Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng… đã đến dự.
Tại lễ kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đinh Thế Huynh cho biết trước yêu cầu tăng cường việc chỉ đạo công tác nghiên cứu lý luận chính trị trong thời kỳ đất nước thực hiện đường lối đổi mới, ngày 30/10/1996, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 06-QĐ/TW thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương.
Qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, đóng góp nổi bật có ý nghĩa quan trọng hàng đầu của Hội đồng Lý luận Trung ương là trong lĩnh vực nghiên cứu lý luận và các chương trình khoa học do Hội đồng quản lý, tổ chức thực hiện, qua đó góp phần củng cố, phát triển, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Hội đồng đã tích cực đóng góp vào việc đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, góp phần làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm đổi mới.
Năm bài học rút ra qua tổng kết 20 năm hoạt động của Hội đồng được đồng chí Đinh Thế Huynh nêu bật là: Kiên định vững vàng về chính trị, không ngừng tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng tư vấn, nghiên cứu lý luận chính trị, phục vụ thiết thực, hiệu quả việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; bám sát thực tiễn, gắn kết chặt chẽ nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn đổi mới; xây dựng và phát huy môi trường dân chủ, sáng tạo trong nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn; đoàn kết, phát huy trí tuệ của đội ngũ nghiên cứu lý luận trong nước, chủ động, tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu lý luận; xây dựng bộ máy tinh gọn, chuyên tâm, chuyên nghiệp, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và lề lối làm việc.
Chúc mừng Hội đồng Lý luận Trung ương tròn tuổi 20, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, thời kỳ phát triển mới của đất nước đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ hơn nữa, nhất là đổi mới về kinh tế và đổi mới chính trị. Chính thực tiễn đổi mới đã đặt ra và hối thúc chúng ta phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tư duy lý luận, tư duy phát triển, nâng cao năng lực sáng tạo để phát triển. Đòi hỏi ấy càng khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác lý luận thúc đẩy thực tiễn phát triển.
Tổng Bí thư đề nghị Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, nội dung, phương thức hoạt động theo tinh thần kiên định và sáng tạo, nâng cao chất lượng nghiên cứu, đặc biệt là chất lượng tư vấn các vấn đề lý luận chính trị cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Hội đồng cần quán triệt sâu sắc đường hướng tổng quát đã được Đảng ta nêu lên và khẳng định tại Đại hội lần thứ XII, cần đi sâu nghiên cứu những giá trị nền tảng và bền vững của di sản kinh điển Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, chú trọng những giá trị mà chúng ta cần bảo vệ, phát triển và vận dụng sáng tạo trong đổi mới, trong kiến tạo mô hình và con đường phát triển bền vững, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, cần nghiên cứu sâu tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền với đạo đức, phương pháp và phong cách của Người để góp phần tạo ra sự chuyển biến thực sự trong Đảng, trong dân về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hội đồng Lý Luận Trung ương nghiên cứu về thời đại hiện nay, về thế giới đương đại; nghiên cứu, dự báo về các xu hướng lớn, những thay đổi chiến lược và chính sách của các nước lớn, phân tích những tác động, ảnh hưởng thuận và không thuận đối với sự phát triển của Việt Nam cả trước mắt lẫn lâu dài. Trên cơ sở đó, tư vấn cho lãnh đạo cấp cao về đường lối, chủ trương, chính sách và đối sách.
Hội đồng Lý luận Trung ương cần nghiên cứu những vấn đề lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về phát triển kinh tế tri thức trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; về gắn kinh tế với quốc phòng và an ninh, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và tăng cường quản lý phát triển xã hội, gắn chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển văn hóa và con người… để có cơ sở đổi mới chính sách phát triển ở những lĩnh vực trọng yếu này, bảo đảm để đất nước phát triển bền vững về mọi mặt.
Hội đồng nghiên cứu về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng; về sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực, thực hành dân chủ, đẩy mạnh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, góp phần thực hiện có kết quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.
Hội đồng cần nghiên cứu về các động lực của đổi mới và phát triển, các mối quan hệ lớn phản ánh quy luật của đổi mới và phát triển của nước ta đã được nêu trong các Văn kiện Đại hội XI và Đại hội XII, trong Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn 30 năm đổi mới.
Cùng với những nhiệm vụ trên, Hội đồng cần tập trung đi sâu nghiên cứu và tổng kết nhằm tiếp tục phát triển và hoàn thiện lý luận về đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội Việt Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu thù địch, sai trái, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng. Cần chú trọng đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận; đấu tranh không khoan nhượng bằng luận cứ khoa học sắc bén, giàu sức thuyết phục, bằng sức mạnh của niềm tin không thể lay chuyển vào chân lý, làm thất bại mọi mưu toan, hành động xuyên tạc, kích động, chống phá Đảng, chế độ và sự nghiệp đổi mới của nước ta.
* Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Huân chương Độc lập hạng Nhất - ghi nhận những đóng góp đặc biệt xuất sắc Hội đồng Lý luận Trung ương trong sự nghiệp xây dựng và và bảo vệ Tổ quốc. |