Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX:

Lan tỏa những tấm lòng phụng sự đất nước

Thứ Ba, 08/12/2015 07:24  | Ngọc Sơn - Thanh Hoà

|

(CAO) Với chủ đề Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc∫, sáng 7-12-2015, tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đã khai mạc trọng thể.

Tham dự đại hội có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng 1.800 đại biểu là Anh hùng các lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực, vùng miền, dân tộc, tôn giáo. Báo Công an TPHCM tiếp tục giới thiệu một số gương mặt tiêu biểu được biểu dương tại đại hội này.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp hình lưu niệm với Đoàn đại biểu TPHCM dự Đại hội Thi đua yêu nước.

- Nguyễn Bá Hải, giảng viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM: Trình bày tham luận tại đại hội, những trăn trở, tâm tư của TS Nguyễn Bá Hải như truyền đi một luồng gió mới, với suy nghĩ: “Mỗi ngày thức dậy, tới trường hay nơi làm việc, tất cả chúng ta đều phải tương tác với cộng đồng. Cuộc sống hiện đại khiến giá trị chung của cộng đồng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Và do đó, phụng sự và cống hiến cho xã hội chính là phục vụ cho chính bản thân mình”.

Nhờ sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân, TS Nguyễn Bá Hải cùng đồng sự triển khai thành công dự án “Mắt thần”, sản xuất thiết bị giúp người khiếm thị di chuyển an toàn hơn. Sau bốn năm với chín phiên bản, thiết bị “Mắt thần” giảm giá thành từ 20 triệu đồng xuống 2,2 triệu đồng, nặng 2kg xuống còn 200gram. Nhóm của TS Hải đã trao tặng và đưa 1.000 thiết bị dẫn đường tới người khiếm thị ở hơn 10 tỉnh, thành trong nước và một số quốc gia khác. Gần đây, dự án “Mắt thần” còn may mắn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ.

Hay như dự án Robot được nhóm của TS Hải hoàn thành phiên bản mẫu thứ nhất. Sau bốn lần thất bại và cải tiến, cách đây vài ngày, robot đầu tiên đã chạy thử nghiệm thành công, phục vụ 50 lượt người trong một quán cà phê khởi nghiệp tại Q.Thủ Đức.

- Chị Nguyễn Thị Hường (35 tuổi, ở xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TPHCM): Là một tỷ phú nông dân với đàn bò sữa hơn 40 con cùng một trạm thu mua sữa quy mô bảy tấn/ngày, không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Hường còn hỗ trợ cho nhiều nông dân trong vùng. Chị đã tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức của hội nông dân cũng như tự tìm tòi sách, báo để nâng cao kiến thức nuôi bò sữa.

Năm 2004, chị Hường bỏ ra hơn hai tỷ đồng đầu tư thiết bị bảo quản sữa, sau đó đến từng nhà cam kết về đầu ra, cam kết thu mua sữa đúng giá thị trường, đồng thời truyền luôn kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến. Lúc này, chị đã ký hợp đồng làm trạm trung chuyển sữa cho thương hiệu sữa “cô gái Hà Lan”. Ðến năm 2010, chị chuyển qua làm trạm trung chuyển cho thương hiệu sữa Vinamilk. Từ chỗ có vài hộ tham gia, đến nay có 110 hộ tin tưởng giao mỗi ngày hơn bảy tấn sữa nguyên liệu cho trạm của chị. Chị cho rằng chị luôn gặp may mắn, nhưng để có được sự may mắn ấy, chị phải học hỏi không ngừng.

- Em Nguyễn Dương Kim Hảo, học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều: Là đại biểu nhỏ tuổi nhất trong số 53 đại biểu của Đoàn TPHCM tham dự đại hội, em Nguyễn Dương Kim Hảo (SN 2001, học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình) có thành tích khá ấn tượng. Em là một trong bảy “Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM” và là một trong mười “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” 2013. Hảo đã đoạt nhiều giải thưởng lớn về phần mềm công nghệ thông tin trong nước và quốc tế.

Cậu học sinh 14 tuổi sở hữu nhiều sáng kiến như bảng điều khiển thông minh giúp người sử dụng dễ dàng tắt các thiết bị điện khi đã ra ngoài, được mang đến triển lãm quốc tế về công nghệ, sáng chế 2013 tại Malaysia, Indonesia, đồng thời đoạt giải sáng tạo của Viện Hàn lâm Hàn Quốc. Mới đây nhất, Hảo trình làng sản phẩm máy tính hóa học dưới dạng bỏ túi, người dùng có thể xem tên gọi các chất hóa học, cân bằng phương trình, tìm kiếm phương trình hóa học...

- Ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Công ty Vissan: Công ty TNHH một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) là doanh nghiệp Nhà nước, thành viên Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (Satra). Với Vissan, mục tiêu hàng đầu là chất lượng, uy tín, an toàn vệ sinh thực phẩm và lợi ích chung của cộng đồng.

Uy tín sản phẩm và thương hiệu của Vissan được đông đảo người Việt Nam tin dùng, được bình chọn danh hiệu “hàng Việt Nam chất lượng cao” 19 năm liền. Vissan đứng đầu thương hiệu của ngành thực phẩm chế biến, xếp hạng trong 100 thương hiệu Việt nổi tiếng, được thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vào tháng 5-2012. Công ty còn đóng góp công tác xã hội từ thiện bình quân 1,5 tỷ đồng/năm.

Bật mí về bí quyết để đạt được thành tích trên, Tổng giám đốc Văn Đức Mười cho biết cả cấp ủy Đảng và cán bộ lãnh đạo công ty đều quán triệt chặt chẽ nhận thức về tầm quan trọng, vị trí, vai trò thiết thực của công tác thi đua, khen thưởng. Từ đó tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động giỏi, thi đua yêu nước trong toàn thể cán bộ, nhân viên.

“Những thành tích đạt được của Vissan là biểu hiện của tinh thần thi đua yêu nước, là sự đóng góp của công ty vào thành tựu quan trọng của đất nước qua hơn 30 năm đổi mới và phát triển, là niềm tin vững mạnh vào tương lai tươi sáng, phát triển, phồn vinh của đất nước”, ông Mười nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang