(CAO) Đó là nhận định, cũng là tâm tư của đại biểu Lê Văn Lai – đoàn đại biểu tỉnh Quảng Nam trong phiên làm việc chiều 1-4 của kỳ họp 11- Quốc hội khóa 13. Theo ông, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ quốc hội vừa qua đưa ra khẳng định “đã giữ vững chủ quyền quốc gia” là chưa chính xác.
Theo ông Lai, cứ đánh giá chung chung là “ta đã giữ vững chủ quyền quốc gia” trong khi thực tế đã xảy ra nhiều vụ xâm lấn chủ quyền nghiêm trọng trong nhiệm kỳ quốc hội vừa qua khiến người dân không khỏi bức xúc.
Ông Lai cho biết từ việc Trung Quốc chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa, năm 1988 chiếm đá Gạc Ma và nay là hàng loạt động thái khiêu khích diễn ra trên Biển Đông như việc hạ đặt giàn khoan (2014), lâu lâu lại có một vụ xâm lấn chủ quyền Việt Nam trên vùng biển này thì không thể nói “chủ quyền quốc gia đã được giữ vững”.
Ông Lai đặt vấn đề: Chúng ta đưa ra các chính sách, quyết sách đối kháng có phù hợp ko? Chỉ có đánh giá đúng chúng ta mới đưa ra chủ trương, đối sách đúng.
Ông Lai nhấn mạnh: Việt Nam ghi nhận Trung Quốc đã giúp đỡ, viện trợ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nghĩa tình đó người dân Việt Nam sẽ không quên. Tuy nhiên, thời bình Trung Quốc đã có những hành động xâm chiếm chủ quyền Việt Nam thì chính quyền cần kiên quyết phản đối, tỏ thái độ và lằn ranh rõ ràng.
Đại biểu Lê Văn Lai – đoàn đại biểu tỉnh Quảng Nam phát biểu trong phiên họp Quốc hội chiều 1-4 .
Chính sách nhất quán của chính quyền Việt Nam là không phát động chiến tranh, yêu chuộng hòa bình nhưng khi chủ quyền quốc gia bị xâm hại thì phải phản kháng. Gần đây, nhiều tiếng nói trong xã hội đã yêu cầu chính quyền cần xem lại các nội dung giảng dạy trong sách giáo khoa. Nhiều sự kiện lịch sử (như chiến tranh biên giới Việt- Trung 1979), nội dung dạy trong sách như hiện nay đã tương xứng với mức độ của sự kiện chưa? Đã thật sự giáo dục được giới trẻ đúng tinh thần của lịch sử chưa?
Ông Lai khẳng định “đánh giá đúng tình trạng chủ quyền quốc gia mới có thể đề ra chủ trương và kế sách đúng”.
Ông nhắn gửi với những vị đại biểu trong nhiệm kỳ quốc hội khóa sau: “Nhân dân chỉ yêu cầu Quốc hội (cũng như Chính phủ) hai điều, đó là chống cho được giặc nội xâm và giặc ngoại xâm. Giặc nội xâm chính là vấn nạn tham nhũng gây nhức nhối, bức xúc trong dư luận xã hội. Còn giặc ngoại xâm là việc chúng ta phải giữ vững chủ quyền quốc gia, nhất là theo sát tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp. Chỉ cần chống tốt hai loại giặc này, nhân dân sẽ tôn vinh các đồng chí”.