(CAO) Chiều 25-10, Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến tiếp tục làm việc với Tổ giúp việc của Ban điều hành Đề án thành phố thông minh về một một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trao đổi với báo chí, ông Tuyến khẳng định nội trong năm nay, phải hoàn tất công tác khảo sát đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2025”, để đầu năm 2017 báo cáo ban điều hành đề án thông qua.
“Việc khảo sát thể hiện quyết tâm của thành phố không chờ có đề án rồi mới làm, mà bắt tay làm ngay. Kế hoạch sẽ có 4 tổ khảo sát các hoạt động của thành phố liên quan đến ứng dụng và ảnh hưởng của công nghệ thông tin và viễn thông (ICT) gắn với 7 chương trình đột phá của thành phố, cũng như các vấn đề nóng liên quan đến an sinh của người dân, môi trường kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Tuyến nói.
(CAO) Chiều 6-10-2016, lãnh đạo TP.HCM có buổi làm việc với Bộ Xây dựng liên quan tới tình hình quản lý nhà nước về qui hoạch và xây dựng trên địa bàn TP trong 9 tháng đầu năm 2016 và nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm.
Theo ông Tuyến, cụm từ “đô thị thông minh” dễ gây cho người ta cảm giác “xa vời” và tương phản với các hiện trạng mà thành phố đang gặp phải như ngập nước, ô nhiễm, giao thông, rác thải… Tuy nhiên, đây là xu hướng của thế giới để có thể giải quyết các vấn đề đó.
Ông Tuyến nhấn mạnh, các mục tiêu chính của đề án bao gồm, xây dựng một trung tâm dữ liệu dùng chung theo hướng mã nguồn mở. Để có thể giúp kết nối đồng bộ giữa các sở ngành trong công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công.
Ngoài ra, cơ sở dữ liệu chung ấy còn cho phép người dân, doanh nghiệp có thể chia sẻ, tham gia phản biện, đóng góp ý kiến về chính sách, thực thi dân chủ. Thứ hai, đề án hạn chế tối đa việc chi ngân sách để mua công nghệ từ nước ngoài. Ngân sách sẽ dành ưu tiên phát huy khả năng sáng tạo, đóng góp ý tưởng, giải pháp công nghệ, xây dựng phần mềm từ doanh nghiệp trẻ Việt Nam đối với các yêu cầu của đô thị thông minh.
“Đây là một cơ hội. Tôi tin người trẻ Việt Nam đủ sức làm, đủ sức tham gia đề án đô thị thông minh. Điều quan trọng là đề án phải tạo ra cơ chế, tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo môi trường tốt để sản phẩm, sáng chế của Việt Nam được phát huy chứ không còn gia công như hiện nay”, ông Tuyến đánh giá.
Cuối cùng, mục tiêu xa hơn nữa, khi đề án đô thị thông minh được triển khai với nền tảng công nghệ trong nước, sẽ giúp quảng bá sản phẩm ICT của Việt Nam ra toàn thế giới. Đặc biệt, tại những quốc gia cũng muốn xây dựng đô thị thông minh.