Cần triệt tiêu nạn ‘cò mồi’, xã hội đen khi đấu giá tài sản nhà nước

Thứ Hai, 24/10/2016 16:50

|

(CAO) Sáng 24-10, khi tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật đấu giá tài sản, một vấn đề được nhiều đại biểu băn khoăn, lo lắng là tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, cò mồi tại các các phiên đấu giá tài sản.

Thậm chí, có cả xã hội đen sử dụng vũ khí nóng chi phối làm ảnh hưởng đến công tác đấu giá thu hồi bất chính, vô hiệu hóa các quy định pháp luật Nhà nước gây hoang mang trong nhân dân.

Dùng cả vũ khí nóng ngăn chặn đấu giá

Theo Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, qua nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đấu giá tài sản, còn nhiều ý kiến khác nhau về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản (Chương III, Chương IV).

Về niêm yết việc đấu giá tài sản (Điều 34), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định thời gian niêm yết chậm nhất 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá; quy định thống nhất nội dung niêm yết; đề nghị công khai, minh bạch thông tin trong việc bán hồ sơ đấu giá.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang: “Cần triệt tiêu tình trạng cò mồi, xã hội đen trong các phiên đấu giá"

Có ý kiến đề nghị bỏ quy định niêm yết việc đấu giá tài sản tại nơi có bất động sản vì không phù hợp với thực tiễn, khó khả thi vì có một số bất cập trên thực tế như đối với tài sản là bất động sản có diện tích lớn, nằm ở khu vực dân cư thưa thớt hoặc vùng sâu vùng xa; đối với nhà ở là tài sản thi hành án thì người phải thi hành án thường không hợp tác, thậm chí có trường hợp dùng vũ lực đe dọa, ngăn cản không cho tổ chức đấu giá tài sản niêm yết.

Ông Thanh cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu theo hướng thời gian niêm yết đối với bất động sản ít nhất là 15 ngày, động sản ít nhất là 7 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá và quy định những nội dung, địa điểm phải niêm yết phù hợp với thực tiễn.

Về xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá, bồi thường thiệt hại (chương VI), một số ý kiến đề nghị phải có các quy định, chế tài chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, tránh gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến tính hợp pháp của tài sản đưa ra đấu giá, xử lý trách nhiệm những trường hợp tham gia đấu giá có hành vi vi phạm, người trúng đấu giá không nhận được tài sản.

Về vấn đề này, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) nêu một thực trạng: tình trạng thông đồng hay "quân xanh quân đỏ", "cò mồi", thậm chí có cả xã hội đen là tình trạng đang nhức nhối hiện nay trong quá trình quản lý đấu giá bán tài sản.

"Mặc dù không tham gia trực tiếp nhưng bằng mọi cách uy hiếp người tham gia đấu giá. Cá biệt như ở Nghệ An có những trường hợp sử dụng vũ khí nóng, chi phối làm ảnh hưởng đến công tác đấu giá thu hồi bất chính, vô hiệu hóa các quy định pháp luật Nhà nước gây hoang mang trong nhân dân” - Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang cho biết.

Do vậy, đại biểu Trang kỳ vọng những quy định mới mang tính đột phá của dự thảo hy vọng sẽ triệt tiêu nạn "cò", xã hội đen trong bán đấu giá tài sản. Bà Trang cũng đề nghị, chính quyền địa phương có biện pháp bảo vệ các phiên đấu giá tài sản để tránh tình trạng này.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan, an toàn, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang còn kiến nghị ngoài đấu giá viên, một phiên đấu giá có sự tham gia tích cực của nhiều đối tượng khác như thư ký, chuyên viên...

