Đưa HD-981 vào ngoài cửa vịnh Bắc Bộ: Trung Quốc muốn gì?

Thứ Tư, 13/04/2016 21:07

|

(CAO) Tính đến thời điểm hiện nay, Trung Quốc đã liên tục di dời các giàn khoan (GK) đến hoạt động tại những địa điểm khác nhau trong Biển Đông.

Gần đây nhất, 0 giờ 13 ngày 3-4-2016, GK bán chìm HD-981 của nước này bắt đầu di chuyển về hướng đông nam, sẽ hoạt động tại hai giếng Lăng Thủy 31-1-1 và Lăng Thủy 25-2-1. Đây là lần thứ 3 Trung Quốc đưa GK trên trở lại Biển Đông kể từ tháng 5-2014.

Khu vực mà GK này tác nghiệp, theo xác định của các cơ quan chuyên trách Việt Nam, hoàn toàn nằm trong vùng chồng lấn ngoài cửa vịnh Bắc Bộ. Phản ứng trước động thái trên, ngày 7-4-2016 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - Lê Hải Bình kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan HD-981 ra khỏi khu vực trên, không có thêm các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình, đồng thời có những đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Giàn khoan HD 981.

Trong khi đó, Reuter dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Hồng Lỗi biện minh rằng: “Hoạt động của GK này nằm ở vùng biển không tranh chấp của Trung Quốc. Đây là hoạt động khoan thăm dò thương mại bình thường”. Ông Lỗi còn lớn tiếng kêu gọi: “Chúng tôi hy vọng các bên liên quan có cái nhìn khách quan và hợp lý về vấn đề này".

Trên tinh thần cầu thị và dưới góc độ của một người làm công tác nghiên cứu Luật Biển, tôi xin được trình bày những căn cứ pháp lý và quy định của Luật Biển quốc tế hiện hành để xem xét vị trí các GK mà Trung Quốc đã và đang điều động đến tác nghiệp là nằm ở nơi nào: “vùng biển chồng lấn đang đàm phán” hay “vùng biển không có tranh chấp của Trung Quốc”? Có 2 nội dung pháp lý cần được làm sáng tỏ để trả lời cho câu hỏi này:

Thứ nhất, theo tính toán của các chuyên gia kỹ thuật, pháp lý thì vị trí mà các GK Trung Quốc được điều động đến tác nghiệp hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (ĐQKT) và thềm lục địa (TLĐ) chồng lấn được hình thành dựa theo đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa miền Trung Việt Nam và đường cơ sở ven bờ đảo Hải Nam Trung Quốc, mà khoảng cách giữa chúng chỉ dưới 200 hải lý - tính từ đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị, Việt Nam) và mũi Trân Chinh (đảo Hải Nam, Trung Quốc) - chỉ khoảng 170 hải lý.

Nếu tính một cách chính xác thì vùng chồng lấn này rộng khoảng 146 hải lý, vì phải trừ 24 hải lý chiều rộng lãnh hải của cả hai bên. Cụ thể là vị trí hoạt động của các GK nói trên đều nằm trong vùng chồng lấn rộng khoảng 146 hải lý. Chính vì lẽ đó mà giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có thỏa thuận đồng ý đàm phán để phân định ranh giới vùng ĐQKT và TLĐ chồng lấn nằm ngoài cửa vịnh Bắc Bộ. Điều đó chứng tỏ rằng khu vực cửa vịnh này đang tồn tại một vùng chồng lấn mà cả hai bên đều chính thức thừa nhận. Tuy vậy, phải chăng Trung Quốc cho rằng vị trí của các GK này nằm lệch về phía đông của một “đường trung tuyến giả định” khoảngtrên 20-30 hải lý, nên chúng hoàn toàn nằm trong vùng biển của Trung Quốc, nếu tính theo đường trung tuyến giả định đó?

Để làm sáng tỏ vấn đề này, có lẽ cũng xin được trình bày về vai trò của đường trung tuyến trong hoạch định vùng chồng lấn theo quy định Công ước của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Về nguyên tắc, theo quy định của UNCLOS 1982, vùng chồng lấn được tạo thành bởi phạm vi của vùng ĐQKT và TLĐ giữa 2 quốc gia ven biển nằm đối diện hay liền kề nhau, trong khi đàm phán mà chưa có được ranh giới cuối cùng thì không bên nào được tự ý đơn phương tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác hay bất cứ hành động nào để khẳng định quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình trong toàn bộ khu vực biển chồng lấnấy. Nếu muốn có hoạt động thăm dò, khai thác hay các hoạt động kinh tế - khoa học nào khác thì phải đạt được thỏa thuận giữa 2 bên về một giải pháp tạm thời có tính thực tiễn và khi áp dụng không được làm ảnh hưởng đến quá trình đàm phán phân định theo nguyên tắc công bằng mà hai bên có thể chấp nhận được.

Rõ ràng theo quy định của UNCLOS 1982, trước và trong quá trình đàm phán phân định vùng ĐQKT và TLĐ chồng lấn không hề đề cập đến việc sử dụng đường trung tuyến để phân chia quyền hạn và nghĩa vụ của các bên liên quan, trừ phi các bên liên quan thỏa thuận sử dụng nó như giải pháp tạm thời trong khi chờ kết quả đàm phán phân định cuối cùng. Cũng xin nhấn mạnh rằng, kết quả đàm phán phân định vùng chồng lấn tại cửa vịnh Bắc Bộ giữa 2 nước theo thỏa thuận nguyên tắc cho đến nay, dường như cũng chưa hề thống nhất áp dụng đường trung tuyến, dù là đường tạm thời hay đường phân định cuối cùng.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng UNCLOS 1982 cũng có quy định về việc sử dụng đường trung tuyến trước và trong quá trình đàm phán phân định lãnh hải chồng lấn giữa các quốc gia có bờbiển kế cận hoặc đối diện nhau: theo điều 15: “Khi hai quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau, không quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến mà mọi điểm nằm trên đó cách đều các điểm gần nhất của các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia, trừ khi có sự thỏa thuận ngược lại…”.

Nếu Trung Quốc vận dụng điều khoản này cho vùng ĐQKT chồng lấn thì đó là một sự cố tình giải thích và áp dụng sai các quy định của UNCLOS 1982, chà đạp Công ước Luật Biển của LHQ về Luật Biển mà họ là một thành viên, cố tình vi phạm các thỏa thuận chính trị, pháp lý song phương đã được ký kết giữa 2 nước trong thời gian qua.

Thứ hai, nhiều khả năng Trung Quốc cho rằng vị trí của các GK này nằm trong vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc gọi là Tây Sa. Bởi Bắc Kinh luôn khẳng định quần đảo Hoàng Sa mà họ đã chiếm của Việt Nam bằng vũ lực năm 1956 và 1974 “vốn dĩ thuộc chủ quyền Trung Quốc từ thời cổ đại”, không có tranh chấp, có hiệu lực trong việc xác lập vùng ĐQKT 200 hải lý tính từ đường cơ sở bao quanh quần đảo này như họ từng công bố.

Căn cứ tọa độ vị trí các GK Trung Quốc điều tới tác nghiệp, các chuyên gia kỹ thuật bản đồ xác định chúng đều nằm cách các thực thể phía bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng trên năm bảy chục hải lý. Chính vì thế mà Trung Quốc đã đưa ra lời tuyên bố quả quyết rằng: “Hoạt động của GK này nằm ở vùng biển không tranh chấp của Trung Quốc”… Có nghĩa là Bắc Kinh khẳng định các GK này đang tác nghiệp bình thường trong vùng ĐQKT 200 hải lý thuộc “quần đảo Tây Sa”của Trung Quốc, không có tranh chấp (!).

Liệu sự khẳng định này có phù hợp với các quy định của Luật pháp quốc tế không?

Chúng ta có thể khẳng định ngay rằng tuyên bố trên của Trung Quốc không khách quan và không hợp lý, bởi lẽ:

1.Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình tại đây một cách liên tục, hòa bình, rõ ràng, ít nhất là từ thế kỷ thứ XVII, khi quần đảo này còn là đất vô chủ. Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để đánh chiếm quần đảo này, vi phạm Hiến chương LHQ. Việc chiếm đóng bất hợp pháp đó không mang lại chủ quyền cho Trung Quốc dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế.

2.Theo UNCLOS 1982, Hoàng Sa là quần đảo xa bờ, không phải “quốc gia quần đảo”. Việc xác lập đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của quần đảo này không thể áp dụng theo quy định dùng cho “quốc gia quần đảo”, nghĩa là không được vạch đường cơ sở bao lấy toàn bộ thực thể của quần đảo này như Trung Quốc từng tuyên bố. Theo quy định của UNCLOS 1982 thì đường cơ sở ở đây phải được vạch cho từng đảo theo đúng định nghĩa tại điều 121 của Công ước Luật Biển 1982.

Về cấu tạo địa lý tự nhiên, hầu hết các đảo của quần đảo này quá nhỏ: lớn nhất là đảo Phú Lâm với 1,6km2, còn lại là những đảo có diện tích dưới 0,5km2; các đảo này nằm trong khu vực biển được đánh giá là có khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra bão tố, hầu hết đều không có nước ngọt… , do đó không thể thích hợp cho con người sinh sống bình thường. Vì vậy, có thể khẳng định hầu hết các đảo ở đây chỉ có vùng lãnh hải tối đa 12 hải lý bao quanh. Nếu Trung Quốc cho rằng quần đảo này có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý bao quanh thì đó lại là yêu sách vô căn cứ, một sự giải thích và áp dụng quy định của UNCLOS 1982 hoàn toàn sai trái, chỉ nhằm phục vụ cho tham vọng độc chiếm Biển Đông của họ mà thôi.

Tóm lại, chúng ta có quyền khẳng định tuyên bố của Trung Quốc hoàn toàn mâu thuẫn với “hy vọng các bên liên quan có cái nhìn khách quan và hợp lý về vấn đề này". Phải chăng theo Trung Quốc, hy vọng đó chính là hãy để cho quốc gia này tự tung tự tác, tự áp đặt cách hành xử riêng theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”, để Bắc Kinh tự do thực hiện “Trung Hoa mộng” bằng cách giẫm đạp lên công lý và đạo lý?

Vì vậy, có lẽ hơn lúc nào hết, chúng ta cần hết sức tỉnh táo và cảnh giác trước những động thái mà Trung Quốc đang thực hiện tại thực địa và trên mặt trận ngoại giao. Bởi có lẽ Bắc Kinh đang tính toán vận dụng một cách “sáng tạo và có hiệu quả” Binh pháp Tôn Tử để thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông của họ. Với những gì đang diễn ra tại cửa vịnh Bắc Bộ trong tình hình hiện nay, chúng ta có thể thấy rằng Trung Quốc một lần nữa đã vận dụng kế thứ 6 trong 36 kế của Binh pháp Tôn Tử, đó là “Thanh đông kích tây” hay còn gọi là “Giương đông kích tây”. Điều cấm kỵ khi dùng kế này là để lộ cơ, vì khi ấy sẽ mất hết khả năng phòng bị.

Thực tế ứng phó với kế trên mà Trung Quốc đã vận dụng thông qua việc di dời các GK hoạt động ở Biển Đông từ năm 2014 cho đến nay, Việt Nam đã kịp thời phát hiện được cái bẫy pháp lý ấy, có nghĩa là chúng ta đã kịp làm “lộ cơ”. Thiết nghĩ thành công này cần được duy trì, phát huy hơn nữa.

Điều quan trọng là chúng ta cần làm cho dư luận quốc tế đồng tình, chia sẻ, giúp chúng ta trong cuộc chiến bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình trên Biển Đông; trước mắt là phải tiếp tục vô hiệu hóa độc kế “Thanh đông kích tây” Trung Quốc hiện đang giương ra để phân hóa, ly gián, làm lung lay sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc và bạn bè khu vực, quốc tế.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang