Thảo luận dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ:

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Trường hợp nào được nổ súng phải quy định rõ

Thứ Hai, 31/10/2016 20:22  | Trà My

|

(CAO) Chiều 31-10, trình bày tờ trình dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (VK,VLN,CCHT), Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: Sau hơn 4 năm tổ chức triển khai thi hành pháp lệnh, công tác quản lý nhà nước về VK,VLN,CCHT đã đạt được những kết quả quan trọng, do đó, đã nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng VK,VLN,CCHT.

Theo số liệu thống kê từ năm 2012 đến nay, Công an các đơn vị, địa phương đã trang bị 337.439 loại vũ khí, công cụ hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định; cấp 321.609 giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ sử dụng VK,VLN,CCHT; các cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra, bắt giữ 7.650 vụ, 6.116 đối tượng; truy tố 2.964 vụ, xét xử 1.920 vụ; xử phạt vi phạm hành chính 2.603 trường hợp; thu giữ 1.897 khẩu súng các loại, 22.264 kg thuốc nổ, 100.969 kíp nổ... Những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, sau hơn 4 năm tổ chức triển khai thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ những hạn chế, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trong tình hình mới. Nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, Chính phủ đã xây dựng Luật quản lý, sử dụng VK,VLN,CCHT, gồm 8 chương, 75 điều.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Thảo luận ở tổ về dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Hồng Diên, đoàn Thái Bình đề nghị cần bổ sung các loại vũ khí mới xuất hiện, các bộ phận của vũ khí, pháo nổ, pháo hoa vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Về đối tượng trang bị VK,CCHT, cần đưa ra tiêu chí cụ thể, nhất là đối với vũ khí thô sơ, do hiện nay trong thực tế, ngoài số yếu nhân được bảo vệ, những đối tượng do Trung ương quản lý, chủ chốt cấp tỉnh, cấp Bộ trở lên khi đi công tác cũng cần phải xem xét trang bị hoặc bảo vệ vì có thể vẫn xảy ra những trường hợp rủi ro không mong muốn.

Về quy định nổ súng (Điều 21), đa số ý kiến tán thành với dự án Luật, đó là nổ súng khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức, thực hiện nhiệm vụ độc lập, các trường hợp nổ súng sau khi đã cảnh báo và các trường hợp nổ súng không cần cảnh báo. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu các quy định về phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết trong Bộ luật hình sự để cụ thể hóa trong Điều luật này nhằm bảo đảm chặt chẽ hơn. Theo đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, TP Cần Thơ, về quy định này, cần rà soát với Luật Cảnh vệ để có sự thống nhất và cũng nên quy định những trường hợp không được nổ súng để ngăn cản hậu quả nghiêm trọng như nơi đông người, kho hóa chất dễ cháy…

Đại  biểu Nguyễn Thanh Xuân, TP Cần Thơ phát biểu

Đại biểu Xuân đề nghị nên sửa quy định không nổ súng khi biết đối tượng là “phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người già” thành “phụ nữ mang thai,…người cao tuổi”. “Các trường hợp không nổ súng khi không có nguy cơ đã đành, còn trường hợp nguy hiểm, bắt buộc nổ súng thì phải nổ súng để tự vệ, cũng không nên ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Công an hay Bộ Quốc phòng quy định cụ thể mà nên quy định cụ thể luôn. Theo ông, sau khi cảnh báo thì nổ súng luôn mới đảm bảo tự vệ”- ông Xuân dứt khoát. Đại biểu Lê Kim Toàn, Bình Định thì cho rằng không nổ súng vào phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người già là đúng vì mục đích nhân đạo, nhưng nếu có hành vi nguy hiểm thì vẫn phải nổ súng.

Ông Toàn lý giải: “Trong hình sự, nhân đạo với người này là không nhân đạo với người kia, nếu chọn giữa nhân đạo với xã hội hay nhân đạo với 1 người thì tôi chọn vế thứ nhất bởi phải triệt tiêu mối nguy hiểm cho xã hội”. Ông Toàn còn dẫn chứng như ở nước ngoài, khi cảnh sát yêu cầu 1 lái xe để hai tay lên vô lăng mà chỉ bỏ 1 tay, đã lập tức bị bắn chết vì nghi bị chống đối, rút súng ra bắn trả. “Luật pháp nước ngoài quy định cụ thể như thế và ta cũng cần cân nhắc!”- đại biểu Toàn gợi ý.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền, Thái Bình thì phân tích: về nổ súng không cần cảnh báo, trong dự án Luật, giữa việc nổ súng có cảnh báo hay không cần cảnh báo chỉ khác nhau mỗi từ “trực tiếp”, việc này sẽ rất khó cho cơ quan tố tụng khi xác định cần cảnh báo hay không. Tuy nhiên, theo đại biểu Xuyền, nếu yêu cầu quy định rõ hơn cũng rất khó cho cơ quan soạn thảo, vì vậy nên quy định cụ thể trong từng lĩnh vực, ví dụ ở khu vực biên giới hay trong lĩnh vực cảnh vệ thì trường hợp nào được nổ súng.

Về danh mục các loại VK,CCHT bị cấm, đại biểu Lê Kim Toàn, Bình Định lo ngại việc quy định cần phải phù hợp thực tiễn và mang tính khả thi. Đại biểu đất võ nêu ví dụ, tại Bình Định, việc sử dụng các loại côn, kiếm trong các võ đường là hết sức bình thường, đương nhiên; hay trong nhà có chừng vài món đồ gươm, giáo là đồ gia bảo mà bị cấm, bị pháp luật xử lý thì e không hợp lý.

Bình luận (0)

Lên đầu trang