Chánh án TAND TC Nguyễn Hoà Bình: Bồi thường oan sai kiểu gì cũng bị lên án

Thứ Năm, 27/10/2016 23:52

|

(CAO) Kết quả thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước từ 2010 đến 2015, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã giải quyết xong 204 trong số 258 vụ việc yêu cầu bồi thường (đạt 79%), với tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường là hơn 111 tỷ đồng.

Trong buổi thảo luận tại Tổ về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chiều ngày 27-10, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho rằng để tổ chức thực hiện trong thực tiễn gặp rất nhiều khó khăn.

Giải quyết bồi thường hết sức khó khăn

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, qua theo dõi, ông nhận thấy việc bồi thường mấy vụ án oan sai vừa qua được thực hiện theo kiểu nào cũng đều bị dư luận lên án.

Theo ông Nguyễn Hoà Bình, nếu bồi thường theo đúng hướng dẫn luật của Bộ Tài chính thì người đòi bồi thường phải có chứng cứ, giấy tờ xác nhận chi tiêu. Nếu kê theo quy định thì tiền bồi thường không có bao nhiêu cả, như vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận. Dư luận lúc đó sẽ đặt ra câu hỏi là tại sao mười mấy năm lại chỉ có bấy nhiêu? Còn nếu vận dụng số tiền quá nhiều, cũng có luồng dư luận khác lên án, tại sao tiền của Nhà nước lại bị mất nhiều thế, ví dụ như trong trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho rằng có những khoản chi của người đòi bồi thường không thể nào định lượng được bằng “hóa đơn, chứng từ” như thiệt hại về danh dự, sức khỏe, tinh thần nên lại có chuyện tùy nghi trong vận dụng quyết định khối lượng đền bù. 

Ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng: “Riêng bồi thường trong lĩnh vực hình sự khó như thế, giờ bổ sung cả bồi thường trong lĩnh vực hành chính, dân sự nữa thì sẽ hết sức khó khăn” và “Phải có nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn chuyện này”.

Về trách nhiệm bồi thường, ông Bình đề nghị cần có trách nhiệm liên đới. Nếu ở cấp toà án, ngoài việc toà phải xin lỗi, bồi thường, kỷ luật thẩm phán, phải kỷ luật luôn cả điều tra viên và kiểm sát viên.

Ông đề nghị cần phải quy định cụ thể: “Khi xử lý ở giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra phải xin lỗi và điều tra viên phải bị xử lý, phạt tiền. Nếu ở giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát phải xin lỗi và bồi thường, nhưng xử lý kỷ luật thì phải cả điều tra viên và kiểm sát viên cùng chịu. Đến giai đoạn xét xử, tòa phải xin lỗi, bồi thường nhưng xử lý kỷ luật là phải xử lý cả 3 cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử và cả 3 phải bồi thường, không vô can. Chúng tôi đã đề nghị chi tiết này nhưng dự thảo chưa đề cập”.

Đề nghị lập quỹ bồi thường riêng

Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết Việt Nam là một trong số ít quốc gia có bồi thường, thể hiện trách nhiệm trước dân.

Chánh án TAND Tối cao cho rằng không nên phân tầng các cơ quan bồi thường ở từng giai đoạn như hiện nay, nên quy về một đầu mối, giúp bộ máy chuyên nghiệp, đàm phán đúng luật, tránh tình trạng mỗi nơi đàm phán một kiểu.

Về kinh phí bồi thường, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị nên làm theo kinh nghiệm của quốc tế khi lập ra Quỹ bồi thường thu lại từ các khoản thu do phạm tội mà có như buôn lậu, hối lộ, ma tuý… để tiếp tục đấu tranh phòng, chống tội phạm, chi trả bồi thường.

Bình luận (0)

Lên đầu trang