(CAO) Ngày 9-12-2016, tại Hà Nội, đã khai mạc Hội nghị không chính thức các quan chức cấp cao Diễn đàn kinh tế Châu Á Thái Bình Dương - APEC 2017. Hội nghị lần này chính là cơ sở để hoàn thiện về mặt nội dung cho cả năm APEC 2017 mà Việt Nam vinh dự được đăng cai tổ chức.
Hội nghị do Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch quan chức cấp cao APEC Việt Nam Bùi Thanh Sơn chủ trì với sự tham dự của đại diện các quan chức cấp cao các nền kinh tế thành viên APEC, Ban thư ký APEC quốc tế và các tổ chức quan sát viên của APEC.
Hội nghị có 4 phiên thảo luận chính tập trung vào những kiến nghị của Hội thảo quốc tế được tổ chức thành công trước đó 1 ngày, bao gồm những ưu tiên, những hoạt động chính của Năm APEC 2017.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về việc thực hiện các thỏa thuận đã đạt được tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 24 được tổ chức tại Lima, Peru. Trong đó khẳng định tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng trưởng chất lượng và phát triển con người.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (giữa) tại cuộc họp báo
Các đại biểu cho rằng, việc các nhà lãnh đạo APEC ra được Tuyên bố Lima về khu vực thương mại tự do Châu Á – Thái Bình Dương là một cam kết mạnh mẽ nhất đối với tiến trình tự do hóa thương mại, khẳng định vai trò của APEC trong sự phát triển chung của nền kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, Hội nghị cũng khẳng định lại nỗ lực chung của APEC trong việc thực hiện các Mục tiêu của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, tăng cường gắn kết nông thôn với thành thị, an ninh lương thực, hợp tác phát triển thị trường lương thực, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, ứng phó thiên tai, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước,... Các đại biểu nhấn mạnh rằng APEC cần phải tiếp tục phát huy vai trò hợp tác và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực.
Với vai trò là nước chủ nhà của năm APEC 2017, Việt Nam sẽ có các ưu tiên nhằm tiếp nối thực hiện các thỏa thuận đã được các nền kinh tế thành viên APEC đã nhất trí thông qua.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch quan chức cấp cao APEC Việt Nam Bùi Thanh Sơn chụp ảnh cùng các đại biểu
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Hội nghị muốn chuyển một thông điệp lớn về việc Việt Nam đã sẵn sàng cho Năm APEC 2017: “Chúng ta sẵn sàng từ nội dung, đến tổ chức, đến hậu cần cho năm APEC 2017. Chúng ta sẵn sàng sau 2 năm chuẩn bị để chính thức đăng cai năm APEC 2017. Trong quá trình chuẩn bị chúng ta đã tham vấn tất cả các nền kinh tế thành viên, cùng với nỗ lực của các Bộ ngành Việt Nam, chúng ta đã xác định được 4 ưu tiên lớn cho năm APEC 2017.
Trong đó, có chủ đề Tạo ra động lực mới để cùng vun đắp tương lai chung. Trên chủ đề chung đó, chúng ta xác định 4 ưu tiên trong lĩnh vực liên kết kinh tế, lĩnh vực phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và đặc biệt là cải cách các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tất cả các ưu tiên này sẽ được thảo luận trong ngày hôm nay. Các chuyên gia, các học giả, đặc biệt là các quan chức cao cấp của các nền kinh tế thành viên APEC sẽ đóng góp ý kiến cho những ưu tiên này”.
Phát biểu tại cuộc họp báo quốc tế về Năm APEC Việt Nam 2017 diễn ra ngay sau Hội nghị, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc đăng cai APEC 2017 sẽ đem lại lợi ích gì cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: Trong cả năm 2017, dự kiến Việt Nam sẽ đón tiếp các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế thành viên cùng hàng chục ngàn lượt đại biểu, đại diện các tập đoàn và các cơ quan truyền thông lớn của khu vực và quốc tế đến tham dự với khoảng 200 hoạt động của Diễn đàn được tổ chức trên khắp cả nước. Qua đây, chúng ta có thêm cơ hội quý báu để nâng cao năng lực hội nhập của các địa phương và doanh nghiệp, góp phần quảng bá, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng miền. Ngoài ra, người dân cũng có thêm cơ hội về việc làm, giáo dục y tế...nhờ các hoạt động mà APEC đang triển khai, kết nối trong khu vực. Trước đó, trong phát biểu về việc Việt Nam đảm nhận vai trò chủ nhà năm APEC 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng kêu gọi, để làm tròn trọng trách nước chủ nhà, cần có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân cả nước để các thành viên APEC và bạn bè quốc tế cảm nhận sâu sắc về một Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển đầy năng động, con người Việt Nam giàu tình nghĩa, nhân văn và mến khách. |