(CAO) Làng biển xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên xưa nay vốn yên tĩnh, giờ ngày nào cũng xôn xao bởi 96 hộ gia đình nơi đây phải “gánh” gần 2 tỷ đồng nợ ngân hàng, trong khi số tiền họ thực vay chỉ bằng một nửa, thậm chỉ là 1/3 trong số đó.
Những ngày này, không khí ở thôn Mỹ Quang Bắc, xã An Chấn trở nên ảm đạm, đi đến đâu cũng bắt gặp ánh mắt hoang mang, tiếng thở dài nghe đến não lòng. Ông Lê Tấn Lực, bức xúc, thời điểm này, đáng lẽ người dân chúng tôi đã bắt đầu đi làm thuê, làm mướn ở các tỉnh phía Nam hoặc đi biển với chủ thuyền kiếm tiền.
Nhưng mấy tháng gần đây, người dân lại phải tụ tập đến nhà bà Nguyễn Thị Thu Hằng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã đòi nợ. Theo ông Lực, có cảnh tượng này là do họ quá tin tưởng vào kênh tín dụng trung gian.
Hàng chục hộ dân nghèo bức xúc bày tỏ với phóng viên
Khi người dân có nhu cầu vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuy An để làm ăn, người dân phải đăng ký qua các tổ tiết kiệm vay vốn do các hội, đoàn thể xã đảm nhận, và cụ thể ở đây là Hội Liên hiệp phụ nữ xã.
Tuy nhiên, các hộ gia đình muốn vay vốn đều phải cho 3 tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn của xã cùng Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã An Chấn lúc đó là bà Nguyễn Thị Thu Hằng vay cùng ít nhất một nửa số tiền vay thì mới được tạo điều kiện cho vay.
Lợi dụng tình làng nghĩa xóm, lợi dụng mối quan hệ bà con họ hàng, hàng chục hộ gia đình đã chấp nhận vay vốn bằng hình thức này. Nhiều hộ đã vay tiền theo cách này suốt từ năm 2013 đến nay.
“Như gia đình tôi làm đơn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua kênh tính dụng trung gian ở xã. Lúc này, họ làm khó dễ và họ nói muốn vay được thì phải cho họ vay lại 15 triệu đồng. Vì cần vốn làm ăn nên chúng tôi đành chấp nhận. Những ngày gần đây, ngân hàng gửi giấy báo đòi nợ chúng tôi mới hay chuyện”, ông Lực nói.
Những giọt nước mắt rơi lã chã, tiếng nấc nghẹn nơi cổ họng khi người dân kể lại sự việc khiến ai nấy đều mủi lòng. Bị nguyên Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã cùng 3 tổ trưởng tổ vay vốn là bà Nguyễn Thị Thanh Nhi, Nguyễn Thị Hoa và bà Nguyễn Thị Gái lừa vay ké khiến gia đình chị Phan Thị Tiệm lâm vào cảnh tan tác.
Chị Tiệm tâm sự: “Bà Nhi làm toàn bộ hồ sơ cho gia đình tôi, chúng tôi chỉ ký nhận tiền. Tuy nhiên, khi ngân hàng đưa vốn thì bà Nhi giữ lại 34 triệu đồng. Bà Nhi nói bên ngân hàng chỉ cho vay nhiêu đây. Nghĩ tình làng nghĩa xóm lâu nay nên tôi tin, ai ngờ khi ngân hàng gửi giấy báo đòi nợ, gia đình mới biết phần tiền gia đình vay nhiều số thực nhận và bà Nhi cũng không trả theo quy định, buộc gia đình tôi phải gánh nợ thay cho bà này”.
Nghĩ đến khoản nợ mình phải gánh người dân lại mếu máo, thút thít khóc vì đã bị lừa
Nạn nhân trong sự việc này chủ yếu là các hộ gia đình nghèo, cận nghèo thiếu vốn làm ăn nên được ngân hàng cho vay để tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Trong tiếng nấc nghẹn, chị Lê Thị Đông chua xót: “Nghĩ họ làm cán bộ nên chúng tôi tin tưởng làm theo chứ mình là dân, hiểu biết ít nên đâu biết gì đâu. Vậy mà có ai ngờ, họ đã lừa chúng tôi. Chúng tôi có đến UBND xã trình báo nhưng từ đó đến nay đã gần nửa năm chả thấy chính quyền nói năng gì hoặc có biện pháp nào giải quyết. Điều này khiến chúng tôi mất lòng tin”.
Cùng cảnh với chị Đông, bà Tiệm, ông Lực, hàng chục hộ dân khác cũng bị “chiêu lừa” của nguyên Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã và 3 tổ tiết kiệm vay vốn làm cho điêu đứng. Gần trăm hộ dân ở làng biển An Chấn đang lao đao, phải gồng gánh nợ của ngân hàng gần 2 tỷ đồng.
Người may mắn thì gia đình không xào xáo, nhưng cũng lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Có gia đình vì chuyện này mà ngày nào vợ chồng cũng cãi nhau hoặc chồng đánh vợ, con. Theo người dân, hiện họ phải gánh số tổng số nợ gần 2 tỷ đồng nợ ngân hàng thay cho nguyên Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cùng 3 tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn của xã. Đây là số hộ công khai còn mấy chục hộ cũng lâm cảnh này vì sợ gia đình xáo trộn nên không dám ra trình báo.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã khước từ không tiếp phóng viên và ra hành lang UBND xã đứng bấm điện thoại
Chị Nguyễn Thị Ẩn mếu máo, thút thít khóc: “Lâu nay, việc này vẫn diễn ra suốt thời gian dài không có vấn đề gì. Nay bỗng dưng ngân hàng gửi giấy báo đòi nợ, chúng tôi mới hoảng hốt”.
Đã nhiều tháng nay, chị Ẩn cùng hơn 90 người dân làng biển An Chấn túc trực trước nhà bà Nguyễn Thị Thu Hằng cùng 3 tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn trong nỗi bức xúc tột cùng. Song, bà Hằng vẫn không chịu trả tiền gốc và lãi ngân hàng mà ngược lại còn đe dọa và nói đầy thách thức “tao không trả thì tụi bay làm gì được tao. Tao đâu có gì đâu mà tao sợ”.
Có khi những người dân đến gặp thì bị họ đuổi ra khỏi nhà hoặc ném mũ bảo hiểm. “Đời làm thuê, làm mướn chỉ mong con cái học hành đàng hoàng rồi thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ của xứ biển. Giờ không những cải thiện cuộc sống mà còn phải gánh nợ từ ngân hàng. Có lẽ, bọn nhỏ lớn lên rồi lại theo người ta ra khơi đánh cá thuê kiếm sống qua ngày”, chị Ẩn buồn rầu nói.
Để làm rõ sự việc, phóng viên đến UBND xã An Chấn thì ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã khước từ không tiếp và nói: “UBND xã không cung cấp thông tin về vụ việc này cho báo chí theo chỉ đạo của ông Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An”.
Với cách làm việc thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi đây, không biết bao giờ sự việc mới được giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, nhiều khoản nợ của người dân đã đến hạn và họ buộc phải chạy đôn chạy đáo tìm trách trả nợ cho ngân hàng số tiền mà mình không thực vay.
Mong các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên sớm vào cuộc điều tra, làm rõ để đem lại cuộc sống bình yên cho người dân và xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm.