Tham dự đại hội còn có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVTND, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.
Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2010-2015 trình đại hội lần thứ XVI cho thấy, trong bối cảnh phải vượt qua nhiều khó khăn thách thức, nhưng bằng sự đoàn kết, sáng tạo và nỗ lực không ngừng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã giành được những thành tựu hết sức quan trọng.
Trong 5 năm qua, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đạt 8%/năm; quy mô nền kinh tế gấp 1,5 lần; thu nhập bình quân đầu người đạt 34,9 triệu đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3.373 triệu USD; huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 61.851 tỷ đồng; 72% dân cự đô thị và 85,5% dân cư nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo còn 7,5% (giảm 14,29% so với năm 2010), trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn 14,65% (giảm 24,3% so với năm 2010).
Công tác quốc phòng an ninh được đảm bảo, pháp chế xã hội chủ nghĩa được tăng cường, quan hệ đối ngoại được tiếp tục củng cố và mở rộng; Công tác xây dựng Đảng, chính quyền đạt được một số kết quả tích cực; hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, kiện toàn…
Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu chỉ đạo tại đại hội
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế đó là: Tăng trưởng kinh tế đạt khá nhưng chưa bền vững và thấp hơn so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm và chưa vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chậm được cải thiện; cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu; chất lượng lao động sau đào tạo nghề ở nhiều lĩnh vực không đáp ứng yêu cầu…
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phát biểu chỉ đạo tại đại hội, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua. Bộ trưởng Trần Đại Quang cho rằng, với tiềm năng lớn về tài nguyên đất đỏ bazan, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk trong nhiệm kỳ tới cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, gắn với đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới. Chú trọng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chuyên canh, thâm canh cao, tăng năng suất hiệu quả ngành nông nghiệp, gắn với phát triển công nghiệp chế biến, hình thành vùng chuyên canh sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng thương hiệu đặc sản của địa phương.
Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, từ quy hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội đến quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển các ngành, vùng, sử dụng đất đai, xây dựng các khu đô thị, các cụm dân cư. Làm tốt công tác huy động, thu hút các nguồn vốn đầu tư, cải thiện mạnh hơn môi trường đầu tư, có chính sách khuyến khích nhằm huy động nguồn lực trong dân cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, vốn đầu tư nước ngoài.
Bộ Trưởng Trần Đại Quang chụp ảnh lưu niệm với các đoàn đại biểu Công an tỉnh Đắk Lắk
Gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường; quan tâm hơn nữa để giáo dục - đào tạo thực sự là quốc sách hàng đầu, tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức viên chức là người đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương; chú trọng đầu tư và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, giáo dục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các đồng bào dân tộc; tiếp tục chăm lo công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên địa bàn. Tập trung xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức an ninh, quốc phòng; coi trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và lực lượng dân quân tự vệ. Chăm lo phát triển kinh tế, vă hóa - xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, bảo vệ tốt an ninh, trật tự trên địa bàn.
Đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xác định là nhiệm vụ then chốt của Đảng bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “vừa hồng, vừa chuyên”, nhất là đội ngũ cán bộ ở cơ sở gắn bó và đáp ứng yêu cầu của từng địa bàn, từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục thực hiện có có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 ( Khóa XI) về xây dựng Đảng và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị. Nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của Đảng bộ đối với các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và toàn xã hội trong thời kỳ đổi mới.
Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đại hội lần này là đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới; bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; đồng thời bày tỏ mong muốn, với tinh thần trách nhiệm cao, Đại hội sẽ dân chủ thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ vào các dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.