“Đây có thể là một nhóm người có khả năng vi phạm rất là lớn, song dự thảo luật chưa đề cập đến. Vì vậy tôi đề nghị bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, hành vi cấm” – bà Trang nói.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành

Về vấn đề này, khi báo cáo giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết sẽ chỉnh lý theo hướng quy định chặt chẽ hơn trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, tách bạch những vấn đề liên quan đến trước và sau khi tổ chức cuộc đấu giá như niêm yết việc đấu giá tài sản, đăng ký tham gia đấu giá, xác định giá khởi điểm, xử lý tiền đặt trước và chuyển quyền sở hữu tài sản...; bổ sung tại khoản 4 Điều 72 quy định hủy kết quả đấu giá tài sản theo quyết định của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp đấu giá tài sản thuộc sở hữu Nhà nước khi có căn cứ về hành vi vi phạm trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản.

Đồng thời, bổ sung các quy định tại Điều 8 về các hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan làm cơ sở áp dụng chế tài xử lý mạnh mẽ hơn đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá tài sản.

Xử lý nợ xấu: Vừa đá bóng, vừa thổi còi?

Một nội dung cũng nhận được nhiều ý kiến kiến thảo luận là việc đấu giá nợ xấu phải được tiến hành một cách độc lập, đồng thời cần quy định rõ về hình thức hành nghề của đấu giá viên tại tổ chức mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.

Nhiều đại biểu nhận định: Việc quy định một số nguyên tắc về đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo khoản nợ xấu được thể hiện theo trình tự thủ tục phù hợp với tình hình xử lý nợ xấu nhưng vẫn tuân thủ các nguyên tắc quy định của Luật đấu giá tài sản công khai, minh bạch và chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Quy định như vậy sẽ tạo hành lang pháp lý đủ mạnh góp phần xử lý nợ xấu, đảm bảo xử lý các khoản nợ xấu được nhanh chóng, hiệu quả và sớm lành mạnh hóa hoạt động hệ thống tổ chức tín dụng. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đoàn Lạng Sơn đề nghị, đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm, theo tôi chỉ quy định về nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Tuy nhiên, đảm bảo tính khách quan của vấn đề thì việc đấu giá không do Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam tự tiến hành mà phải được tiến hành một cách độc lập, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Các đại biểu khác cũng cho rằng: đấu giá viên cũng chịu trách nhiệm nếu có thiệt hại trong quá trình đấu giá. Để hoạt động đấu giá hiệu quả, các đại biểu kiến nghị nên xem xét mở rộng đối tượng được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá là những người có bằng cử nhân các ngành tài chính, ngân hàng; quy định cụ thể thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá; quy định chặt chẽ, rõ ràng các trường hợp thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá.

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đấu giá tài sản

Đại biểu Phạm Quang Dũng, đoàn Nam Định nêu ý kiến: về đào tạo hành nghề đấu giá hiện có thể học trên mạng, chứ không cần tập trung đến 6 tháng để học vì lãng phí nguồn lực, chỉ cần Bộ Tư pháp tổ chức sát hạch thật nghiêm túc là được.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cho rằng không nên quy định cứng mà thời gian, hình thức học thế nào phải đa dạng, phù hợp với từng đối tượng. Ông Cường cũng phàn nàn: tiêu chuẩn đấu giá viên quy định như luật này là có rào cản: người muốn đấu giá, muốn hành nghề không được làm vì không có bằng cấp đủ như luật này quy định; giữa đào tạo và hành nghề là việc khác nhau, có người học nhưng không hành nghề.

Giải trình về những ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng: Về những người được hành nghề đấu giá tài sản, thì đây là nghề tư pháp, nghề đặc thù, cơ bản là bán tài sản nhà nước, nên nếu không có đạo đức, không có quy định chặt chẽ thì sẽ dẫn đến tình trạng cò, quân xanh quân đỏ,…

“Còn các quy định liên quan đến điều kiện, tiêu chuẩn hành nghề, chúng tôi đã rà soát kỹ, câu chuyện 5 năm hay 3 năm hành nghề mới được cấp thì sẽ thảo luận thêm, nhưng lưu ý đây là nghề kinh doanh có điều kiện nên phải kỹ” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp lưu ý.

Bình luận (0)

Lên đầu trang