức phản động, phần tử cơ hội... còn gặp nhiều khó khăn. Lý do là hai nhà cung cấp dịch vụ này đặt chính sách cộng đồng của doanh nghiệp trên các quy định của pháp luật Việt Nam khi xem xét, đánh giá nội dung vi phạm.
Trong nhiều trường hợp, Facebook và Google không chịu gỡ các bài viết, nội dung vì cho rằng không vi phạm chính sách cộng đồng của doanh nghiệp. Do đó, Bộ đang đề nghị Facebook phải triển khai định danh tài khoản người sử dụng tại Việt Nam, trước mắt áp dụng tại Hà Nội và TP.HCM.
Cũng theo yêu cầu của Bộ, chỉ các tài khoản định danh mới được cho phép phát sóng trực tiếp (livestream) và Facebook phải có chính sách tìm kiểm và gỡ ngay các quảng cáo chính trị phát tán tin giả khi có yêu cầu từ Chính phủ Việt Nam.
Với yêu cầu trên, vấn đề định danh tài khoản người dùng mạng xã hội đã được cơ quan quản lý nhà nước đặt ra. Việc định danh này, được hiểu nôm na là để xác định cá nhân hoặc tổ chức nào đó thực hiện giao dịch, hoạt động dựa trên các thông tin xác thực, có căn cứ để xác định cá nhân, tổ chức đó là có thật.
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam
Mục tiêu như vậy, theo Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên, là rất cần thiết và hoàn toàn có thể thực hiện được. Từ góc nhìn của ông Liên, thì việc được định danh, xác thực điện tử cũng là cách giúp bảo vệ người dùng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Hiệp hội Internet Việt Nam cũng nêu ra những vấn đề mà theo ông “cần tính toán kỹ”. Chẳng hạn như việc định danh đó có cần mang tính pháp lý hay không?
Nếu câu trả lời là có, thì sẽ căn cứ vào pháp lý Việt Nam hay pháp lý quốc tế? Nêu quan điểm cá nhân, ông Liên cho rằng giả sử là định danh mang tính pháp lý thì chỉ có thể mang tính pháp lý trong nước, bởi không thể điều chỉnh đối với các công dân nước ngoài dùng tiếng Việt.
Vẫn với giả thiết định danh mang tính pháp lý, ông Liên lưu ý phải làm rõ những loại thông tin gì thì được coi là đủ tính pháp lý. Và cơ sở nào để Facebook có thể tiếp cận được những thông tin đó.
“Trong trường hợp xảy ra sai sót trong việc cấp định danh (gian lận, định danh nhầm…) thì Facebook chịu trách nhiệm hay phía cơ quan quản lý Việt Nam chịu trách nhiệm? Rồi việc cập nhật thông tin, thay đổi thông tin hay có tranh chấp thì sao?” – ông Liên đặt vấn đề, đồng thời cho rằng nếu lường tính trước thì tính khả thi sẽ cao hơn.
Nhận định nếu để Faceboook đứng ra cấp định danh trên cơ sở pháp luật của Việt Nam là không hợp lý vì họ không phải DN Việt Nam, ông nêu quan điểm, việc này nên do phía Việt Nam thực hiện.
Trường hợp định danh không mang tính pháp lý thì dựa trên những thông tin mà nhà cung cấp dịch vụ thừa nhận là đủ độ tin cậy. Vậy thế nào là đủ độ tin cậy lại phụ thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ vì họ phải chịu trách nhiệm với khách hàng của mình. “Cái này không mang tính pháp lý nhưng nhiều khi hiệu quả hơn rất nhiều” – Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam nêu quan điểm.
Chốt lại, lãnh đạo Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam khẳng định, việc yêu cầu Facebook định danh là rất tốt vì qua đó có thể liên kết các hệ thống định danh với nhau và mọi hành vi của người dân khi đã được định danh đều được thừa nhận.
Vấn đề là phải tính toán được các yếu tố liên quan đến định danh (điều kiện để định danh, quy định pháp luật trong nước, sau đó là các cam kết quốc tế...) và đặc biệt là sự quyết tâm, quyết liệt trong triển khai, yêu cầu thực hiện.
“Tôi nghĩ đối với định danh thì cần có thêm quy định mang tính pháp lý, kể cả giả thiết định danh không mang tính pháp lý. Cơ bản là mục tiêu của mình đến đâu thôi. Mục tiêu là gì thì sẽ có phương pháp để thực hiện” – ông Liên nói.
Như thế, theo ông Liên, việc định danh tài khoản không chỉ là nhằm hạn chế hành vi xấu trên mạng xã hội mà còn mang lại nhiều yếu tố tích cực khác và “việc này trước sau gì cũng phải làm”.
Liên quan câu chuyện này, hiện Bộ TTTT cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định Quy định về định danh và xác thực điện tử. Nghị định này quy định về định danh điện tử và xác thực điện tử trong các giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước, bao gồm việc cung cấp, quản lý và sử dụng định danh điện tử, xác thực điện tử.
Tuy nhiên, đối tượng áp dụng mới chỉ là các cơ quan nhà nước, các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước. Đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia giao dịch điện tử, dự thảo “khuyến khích” tuân thủ các quy định tại Nghị định.
(CAO) Bộ Thông tin - Truyền thông (TTTT) đang đề nghị Facebook triển khai định danh tài khoản người sử dụng tại Việt Nam, trước mắt áp dụng tại Hà Nội, TP.HCM. Chỉ các tài khoản định danh mới được phép phát sóng trực tiếp (livetream).