(CAO) Chủ tịch nước khẳng định: “Đấu tranh với tham nhũng phải kiên quyết, kiên trì; làm rõ những hành vi tham nhũng để xem xét, xử lý trên tinh thần phát hiện đến đâu, xử lý nghiêm đến đó, không có vùng cấm”.
Sáng nay (7-7), Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV TP.HCM có buổi tiếp xúc cử tri Tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị 1 cùng cử tri Q.1, Q.3, Q.4.
Mở đầu buổi làm việc, đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê báo cáo trước cử tri về kết quả kỳ họp thứ 3, nhấn mạnh đến một số dự án luật được kỳ họp thông qua, có hiệu lực thi hành trong thời gian tới sẽ tác động mạnh đến tình hình kinh tế xã hội, đời sống…
Liên quan đến quần thể biệt thự của Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Yên Bái Phạm Sĩ Quý, cử tri Lê Viết Hải (Q.4) cho rằng việc chuyển đổi 13.000ha đất rừng, đất trồng cây lâu năm thành khối tài sản như biệt thự, nhà sàn, cầu treo, hồ nước… vượt quá suy nghĩ của người dân.
Cử tri Hải trình bày: “Bất động sản, nhà ở là tài sản quan trọng của mọi gia đình - nó thể hiện phần nào tiềm năng kinh tế của con người. Với các quan chức ăn lương nhà nước thì khối tài sản như vậy vượt quá suy nghĩ của người dân. Câu hỏi đặt ra là tài sản có chính đáng hay không? Tôi đề nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm kiến nghị các cơ quan trung ương vào cuộc nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch thông tin với dư luận để tạo niềm tin cho nhân dân”.
Trong phần phát biểu của mình, cử tri Dương Xuân Viễn (Q.4) nhấn mạnh đến việc xử lý 12 dự án thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
“Vừa qua, Chính phủ xác định, công bố 12 dự án lãng phí hàng ngàn tỷ đồng như: Sơ sợi Đình Vũ, Bột giấy Phương Nam… Tôi đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục giám sát, chất vấn thành viên Chính phủ về việc xử lý 12 dự án này; kiến nghị Quốc hội chỉ đạo Chính phủ tổ chức thanh tra, làm rõ, xử lý nghiêm chức trách những cán bộ, công chức, viên chức có liên quan”, cử tri Dương Xuân Viễn nhấn mạnh.
Góp ý với đại biểu Quốc hội về vấn đề chống tham nhũng, cử tri Hoàng Thị Lợi (Q.1) đề nghị xem xét lại thu nhập của cán bộ công chức; những quy định về kê khai tài sản đối với cán bộ công chức; đánh giá lại quy trình tuyển công chức… Theo cử tri Lợi, với những vụ án tham nhũng thì mong muốn lớn nhất vẫn là thu hồi tài sản, nhưng những vụ án liên quan đến ngân hàng, công ty lớn thì những người phạm tội bỏ trốn nên rất khó xử lý.
Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận và chia sẻ với các bức xúc của cử tri. Chủ tịch nước cho biết sẽ tổng hợp tất cả các kiến nghị của cử tri để trình lên Quốc hội và các cơ quan có liên quan xem xét, xử lý, trả lời theo thẩm quyền.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng là vấn đề được toàn Đảng, toàn dân rất quan tâm. Chính phủ và Nhà nước luôn chú trọng đến công tác bộ máy ngày càng trong sạch, vững mạnh. Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng thu được kết quả bước đầu tuy nhiên tình trạng này vẫn còn diễn ra phổ biến, có nguy có thể lan rộng vào các lĩnh vực khác.
“Đấu tranh với tham nhũng phải kiên quyết, kiên trì nhưng thận trọng và làm rõ những hành vi tham nhũng để xem xét, xử lý trên tinh thần phát hiện đến đâu, xử lý nghiêm đến đó, không có vùng cấm” - Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định.
Chủ tịch nước cho biết, không chỉ đối với 12 dự án thua lỗ, Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thất thoát ở nhiều dự án khác; đảm bảo xử lý dứt điểm, không để gây ra hậu quả nghiêm trọng nữa. Nhà nước cũng không dùng ngân sách để hỗ trợ, khắc phục sai phạm của các dự án gây thất thoát.