Kỷ niệm 70 năm toàn quốc kháng chiến 19/12/1946-19/12/2016:

Giữ vẹn lời thề độc lập

Chủ Nhật, 18/12/2016 02:08

|

(CAO) Sau khi đánh chiếm Nam Bộ (từ 23/9/1945), quân xâm lược Pháp rắp tâm đánh chiếm cả nước Việt Nam, bất chấp Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946, tạm ước 14/9/1946 mà Pháp đã ký với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 18/12/1946, tướng Morlière Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Bắc Đông Dương đã gởi công văn cho chính phủ ta, nêu yêu sách ngang ngược: “Đòi chiếm đóng Sở Tài chánh, Sở Giao thông công chánh, đòi tước khí giới Đội tự vệ Việt Nam, gỡ bỏ các chướng ngại vật trên đường phố, giao cho quân Pháp giữ an ninh thủ đô Hà Nội. Hạn trả lời trong 24 tiếng, sau đó ngày 20/12/1946 quân Pháp sẽ hành động”.

Thực chất đó là tối hậu thư, buộc ta phải đầu hàng. Trong thực tế, quân Pháp trước đó đã đánh chiếm cảng Hải Phòng, tiến hành tàn sát dân ta một cách dã man ở một số khu xóm lao động ở Hải Phòng, Hà Nội…

Hội đồng chính phủ, Trung ương Đảng ta đã họp trong 2 ngày 17 - 18/12, nghe báo cáo tình hình và quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn dân.

Đúng 20 giờ ngày 19/12/1946, tín hiệu nổ súng kháng chiến toàn quốc phát ra từ pháo đài Láng (Hà Nội). Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố liền ngay sau đó:

“Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

Toàn quốc kháng chiến nổ ra trong tình hình thế giới và trong nước không phải thuận lợi cho ta: Trên thế giới Liên Xô phải dồn sức hàn gắn vết thương chiến tranh thế giới (1939-1945) tàn phá nặng nề đất nước Lê Nin; cách mạng Trung Quốc còn gặp khó khăn, chưa xuống được phía Nam Trung Hoa; phong trào đòi dân tộc tự quyết của các nước Đông Nam Á chưa khởi sắc; ở Pháp phe hữu hiếu chiến thắng thế loại Đảng Cộng sản Pháp ra khỏi chính phủ. So sánh lực lượng giữa ta và quân Pháp trên chiến trường trong nước chênh lệch lớn; Pháp đưa đội quân viễn chinh thiện chiến sang Đông Dương với trang thiết bị tối tân, có ưu thế hơn hẳn quân dân Việt Nam lúc đó chỉ có vũ khí thô sơ, tổ chức và chiến kỹ thuật còn non yếu…

Thế nhưng khi quân Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược ra cả nước, điều đó đã kích động tinh thần căm thù địch sâu sắc. Ở khắp Bắc-Trung-Nam đều sôi sục khí thế sẵn sang xả thân hy sinh vì nước, với khẩu hiệu:“Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Do ta chủ động đối phó với âm mưu của Pháp cho nên nhiều kho tàng, trang thiết bị, máy móc đã được dời đi trước giờ nổ súng. Đồng thời ta thực hiện khá tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vô luận thế nào cũng không được bỏ dân bơ vơ”. Ta đã tổ chức đưa đón hàng chục vạn đồng bào tản cư ra khỏi vùng chiến sự.

Ở Nam Bộ, hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân Nam Bộ đã tiến công địch trên tất cả các mật trận, nổi nhất là các trận đầu năm 1947, như trận Cổ Cò ở Cái Bè (Mỹ Tho) ngày 22/1/1947, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn Néon thiện chiến của Pháp, diệt trên 140 tên; trận Giồng Dứa ở huyện Châu Thành (Mỹ Tho) ngày 24/4/1947, tiêu diệt đoàn công-voa Pháp, bắn chết tên đại tá chỉ huy Trocard, bắt sống nhiều tên, trong đó có 2 Bộ trưởng chính phủ Nam Kỳ khiến chính phủ Pháp phải ban lệnh quốc tang 7 ngày; trận Xóm Mới (Hóc Môn-Gia Định) ngày 8/6/1947, bẻ gãy cuộc càn quét của hơn 2.000 tên giặc, diệt hơn 200 tên, thu nhiều vũ khí...

Cùng Toàn quốc kháng chiến, Nam Bộ đã tiếp tục thực hiện lời thề Độc lập thiêng liêng ngày 2/9/1945: “Nhân dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải bảo vệ nền tư do, độc lập”, với khí phách kiên cường, bất khuất của người Việt ở phương Nam.

Và đúng như lời tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ của nhân dân Việt Nam - trải qua hai cuộc chiến tranh giải phóng dài 30 năm, chống thực dân Pháp, rồi đế quốc Mỹ - đã giành toàn thắng ngày 30/4/1975, bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Bài học của ngày “Toàn quốc kháng chiến” sau 70 năm, chính là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường bất khuất, bản lĩnh và trí tuệ tiến hành kháng chiến của toàn dân, đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài học ấy củng cố lòng tin vững chắc của chúng ta vào tương lai của đất nước, dân tộc trước mọi mưu đồ, thủ đoạn mới hòng xâm lấn Tổ quốc ta bất kỳ từ đâu tới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang