Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV:

Tham nhũng lại nóng nghị trường

Thứ Sáu, 28/10/2016 20:07  | Ngọc Sơn

|

(CAO) Ngày 28-10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu, QH làm việc cả ngày tại hội trường về công tác năm của các ngành Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác phòng chống tham nhũng…

Ngay sau phần trình bày về các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng, nghị trường lại nóng với các vấn đề về tham nhũng

Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cho rằng: Tội phạm năm 2016 được kéo giảm tỷ lệ rất cao (giảm 2,79% về số vụ 6,1% số bị can so với năm 2015) tuy nhiên trong công tác đấu tranh phòng chống TP còn nhiều tồn lại, vi phạm PL tăng nhưng xử lý vi phạm PL lại giảm. Báo cáo nêu 12 lĩnh vực có vi phạm pháp luật, phức tạp đa dạng trong đó nổi cộm là môi trường, thực phẩm, trật tự giao thông, đất đai…

Đây là những vấn đề bức xúc đặt ra cho cuộc sống của người dân. Tình hình như vậy nhưng lực lượng CAND xử phạt giảm 7,39% số vụ, các cơ quan chức năng xử phạt giảm hơn 500.000 đối tượng, giảm số tiền phạt 65%…

Đại biểu Học cho rằng với tình hình, số liệu, báo cáo thế này cho thấy có sự thiếu quan tâm, thiếu sự phối hợp trong xử lý hành chính có thể dẫn tới bỏ lọt tội phạm, hoặc hành chính hóa luật hình sự trong đó có tội phạm tham nhũng. Thực tế mà nói, có nhiều vụ việc qua kết luận kiểm tra, thanh tra có dấu hiệu tội phạm tham nhũng nhưng nhiều cơ quan chức năng, nhiều cấp có thẩm quyền xử hành chính.  Trong công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện oan sai của các cơ quan truy tố xét xử, còn hạn chế. Có thể nói là con tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong công tác xét xử. Thực tiễn cho thấy có vụ án Chủ tịch nước yêu cầu, Ban nội chính trung ương, Ủy ban tư pháp yêu cầu các cơ quan chức năng phải xem xét kết luận có tham nhũng hay không nhưng thực tế là vụ án vẫn bị kéo dài và điều này cho thấy là có sự đùn đẩy.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng ông rất băn khoăn về đánh giá tình hình tham nhũng hiện nay. Chúng ta có đầy đủ thể chế, công tác cán bộ, tổ chức bộ máy rất mạnh mẽ, chặt chẽ, có điều kiện cơ sở vật chất, Đảng và Nhà nước rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

"Thế nhưng dường như tình trạng tham nhũng vẫn tiếp tục hồn nhiên nhảy múa trên lưỡi gươm pháp luật. Phải chăng có tình trạng tham nhũng chồng tham nhũng, cơ quan chống tham nhũng có khả năng lại bao che, bảo vệ cho tham nhũng. Vậy trách nhiệm của cơ quan phòng, chống tham nhũng thế nào, cần phải làm rõ" - ĐB Nhưỡng nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) trong báo cáo của Ủy ban Tư pháp còn nhiều văn bản pháp luật thiếu tính khoa học, sơ hở chồng chéo nhưng chậm được sửa đổi làm cản trở sự phát triển kinh tế, xã hội chưa loại bỏ được cơ chế xin cho và Ủy ban tư pháp cho rằng đó là nguyên nhân quan trọng làm nảy sinh tham nhũng…

Theo đại biểu Tâm đây là vấn đề hết sức căn cơ để chúng ta phòng chống tham nhũng chưa được như mong muốn, hiệu quả chưa cao chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân trong thời gian qua.

Theo bà Tâm, cơ chế xin cho chính là nguyên nhân quan trọng làm cho quản lý Nhà nước thiếu minh bạch thiếu công khai và đó chính là mảnh đất màu mỡ để trục lợi về chính sách hoặc trên cơ sở đó để làm khó người dân và doanh nghiệp. Bà Tâm cho rằng đây là vấn đề rất căn bản làm cho công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta trong thời gian vừa qua chưa đạt được hiệu quả.

Bà Tâm đặt vấn đề: Vì sao vấn đề nghiêm trọng này lại để xảy ra trong nhiều năm, trách nhiệm của Ủy ban tư pháp ở đâu? Chúng ta có đủ điều kiện, quyền hạn để giải quyết vấn đề này vậy tại sao vấn đề này vẫn kéo dài nhiều năm và đến bây giờ vẫn chưa được khắc phục?

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm vẫn chưa có cơ chế đủ rõ, đủ mạnh để mặt trận và các đoàn thể, nhân dân tham gia vào vấn đề phòng chống tham nhũng.

Đại biểu Tâm băn khoăn về việc Ủy ban tư pháp cho rằng: người dân, doanh nghiệp ngày càng có tư tưởng chịu đựng tham nhũng dẫn đến chấp nhận các chi phí không chính đáng, không chính thức trong việc giải quyết các công việc có liên quan đến chính quyền…

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm người dân trong một cái thế phải chịu đựng tham nhũng chứ không hề có tư tưởng chịu đựng tham nhũng…

Bình luận (0)

Lên đầu trang