(CAO) Mở đầu phiên làm việc chiều 24-10, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Thượng toạ Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) cho rằng Luật tôn giáo có hiệu lực sẽ góp phần giải quyết nhiều hơn nữa quyền tự do tôn giáo cho mọi người, đặc biệt là cho những người có niềm tin tôn giáo tín ngưỡng.
Lần đầu tiên ghi nhận quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người nước ngoài được quy định đầy đủ hơn. Luật lần này đã coi trọng tính pháp lý của các sinh hoạt tôn giáo phổ biến như điều kiện sinh hoạt tôn giáo tập trung, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo.
Liên quan đến dự thảo luật lần này, nhiều ĐB cũng đồng tình và đánh giá Dự án Luật có nhiều cải tiến, khoa học. So với pháp lệnh về tín ngưỡng tôn giáo thì dự thảo luật lần này thể hiện đầy đủ hơn, cụ thể hơn những hành vi bị cấm và nếu vi phạm sẽ bị xử lý thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
Về vấn đề hội nhập quốc tế, tính phù hợp với quyền con người, quyền công dân và công ước quốc tế, các hiến chương, tuyên ngôn về vấn đề nhân quyền đã được đề cao. Ưu điểm của Luật là đây là đạo luật của người Việt Nam và người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam.
Tại Chương 2 gồm 4 điều 6 đến điều 9 đã thể hiện đầy đủ hơn quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Luật lần này còn quy định rõ cho những người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù, người đang chờ thi hành án tử hình, người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của mình.
Chương 3, 4 từ điều 10 - 20, dự thảo luật lần này đã điều chỉnh các thủ tục hành chính cho phù hợp hơn, nhiều nội dung đã được điều chỉnh từ đăng ký cấp phép sang thông báo. Từ những quy định này khi tổ chức thực hiện sẽ minh bạch trong quản lý tạo điều kiện tối đa cho các cá nhân, tổ chức tự do tín ngưỡng tôn giáo thể hiện sự tôn trọng của NN đối với các tổ chức tôn giáo.
Về cơ chế quản lý các hoạt động của các tổ chức tôn giáo tại Điều 3 quy định rõ: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
ĐB thượng toạ Thích Thanh Quyết
Về điều kiện công nhận các tổ chức tôn giáo: Hoạt động ổn định, liên tục từ đủ 5 năm trở lên kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo… được quy định cụ thể tại điều 21 của Luật.
Tại mục 2 Chương 6, từ điều 47 đến điều 53 cũng quy định rất rõ về hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài. Theo đó người nước ngoài về cơ bản có quyên hoạt động tôn giáo như người Việt Nam, được học tại các cơ sở tôn giáo Việt Nam, phong chức phong phẩm, suy tôn,… nếu đủ điều kiện theo quy định.
Cơ quan quản lý NN về tín ngưỡng tôn giáo là điểm mà nhiều ĐB cho rằng cần đóng góp xây dựng nhiều hơn nữa: một số ĐB cho rằng chưa có cơ quan nào thực hiện quản lý NN về tín ngưỡng. Tuy nhiên, nếu Luật được thông qua thì đây là tuyên ngôn của VN với thế giới về vấn đề nhân quyền.
Liên quan đến nguồn thu của các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo được quy định tại điều 15. Nhiều ĐB cho rằng thực tế hiện nay việc sử dụng nguồn thu từ việc tổ chức lễ hội, tín ngưỡng nhiều khi không sử dụng vào việc tổ chức lễ hội mà sử dụng vào việc khác dẫn tới mâu thuẫn giữa nhân dân nơi tổ chức với ban quản lý hoặc người đại diện các cơ sở tín ngưỡng thậm chí với cả chính quyền cơ sở cũng can thiệp vào vấn đề này.
Vì vậy, để quản lý và sử dụng nguồn thu từ việc tổ chức lễ hội đúng mục đích và hiệu quả, các ĐB đề nghị sửa đổi điều này thành nguồn thu từ việc tổ chức lễ hội chỉ sử dụng vào việc tổ chức lễ hội, tôn tạo cơ sở tín ngưỡng. Hơn nữa dự thảo Luật cũng không quy định và chế tài xử lý với những nguồn thu này