KTNN vào cuộc làm rõ một số nội dung liên quan đến Khu ĐTM Thủ Thiêm

Thứ Ba, 08/10/2019 10:49  | Hải Triều

|

(CATP) Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết số 63/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm năm 2019.

Theo đó, đến ngày 30-9- 2019, đơn vị này đã thực hiện 209 cuộc kiểm toán, được tổ chức thành 227 đoàn kiểm toán; đã triển khai 214 đoàn kiểm toán, trong đó 147 đoàn kiểm toán đã kết thúc.

Cùng đến thời điểm trên, kết quả xử lý tài chính sơ bộ đối với các cuộc kiểm toán là 61.732 tỷ đồng (trong đó tăng thu 6.197 tỷ đồng, giảm chi 12.842 tỷ đồng). Qua kết quả kiểm toán, KTNN đã chuyển 2 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan cảnh sát điều tra (vụ việc xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam, Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hưng và một số tổ chức, cá nhân liên quan trong việc vay vốn, bảo lãnh vay vốn, sử dụng vốn vay trái quy định, được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam).

Đặc biệt, thực hiện Chương trình công tác năm 2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, KTNN đang tiến hành kiểm toán Dự án nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước và Dự án nhà máy Đạm Ninh Bình theo Kế hoạch kiểm toán năm 2019.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ trên cao. Ảnh: zing.vn

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, KTNN đã kiểm toán các nội dung theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận thanh tra công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm (Q2, TPHCM). Theo đó, KTNN đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng để phối hợp cung cấp thông tin xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức kiểm toán, đồng thời tránh sự chồng chéo, trùng lắp nội dung trong kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

Trước đó, tại kết luận thanh tra trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị giao KTNN thực hiện kiểm toán, xác định lại tổng mức đầu tư, giá trị quyền sử dụng đất (QSDĐ) theo giá thị trường và quy định của pháp luật, nhằm tránh thất thoát tiền của Nhà nước, khắc phục tình trạng mất cân đối vốn như hiện nay đối với các dự án BT đang thực hiện trong KĐTM Thủ Thiêm.

Trong quá trình kiểm toán, Thanh tra Chính phủ đề nghị xem xét, sử dụng các kết quả qua thanh tra đã phát hiện, như: khoản chênh lệch giảm giữa các quyết định phê duyệt giá trị QSDĐ để thanh toán cho dự án BT 4 tuyến đường chính thiếu căn cứ và chưa đúng quy định 3.901.705 triệu đồng; các khoản do phê duyệt tổng mức đầu tư của các dự án BT tăng sai khoảng 1.734.025,5 triệu đồng; loại khỏi chi phí quyết toán dự án 4 tuyến đường chính 25.422 triệu đồng là khoản chi phí không đủ điều kiện đưa vào dự án.

Ngoài ra, căn cứ nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết của Quốc hội, KTNN cho biết, đã tổ chức kiểm toán Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2011 - 2017; Chuyên đề việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011 - 2017 tại 63 tỉnh, thành; đã hoàn thành và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV (tháng 5-2019). Qua đó, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 1.368,8 tỷ đồng; kiến nghị xử lý, xem xét thu hồi đất đủ điều kiện 7.591.427m2; kiến nghị nghiên cứu sửa đổi các cơ chế quản lý đất đai.

Qua kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, thực hiện kiến nghị kiểm toán, KTNN cho biết, đến ngày 30-9-2019, số kiến nghị xử lý tài chính đã thực hiện của các đơn vị được kiểm toán (kiểm toán năm 2018 đối với niên độ ngân sách 2017) là 56.010 tỷ đồng (đạt 60,6% tổng số kiến nghị). Con số này cao hơn số kiến nghị xử lý tài chính đã thực hiện cùng kỳ năm trước (50.020 tỷ đồng, đạt 55,1% tổng số kiến nghị).

Cơ quan Kiểm toán còn cung cấp 41 bộ hồ sơ báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Thông qua Nghị quyết xây dựng chính sách đền bù cho người dân Thủ Thiêm
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang