(CAO) Ngày 14-12-2016, Sở Công thương TP.HCM tổ chức hội nghị "Phòng, chống kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại và bảo vệ môi trường, giảm sử dụng túi ni lông trên địa bàn TP.HCM".
Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, trong 11 tháng năm 2016, lực lượng chức năng đã xử lý 4.482 vụ vi phạm hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và sở hữu trí tuệ, giá và đầu cơ găm hàng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Nguyễn Văn Bách - Chi cục phó Chi cục QLTT TP đánh giá số vụ vi phạm mà đơn vị kiểm tra và xử lý tăng 47,54% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhiều nhất có 1.630 vụ vi phạm về hàng nhập lậu, 731 vụ vi phạm trong kinh doanh và 662 vụ vi phạm hàng giả và sở hữu trí tuệ...
Từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT TP kiểm tra và phát hiện 1.498 doanh nghiệp, hộ kinh doanh và kho hàng buôn bán chứa trữ hàng nhập lậu, hàng không có chứng từ hóa đơn, nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, còn có 587 vụ sản xuất, buôn bán, chứa trữ hàng giả mạo nhãn hiệu tại các trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng kinh doanh.
Tại hội nghị cũng triển khai khai kế hoạch phối hợp đấu tranh phòng, chống hàng giả dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 cho các sở ngành và chính quyền địa phương 24 quận, huyện.
Theo đó, các sở-ngành, UBND các quận–huyện đưa công tác dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường, hàng hóa, giá cả... là nhiệm vụ ưu tiên để sẵn sàng đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cảng hàng không dân dụng, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, các khu vực buôn bán khác trong nội địa nhằm phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc; các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả trên địa bàn TP.
Ông Phạm Thành Kiên-Giám đốc Sở Công thương TP, cho rằng sự phối hợp và liên kết chặt chẽ của các lực lượng chức năng với chính quyền địa phương của 24 quận huyện sẽ hỗ trợ trong việc xác định những điểm nóng hay địa bàn trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Từ đó, thúc đẩy việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiệu quả hơn.
Dịp này, Sở Công Thương và Chi cục quản lý thị trường đã ký "Bản thỏa thuận cam kết về việc phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn TP.HCM" với 18 đơn vị gồm các chợ truyền thống, hệ thống phân phối hiện đại, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.